“Hai bài thơ tuyệt mệnh chính là điểm sáng rực rỡ trong tấm lòng son của Nguyễn Duy Hiệu” – Thạc sĩ Huỳnh Dõng.
Hội chủ của Nghĩa hội
Nguyễn Duy Hiệu sinh năm Đinh Mùi – 1847, người làng Thanh Hà, huyện Diên Phước (nay là xã Cẩm Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Ông thi đỗ Cử nhân năm Bính Tý (1876), đỗ Phó bảng năm Kỷ Mão (1879), lúc 32 tuổi, được triều đình Tự Đức bổ nhiệm làm quan phụ đạo tại kinh thành Huế, phong Hồng lô Tự khanh, nên người đời gọi ông là Hường Hiệu.
Nguyễn Duy Hiệu là một nhân sĩ sinh ra trong thời kỳ đen tối nhất của lịch sử nước nhà. Ông đã từ bỏ quan trường, hưởng ứng dụ Cần vương của vua Hàm Nghi khi kinh thành Huế thất thủ, cùng Trần Văn Dư (1839-1845), Phan Bá Phiến (1839-1887) và Tiểu La (Nguyễn Hàm 1863-1911) thành lập Nghĩa hội Quảng Nam rồi ra văn bản cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh cùng đứng lên đáp nghĩa.
Mộ chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu tại thôn Bến Trễ – xã Cẩm Hà- Ảnh: Quốc Hải
Từ ngày thành lập, Nghĩa hội Quảng Nam đã bao phen làm cho thực dân Pháp điêu đứng. Cao trào là ngày 4 tháng 9 năm 1885, nghĩa quân Quảng Nam bao vây chiếm tỉnh thành La Qua (còn gọi là La Thành, tức thành tỉnh Quảng Nam) buộc Bố chánh Bùi Tiến Tiên và Tuần phủ Nguyễn Ngoạn phải dẫn quân rút chạy. Giặc Pháp phản công, vì lực mỏng, thế cô nên các căn cứ Nghĩa quân ở Đại Lộc, Quế Sơn, Tam Kỳ,… bị bao vây và thất thủ (tháng 10 năm 1885).
Trước tình thế nguy ngập đó, bộ chỉ huy Nghĩa hội bàn nhau chọn kế “Giải binh quy điền” để bảo toàn lực lượng. Tháng 12 năm 1885, Trần Văn Dư giao quyền Thủ hội cho Nguyễn Duy Hiệu để đến Huế gặp vua Đồng Khánhvì ông tin rằng người ấy là người đã từng được ông dạy dỗ, nhằm tìm ra một giải pháp cứu nước. Không may, Trần Văn Dư đã bị quyền Tổng đốc Quảng Namlúc đó là Châu Đình Kế bắt giữ và mượn tay quân Pháp để giết chết ông tại góc thành La Qua (13/12/1885).
Đầu năm 1886, Nguyễn Duy Hiệu chính thức làm Hội chủ mới của Nghĩa hội, ông đã chọn thung lũng Trung Lộc thuộc Quế Sơn đặt tổng hành dinh với tên gọi là Tân tỉnh Trung Lộc.
Nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu về chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu, nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Dị Cổ cho biết, một số tư liệu Hán văn chính sử, Hán văn địa phương hay tài liệu lịch sử của Phan Bội Châu,… có nhiều chỗ ghi chép liên quan đến Nguyễn Duy Hiệu. Đơn cử, trong Đại Nam thực lục có 3 chỗ ghi chép về Nguyễn Duy Hiệu vào các năm Kỷ Mão – Tự Đức năm thứ 32 (1879), Ất Dậu (1885) và Mậy Tý – Đồng Khánh năm thứ 3 (1888).
Ông Nguyễn Duy Cư (phải) hậu duệ đời thứ 4 của Nguyễn Duy Hiệu- Ảnh: Quốc Hải
“Với một Phó bảng như cụ Nguyễn Duy Hiệu, chắc chắc sẽ có những trước tác để lại. Vì thế, tôi đang lập phiếu thư mục về tác phẩm của Nguyễn Duy Hiệu. Tôi biết, những tác phẩm đó không chỉ ảnh hưởng trong nước mà còn ảnh hưởng ra bên ngoài thông qua tác phẩm của Phan Bội Châu, in và xuất bản tại trung Hoa với sự tham gia của học giả Lương Khai Siêu của Trung Quốc” – Nhà nghiên cứu Hán Nôm – Nguyễn Dị Cổ nói.
Trong cuộc đụng đầu giữa nghĩa quân với quân thực dân và triều đình hùng mạnh, chuyên nghiệp được trang bị và đảm bảo hậu cần tốt hơn nhiều lần, các thủ lĩnh nghĩa hội đã tổ chức và duy trì cuộc kháng chiến gần 3 năm bằng một nghệ thuật quân sự linh hoạt và táo bạo. “Bên cạnh những trận đánh trực diện có quy mô lớn, tấn công thẳng vào sào huyệt địch, Nghĩa quân còn áp dụng hai chiến thuật du kích và tiêu thổ khiến thực dân Pháp và tay sai nhiều phen khốn đốn” – Thạc sĩ Nguyễn Hoài Quảng, cho biết.
Một tấm lòng son
Thạc sĩ Huỳnh Dõng – Giảng viên Đại học Sư phạm Quảng Nam cho hay, những gì Nguyễn Duy Hiệu để lại cho hậu thế không phải là sự nghiệp văn chương của một nhà nho sinh ra trong thời tao loạn, thời đại mà những kẻ sĩ phải chọn lấy cho mình một lối dấn thân, hoặc là ra làm quan cho triều đình đã quy phục ngoại bang, hoặc là ẩn dật đau đời qua chung trà, chén rượu và nhâm nhi ngâm vịnh những vần thơ thế thái nhân tình; riêng ông – Nguyễn Duy Hiệu đã chọn cho mình một lối đi, lối đi về phía con đường chính nghĩa của dân tộc, của những nhà cách mạng yêu nước. Ông đã để cho đời một “Một tấm lòng son” kiên trung, bất khuất và chí hiếu qua cốt cách trong hành động sống và hai bài thơ tuyệt mệnh của ông.
Thạc sĩ Huỳnh Dõng phát biểu tại Hội thảo- Ảnh: Quốc Hải
“Nhận thức về Nguyễn Duy Hiệu chính là để chúng ta nhận thức về tâm hồn, nghĩa khí, trung liệt của ông. Một tượng đài Nguyễn Duy Hiệu tại Hội An cũng đủ để hậu thế chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, tại Hội thảo “Nhận thức về Nguyễn Duy Hiệu” do Hội An tổ chức nhân kỷ niệm 130 ngày mất của ông, có nhà nghiên cứu đề nghị nên khai thác thêm tư liệu để có một khu di tích quốc gia Tân tỉnh hay không ?” – Thạc sĩ Huỳnh Dõng nói.
Như đã biết, trước sức mạnh của Nghĩa quân, thực dân Pháp và triều đình Đồng Khánh phải tập trung lực lượng, cử tên tay sai cáo già Nguyễn Thân đánh phá quyết liệt. Nhằm để bảo toàn lực lượng và biết không thể xoay chuyển tình thế Nguyễn Duy Hiệu giải tán Nghĩa hội và tự để cho giặc bắt. Trước kẻ thù, Ông tự nhận trách nhiệm về mình và tỏ rõ khí phách anh hùng của một lãnh tụ Nghĩa hội. Biết không thể khuất phục được , giặc đem Nguyễn Duy Hiệu hành hình tại An Hòa – Huế ngày 15/10/1887 (15/8 âm lịch).
Là cháu đời thứ Tư của chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu, ông Nguyễn Duy Cư bày tỏ: “Gia đình rất vinh hạnh vì lần đầu tiên Hội An tổ chức hội thảo quy mô như thế về lịch sử của ông. Tôi thay mặt con cháu gia tộc trân trọng biết ơn !”.
Trước khi chết, Nguyễn Duy Hiệu đã làm hai bài thơ để tặng cho hậu thế và lời nhắn bất hủ: “Giá một mình tôi chết, không đủ tiếc. Sau này, có kẻ làm thành chí ta, tức là ta sống đó …” “Hai bài thơ tuyệt mệnh chính là điểm sáng rực rỡ trong tấm lòng son của Nguyễn Duy Hiệu. Trái tim ông đã đập theo nhịp đập trái tim của những người yêu nước, nồng đượm nghĩa đồng bào, tràn đầy và thắm đỏ dòng máu của nòi giống Lạc Hồng muôn thủa”- Thạc sĩ Huỳnh Dõng cho biết thêm.
Với hai bài thơ tuyệt mệnh viết bằng chữ Hán trong giờ phút cận kề sinh tử, với một tinh thần đĩnh đạc, ung dung,Nguyễn Duy Hiệu đã để lại cho đời sau những bài học giá trị về tinh thần yêu nước, về hai chữ hiếu, trung, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Hai bài thơ sau này được chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng dịch ra Quốc ngữ, đã trở thành hai điểm son hiếm hoi, quý giá trong nền văn học sử Việt Nam.
“…Nhắn bảo nỗi chìm ai đó tá?
Chớ đem thành bại luận anh hùng.
…
“… Xin dâng liệt thánh lòng son đỏ
Về có trăng rằm tháng tám đưa.
Quốc Hải