Đại diện của 9 Khu sinh quyển thế giới cùng nhiều tổ chức trong và ngoài nước tham gia Hội thảo “Thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa dựa trên cách tiếp cận học tập chuyển đổi tại các Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam”, diễn ra tại TP. Hội An vào ngày 30.10.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia và đại diện 9 Khu sinh quyển thế giới tại Việt Nam- Ảnh: Quốc Hải
Trong khuôn khổ sáng kiến hợp tác giữa UNESCO và Quỹ Hanns Seidel – Cộng hòa Liên Bang Đức, cùng sự phối hợp của Văn phòng UNESCO Hà Nội và Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển – MAB Việt Nam, Hội thảo đã nghe 7 chuyên gia chia sẻ các sáng kiến và kinh nghiệm giảm thiểu rác thải nhựa, từ đó đề xuất khung pháp lý cho Khu sinh quyển để tích hợp các giải pháp và cách tiếp cận giảm thiểu rác thải nhựa, thiết lập một nền tảng phối hợp trong mạng lưới các Khu sinh quyển thế giới thúc đẩy các sáng kiến, áp dụng cơ chế Nhân dân sinh thái. Tiến tới, mỗi Khu sinh quyển thế giới của Việt Nam sẽ xây dựng kế hoạch hành động cụ thể về giảm thiểu rác thải nhựa.
GS.TS Nguyễn Hoàng Trí – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam – Chủ trì hội thảo, nói: “Lý do mà Hội thảo tổ chức tại đây, một lý do rất chính đáng là ở chỗ, đây là Khu sinh quyển đầu tiên của Việt Nam, nếu không muốn nói là của cả thế giới, có một chiến dịch nói không với túi ni lông. Đó là điều UNESCO rất cần, phải có một nơi dương cao ngọn cờ, đi đầu tiên và đó là Khu sinh quyển thế giới Cù lao Chàm – Hội An”.
Cộng đồng Hội An ký cam kết nói không với ống hút nhựa- Ảnh: Quốc Hải
Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh – Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – Hội An, đại diện Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, đã chia sẻ kinh nghiệm về sáng kiến “Nói không với rác thải nhựa” trên cơ sở thực hiện thành công chiến dịch “Nói không với túi ni-lông” từ 10 năm qua, đồng thời tiếp tục mở rộng chiến dịch hướng đến nói không với ống hút nhựa và các sản phẩm nhựa dùng một lần.
“Quản lý rác thải ngày nay là cộng đồng. Đó là tình yêu thương, trách nhiệm, lợi ích. Quản lý rác thải không đơn thuần chỉ là rác thải mà đó là con người. Tôi tổng hợp được điều đó để có thể gọi là sáng kiến của Hội An. Rất vui vì sáng kiến này hiện có nhiều chương trình đang áp dụng. Đơn cử như Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc – UNDP, đã triển khai sáng kiến này trong một số tỉnh thành của Việt nam như Hạ Long, Bình Định, Bình Thuận,… và hiện nay cũng là một trong những tâm điểm đối thoại về việc quản lý tổng hợp, từ đó nghiên cứu nhiều hướng tiếp theo trong quản lý rác thải.” – Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, cho biết./.
Quốc Hải