Những công trình “lịch sử” của tuổi trẻ

Trong suốt chiều dài lịch sử, tuổi trẻ Hội An luôn đồng hành và đóng góp sức trẻ vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương. Trong đó, nhiều công trình, phần việc mang đậm dấu ấn của Đoàn viên, thanh niên đã được tuổi trẻ thành phố đảm nhận, mang lại giá trị kinh tế-xã hội cao, trong đó phải nói đến giai đoạn quê hương vừa bước ra khỏi chiến tranh.

Những ngày cuối năm Đinh Dậu, chúng tôi đến thăm ông Lê Viết Lục nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố, nguyên Phó Bí thư Thị Đoàn Hội An. Hiện ông đang sống cùng gia đình tại ngôi nhà trên đường Nguyễn Tuân, phường Tân An. Mái tóc đã điểm bạc, nhưng đôi mắt ông vẫn tràn đầy sức sống. Sau một hớp trà, ông bắt đầu câu chuyện một cách hào hứng và đầy nhiệt huyết.

Ông Lục kể lại, những ngày sau giải phóng, thiếu lương thực là vấn đề cấp bách đối với Hội An. Bởi lẽ, trong chiến tranh, sản xuất bị ngưng trệ. Người dân một phần bị địch dồn từ các nơi về, một số khác tản cư từ vùng chiến sự về thị xã. Do đó, sau giải phóng, thị xã phải tiến hành giãn dân về các vùng ngoại ô và phát động nhân dân đẩy mạnh sản xuất để đảm bảo lương thực.

Thời điểm đó, Cẩm Hà là một trong những vùng giãn dân từ nội thị. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, giữa vùng cát trắng khô cằn, nguồn nước ngọt thiếu thốn, hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân gặp không ít khó khăn. Trước tình thế đó, Đảng bộ, chính quyền thị xã quyết định xây dựng công trình thủy lợi đưa nước về cánh đồng xã Cẩm Hà phục vụ sản xuất nông nghiệp, đó chính là trạm bơm Hà Châu và tuyến kênh dẫn nước về tưi cho cánh đồng Trà Quế hiện nay.

Ông Lê Viết Lục kể tiếp, lúc bấy giờ chủ trương xây trạm bơm Hà Châu đã có nhưng thiên nhiên vẫn không “chiều” lòng người. Bởi nước sông Thu Bồn lúc bấy giờ thường xuyên bị nhiễm mặn, nếu không có nguồn nước ổn định, dù có xây trạm bơm cũng không phát huy được hiệu quả. Vậy nên, chủ trương ngăn đập, cải tạo hồ Lai Nghi (nay thuộc khối Nam Diêu, phường Thanh Hà) để đảm bảo nguồn nước cho trạm bơm được đưa ra và giao cho thanh niên đảm nhận. Ngay sau khi tiếp nhận nhiệm vụ, lực lượng đoàn viên, thanh niên, giáo viên, học sinh được huy động để bắt tay ngay vào công việc.

Hồ Lai Nghi – công trình ghi dấu ấn của thanh niên Hội An sau ngày giải phóng- Ảnh: Phan Sơn

“Hào khí chiến thắng chính là dấu ấn đạm nét nhất của thanh niên Hội An thời bấy giờ. Khi mà Đảng phát động, Thị Đoàn hô hào thì thanh niên hưởng ứng rất nhiệt tình. Dù công cụ lao động chủ yếu là cuốc xẻng, xe kéo và dùng sức người là chính nhưng mọi người không kể nắng non, hăng say lao động trên các công trình”, Ông Lê Viết Lục nói.

Ông Lục cũng cho biết thêm, thời điểm đó, hàng trăm con người chia nhau công việc, người thì nạo vét lòng hồ, người thì đắp đập ngăn dòng. Công cụ thô sơ, sức người là chính. Thậm chí, có thời điểm hàng chục người phải nắm tay nhau giữ bao cát khi dòng nước chảy quá mạnh, nhưng ai nấy đều khẩn trương và đầy trách nhiệm để hoàn thành công việc đúng tiến độ. Sau khoảng ba tháng việc ngăn dòng hồ Lai Nghi đã hoàn thành, sẵn sàng cho lực lượng kỹ thuật tiến hành xây đập cứng.

Tiếp đó, thanh niên Hội An lại chung tay cùng với các lực lượng khác đào tuyến kênh từ trạm bơm Hà Châu băng qua những cồn cát ở Cẩm Hà với chiều dài hơn 7km, đưa nước ra cánh đồng Trà Quế. Để rồi sau đó, thành quả lớn nhất chính là những ruộng lúa xanh tươi trải dài trên khắp cánh đồng này. 

Không để câu chuyện ngắt quãng, ông Lục say sưa kể tiếp những công trình mang đậm dấu ấn thanh niên Hội An mà cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là con đường quốc phòng trên đảo Cù lao Chàm, là tuyến kè sông Thu Bồn (nay thuộc phường Thanh Hà) hay công trình Nghĩa trang liệt sĩ thành phố… Tất cả đã gợi lên hình ảnh hào hùng, khí thế của tuổi trẻ Hội An góp sức xây dựng quê hương.

Ông Lê Viết Lục chia sẻ thêm: “Thành quả của Hội An hôm nay là công sức chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có phần đóng góp của thanh niên. Những công trình thanh niên, nhất là giai đoạn sau giải phóng, đều là những công trình có ý nghĩa. Có công trình vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Tôi nghĩ rằng, đây là bài học cho tổ chức Đoàn, Hội hiện nay trong việc đoàn kết, tập hợp thanh niên, tất nhiên là phù hợp với tình hình mới, để ngày càng có nhiều công trình thanh niên đóng góp cho sự phát triển chung của Hội An”.

“Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Truyền thống ấy đã được tuổi trẻ Hội An phát huy trong suốt chặng đường bảo vệ và xây dựng quê hương. Trong giai đoạn mới, trang sử vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố đang chờ đợi tuổi trẻ Hội An viết tiếp những chiến công mới đầy năng động, sáng tạo và xung kích.

Phan Sơn