Ngày 14/5, tham gia hội thảo tham vấn sơ bộ về triển vọng tham gia Công ước 2001 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước do Bộ VH-TT&DL phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ông Quảng Văn Quý – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa (QLBTDSVH) Hội An cho biết: Bên cạnh hệ thống di sản văn hóa hiện diện trên mặt đất và nằm dưới lòng đất đã được ghi nhận, nghiên cứu, quản lý, xếp hạng, phát huy giá trị, Hội An còn có tiềm năng dồi dào về di sản văn hóa dưới nước.
Từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, những hiện vật gốm sứ liên quan đến con tàu đắm cổ đã được phát hiện ngoài khơi Cù Lao Chàm. Kết quả của đợt thám sát và khai quật từ năm 1997-1999 đã minh chứng điều đó. Những năm đầu thế kỷ 21, xác của 1 chiếc ghe bầu đã được phát hiện tại một con hói ở Cẩm Thanh. Gần đây, cuối năm 2023, xác của một con thuyền khá lớn cũng xuất lộ ở vùng bờ biển Cẩm An – Hội An. Cùng với đó, một số dấu vết cư trú xưa cũng xuất hiện tại khu vực này. Ngoài các bộ phận của ghe thuyền như lô ghe, bánh lái, mỏ neo và các đồ gốm sứ, một số di sản văn hóa dưới nước ở Hội An như cọc cừ/kè – gia cố bờ sông bến cảng, súng thần công,… cũng được phát hiện.
Đến nay, việc sưu tầm, bảo quản, phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước bước đầu được Hội An quan tâm. Nhiều sưu tập hiện vật đã được trưng bày tại các bảo tàng chuyên đề như Bảo tàng Lịch sử – Văn hóa Hội An, Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch. Đặc biệt năm 2022, Trung tâm QLBTDSVH Hội An đã thiết lập phòng trưng bày chuyên đề với chủ đề “Gốm Chu Đậu – Cổ vật từ lòng biển Cù Lao Chàm”.
Hiện công tác vận động nhân dân bảo vệ, hiến tặng hiện vật cho bảo tàng liên quan đến di sản văn hóa dưới nước cũng được chú trọng. Mới đây, nhân dân ở Cẩm An đã hiến tặng cho Bảo tàng Hội An 18 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật liên quan đến di sản văn hóa dưới nước…
QUỐC HẢI