Kỳ vọng từ một cuộc giao lưu

Đến từ thôn Z’ra, xã Ta bhing (Nam Giang), 5 nữ nghệ nhân tuổi đời còn khá trẻ đã trình diễn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu, gây ấn tượng cho du khách tại Làng lụa Hội An vào cuối tuần qua.

Những đường nét, hình thù đặc sắc trong nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu thực sự đã trở thành mối quan tâm của các nhà nghiên cứu và chuyên gia trên lĩnh vực dệt của Nhật Bản trong những năm gần đây. Với tư cách là đơn vị mời các nghệ nhân dệt Cơ Tu tham gia cuộc giao lưu này, ông Lê Thái Vũ – Tổng Giám đốc Công ty CP tơ lụa Quảng Nam cho biết, trong những năm qua các chuyên gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Hiệp hội nghề tơ lụa Nhật Bản và trường Đại học nữ Chiêu Hòa đã có các cuộc khảo sát, làm việc với công ty và đánh giá cao quy trình khoa học của việc phục dựng các yếu tố tạo thành làng dệt cổ truyền, từ kiến trúc làng Việt đến sưu tầm, lưu giữ hàng trăm hiện vật của nghề dệt tơ lụa, tìm kiếm các giống dâu cổ của người Chăm và đang dần hoàn thiện, bổ sung nhiều hiện vật quý của nghề ươm tơ dệt lụa cổ truyền tại Làng lụa Hội An. Cơ quan JICA cũng có hướng đầu tư nhằm giúp dự án Làng lụa Hội An trở thành “bảo tàng sống” về nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ giao thương Nhật – Việt về nghề tơ lụa trên nền lịch sử quan hệ thương mại giữa Hội An – Nhật Bản có từ lâu đời. Đáng chú ý trong đó, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia nghề dệt của xứ sở “mặt trời mọc” rất muốn tìm hiểu, khám phá thêm về văn hóa dệt của đồng bào Cơ Tu. Tổng giám đốc Lê Thái Vũ kể: “Như là một nhân duyên, có ông phó thị trưởng người Nhật Bản trong dịp lễ hội Việt – Nhật ở Hội An gần đây đã tìm kiếm được một hoa văn của người Nhật cách đây 400 năm. Ông ta đem hoa văn ấy về nước và cho đến bây giờ đang thịnh hành tại Nhật Bản. Và ông quyết đi tìm cho được cội nguồn hoa văn đó ở đâu. Kết quả sưu tra, đối chiếu qua những hoa văn cho biết đó là của người Cơ Tu, là cách dệt sọc của người Cơ Tu hàng trăm năm trước. Bây giờ người Nhật vẫn duy trì mẫu dệt quý hiếm này. Chính vì điều người Nhật quan tâm cũng như Làng lụa Hội An là nơi giới thiệu nền văn hóa dệt của địa phương, tiến tới hình thành không gian văn hóa dệt Cơ Tu trong Làng lụa đồng hành với không gian biểu diễn văn hóa dệt Chăm nên chúng tôi có ý tưởng tổ chức cuộc giao lưu này”.

Các nghệ nhân Cơ Tu trình diễn nghề dệt thổ cẩm tại không gian làng lụa Hội An- Ảnh: Đỗ Huấn

Chị Nguyễn Thị Kim Lan (45 tuổi) – nghệ nhân dệt thổ cẩm Cơ Tu cảm nhận: “Mỗi dân tộc có mỗi đặc trưng khác nhau. Người Chăm thì dệt họa tiết bằng cách thêu trên sản phẩm là sợi chỉ. Người Cơ Tu thì dệt trên sợi chỉ và hoa văn bằng cườm. Còn người Kinh thì họ dệt tấm vải bằng khung máy…”. Sống với nghề dệt chừng 20 năm, chị Lan cho biết thêm, nghề dệt thổ cẩm là nghề “cha truyền con nối” đặc trưng của phụ nữ Cơ Tu, phần lớn đều được truyền từ đời này qua đời khác do những người bà, người mẹ trực tiếp truyền dạy. Nét độc đáo của dệt thổ cẩm của người Cơ Tu là dệt cườm thẳng vào trong sợi chỉ, vào trong sản phẩm chứ không phải dán hoặc đính. Cả 2 mặt đều nổi cườm và mỗi họa tiết cườm đều có ý nghĩa của nó. Tựu trung là những hình thù, đường nét phản ánh khung cảnh núi rừng, nhà gươl, bếp lửa, những công việc trong đời sống sinh hoạt, lao động của đồng bào…

Thực tế, qua các cuộc trao đổi, giao lưu về kỹ thuật với các nghệ nhân, tìm hiểu những công đoạn, thao tác dệt thổ cẩm cùng những đường nét hoa văn trên các sản phẩm mà các nghệ nhân thực hiện và giới thiệu, đoàn các chuyên gia và doanh nghiệp dệt lụa Nhật Bản gồm 27 thành viên do ông Watanabe Takao – Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp dệt may Kyoto kiêm Chủ tịch Hiệp hội nghề tơ lụa Nhật Bản dẫn đầu đã bày tỏ sự thích thú đặc biệt và rất ấn tượng với nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu. “Không chỉ sẽ có một không gian văn hóa dệt Cơ Tu tại Làng lụa Hội An mà chắc chắn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào sẽ chính thức có mặt tham gia ngày hội festival văn hóa dệt, văn hóa lụa toàn quốc được Công ty CP tơ lụa Quảng Nam tổ chức, dự kiến vào dịp kỷ niệm 16 năm ngày đô thị cổ Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999 – 4/12/2015)” – ông Lê Thái Vũ cho biết.

Đó cũng là bước khởi động để không chỉ khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống mà còn từng bước đưa cái đẹp của nghề đến gần với thị trường du lịch, tạo điều kiện phát triển bền vững, cải thiện đời sống của cộng đồng cư dân Cơ Tu ở các làng nghề.

Đỗ Huấn