Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản là một sản phẩm văn hóa hữu nghị đặc sắc ở Hội An. Nhìn lại một năm ra đời và đi vào hoạt động, có thể nói đó cũng là một sản phẩm du lịch đặc trưng tại di sản văn hóa này trong thời giao lưu, hội nhập.
Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản được hình thành từ mong muốn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam – NHật Bản (1973 – 2018) và chính thức được khai trương vào Tuần lễ cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng (11/11/2017), đặc biệt có sự tham dự và kéo băng khai trương của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Chương trình khai trương có nhiềuhoạt động đa dạng, đặc sắc về văn hóa và du lịch của 2 nước và các địa phương kết nghĩa của 2 nước, thu hút sự quan tâm, chú ý của giới truyền thong, báo chí trong nuớc và quốc tế. Và đáng nhớ hơn là thời điểm ấy, Hội An vừa trải qua những ngày mưa dầm nước ngập của cơn lũ lịch sử. “Thấm thoát mà 1 năm đã trôi qua. Nhớ những ngày đầu tháng này năm ngoái khi cơn lũ lớn làm phố cổ Hội An ngập chìm trong biển nước thì cũng là lúc thành phố Hội An chúng ta chuẩn bị cho công tác đón Hội nghị APEC cũng như khai trương Không gian văn hóa Việt – Nhật đầy trọng đại. Chị em chúng tôi – những thành viên và cộng tác viên của Trung tâm VHTT thành phố lội lụt, đi thuyền tham gia học trà đạo, học nghệ thuật gấp giấy Origami, trang phục Yukata mà các bạn Nhật Bản đã hướng dẫn. Phải nói lúc đầu rất là khó khăn!”, cộng tác viên Huỳnh Thị Kim Chi nhớ lại.
Tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai nhộn nhịp lên từ khi mở Không gian giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản- Ảnh: Đỗ Huấn
Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản được tái hiện trên toàn bộ tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai và khu vực xung quanh Chùa Cầu (đoạn đường, mặt sông từ ngã ba đường Bạch Đằng – Châu Thượng Văn). Điểm nhấn nổi bật của Không gian là cổng chào, biểu tượng và mô hình Châu Ấn thuyền do thành phố Nagasaki – Nhật Bản tặng, trưng bày tư liệu lịch sử, kết quả khảo cổ học về giao thương, về mối quan hệ của Phố Nhật ở Hội An thế kỷ XVII. Tại đây còn diễn ra nhiều hoạt động như: trình diễn trà đạo, trà xanh Nhật Bản; trưng bày bonsai Nhật Bản và Việt Nam; giới thiệu sản phẩm mỹ nghệ Việt Nam, Nhật Bản; giới thiệu ẩm thực Hội An, Nhật Bản; biểu diễn trang phục với chủ đề “Ký ức thời gian”; trình diễn thư pháp; trình tấu nhạc cụ dân tộc 2 nước… Ngoài ra còn có các hoạt động trò chơi trẻ em Nhật Bản, Việt Nam, gấp giấy Origami, gấp lá dừa…
Tuy mới hoạt động được 1 năm nhưng Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản đã trở thành một sản phẩm du lịch mới lạ, đặc trưng tại di sản văn hóa thế giới Hội An, mang đậm nét các giá trị văn hóa hữu nghị. Hoạt động của Không gian đã góp phần quảng bá du lịch Hội An nói riêng và Việt Nam nói chung đến với bạn bè thế giới, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệmcác hoạt động đường phố, thực hành, tìm hiểu văn hóa, trong đó có lượng khách Nhật Bản vốn là thị trường khách yêu thích Hội An.“Đến nay qua một năm triển khai Không gian này, chúng ta đã thực hiện được rất nhiều việc trong Đề án mà chúng ta đặt ra, cả phía Việt Nam và phía bạn Nhật Bản. Thông qua Không gian văn hóa này đã tạo thêm một sản phẩm du lịch mới cho Hội An và cũng đã góp phần thúc đẩy việc giao lưu văn hóa giữa Hội An với Nhật Bản nói riêng và giữa Việt Nam với Nhật Bản nói chung”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sơn nói.
Theo thống kê, số lượng khách Nhật Bàn mua vé tham quan phố cổ sau khi có Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản (từ tháng 11/2017 đến nay) đạt 59.935 lượt, tăng hơn 14.538 lượt so với cùng khoảng thời gian trước đó (từ tháng 11/2016 đến 10/2017). Hoạt động thu hút nhiều du khách là trải nghiệm xem trình diễn và dịch vụ trà đạo, cao điểm vào tháng 7 vừa qua với số lượt thưởng thức trà là 104 ly và tháng 8 với 125 ly (không tính tổng số khách của các đoàn đến tham quan). Kế đó là các hoạt động dịch vụ xe cổ – mặc trang phục Việt Nam – Nhật Bản, gấp giấy Origami – gấp lá dừa… Di tích đình Cẩm phô cũng thu hút nhiều lượt khách đến tham quan, tăng gấp nhiều lần so với trước. Nhờ vậy, tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai trở nên nhộn nhịp, sinh động hơn. Bà Hồ Thị Phương Uyên – Phó Văn phòng HDTQ (Trung tâm VHTT thành phố) cho rằng: “Điều này đã giúp giảm tải, bớt một phần áp lực rất đông khách tập trung ở khu vực trung tâm phố cổ. Một điều đặc biệt quan trọng nữa là tuyến phố Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay rất nhộn nhịp và chúng tôi không dám nói thu nhập của người dân trong tuyến phố được tăng lên từ khi có Không gian nhưng chúng tôi khẳng định một điều rằng du khách có thêm nhiều sự trải nghiệm và đến với những tuyến phố nằm trong Không gian nhiều hơn”.
Đưa Không gian vào hoạt động, đình Cẩm Phô thu hút lượng du khách đến tham quan và trải nghiệm đông hơn- Ảnh: Đỗ Huấn
Việc khai trương và đưa vào hoạt động Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản tuy mới được một năm nhưng đã tạo ấn tượng tốt đẹp, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giới thiệu một cách sâu rộng những giá trị văn hóa của Nhật Bản trên mảnh đất Hội An, giữ và tăng cường mối quan hệ hữu nghị lâu dài, bền chặt giữa hai đất nước Việt Nam – Nhật Bản từ trong quá khứ đên hiện tại và tương lai. Cộng tác viên Suzuki Kazuo – giáo viên dạy tiếng Nhật tại đình làng Cẩm Phô tâm sự: “Từ một nước xa xôi đến đây sống, gắn bó với Hội An đã cho tôi cảm nhận đầy đủ được tình cảm của người dân phố Hội dành cho tôi nói riêng và du khách Nhật đến đây. Tôi rất hạnh phúc khi được dạy chữ cho các em nhỏ và các lễ nghi văn hóa tiêu biểu của người dân Nhật Bản. Điều này cho tôi cảm xúc rất lạ, rất hạnh phúc vì làm được một việc ý nghĩa kết nối thêm sâu sắc tình cảm bang giao giữa hai đất nước”.
Là một đô thị thương cảng cổ “vang bóng một thời”, Hội An từng là nơi giao thương buôn bán của nhiều doanh nhân Nhật Bản từ thế kỷ XVI – XVII. Tại đây vẫn còn lưu dấu Phố Nhật (Nihon Machi) với vai trò là trung tâm thương mại của Nhật với Đông Nam Á cùng nhiều di tích, di chỉ văn hoá như: mộ người Nhật, gốm Hizen được tìm thấy qua khai quật khảo cổ và đặc biệt là Chùa Cầu (còn gọi là cầu Nhật Bản). Dựa trên mối tương đồng về văn hoá và quan hệ giữa 2 nước, hơn 15 năm qua thành phố Hội An đã đẩy mạnh nhiều hoạt động giao lưu, hợp tác để vừa tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa 2 nước vừa tạo cơ hội mở rộng thêm thị trường khách Nhật Bản. Việc hình thành và đưa vào hoạt động Không gian văn hóa Việt Nam – Nhật Bản đã tạo thêm cho Hội An một sản phẩm văn hóa – du lịch đặc trưng, thu hút du khách Nhật Bản đến Hội An ngày càng tăng; đồng thời góp phần tăng cường và phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa Hội An với các thành phố kết nghĩa của Nhật Bản cũng như giữa 2 đất nước, 2 dân tộc Việt Nam – Nhật Bản.
Đỗ Huấn