Nỗi đau da cam không là của riêng ai mà đó là nỗi đau của cả dân tộc, của nhân loại tiến bộ. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà trước hết là hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với những người có công với đất nước, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, nêu cao truyền thống của dân tộc thương người như thể thương thân, là lương tâm, trách nhiệm của mỗi người Việt Nam. Đó là quan điểm nhất quán nên những năm qua Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố Hội An đã nỗ lực hết mình xây dựng quỹ hội, chung tay xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân tại Hội An đạt hiệu quả, thiết thực.
Tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam nhân kỷ niệm 56 năm ngày thảm họa da cam/điôxin- Ảnh Phú Toàn
Theo bà Võ Thị Hóa, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam TP Hội An, hiện trên địa bàn có 1.443 người bị phơi nhiễm chất độc da cam nhưng chỉ có 200 người được hưởng chế độ, nhiều gia đình có 2 đến 3 nạn nhân, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, luôn mong chờ sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng xã hội…
Tích cực góp phần chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Hội An đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kịp thời giải quyết các chế độ chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và nhân dân bị nhiễm chất độc da cam.
Qua gần 10 năm thành lập (kể từ 1/1/2008 đến nay), với tất cả tấm lòng nhân hậu của mình, 12 tổ chức hội ở cơ sở, 73 chi hội gồm 1.021 hội viên, 8 tình viện nguyện viên, 2 hội viên người nước và một tổ chức chi nhánh hội NNCĐ DC Quốc tế Hội An tại Bỉ đã tích cực tuyên truyền, vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ để giúp đỡ nạn nhân da cam vượt qua khó khăn, bệnh tật vươn lên trong cuộc sống.
Nhiều nạn nhân cảm nhận sự được sự nồng ấm từ trái tim của đồng bào quan tâm, giúp họ vượt khó vươn lên–
Ảnh Phú Toàn
Từ khi thành lập đến nay, Hội vận động xây dựng được trên 4 tỷ đồng, đã chi trên 3 tỷ rưỡi đồng chăm sóc sức khỏe, sửa chữa ở, trợ cấp khó khăn hơn 5000 suất. Nhiều nạn nhân cảm nhận sự ấm nồng từ trái tim của đồng bào quan tâm, giúp họ vượt khó vươn lên trong cuộc sống hòa nhập cộng đồng, tiêu biểu như các ông, bà Lê Văn Bắc (ở Minh An), Bùi thị Yên (ở Cẩm Hà ), Hoàng Thị Thảo (ở Cẩm Thanh)…
Ông Trương Xuân Mẫn, cộng tác viên của Hội, nhiều năm qua đã tích cực làm cầu nối giữa Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố với các mạnh thường quân ở nước ngoài, góp nhiều công sức vào việc xây dựng nguồn quỹ hội vì nạn nhân chất độc da cam tại Hội An và đã vận động nguồn kinh phí không nhỏ đóng góp vào quỹ hội giúp đỡ về nhà ở, chăn nuôi, sản xuất, tạo điều kiện cho nhiều nạn nhân da cam tại Hội An nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cùng với nỗ lực xây dựng quỹ hội, thời gian qua Hội nạn nhân chất độc/điôxin Hội An cũng đã cùng với anh chị em trong tổ chức của mình kiên trì thu thập chữ ký của cán bộ công chức, hội đoàn viên, học sinh các trường học và nhân dân trên địa bàn TP ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga nhằm buộc các công ty hóa chất phải chịu trách nhiệm cho nỗi đau của hơn 5 triệu người Việt Nam, của nhiều thế hệ Việt Nam phải gánh chịu bi kịch điôxin.
Hướng đến kỷ niệm 56 năm ngày nạn nhân chất độc ca cam/điôxin Việt Nam (10/8/1961- 10/8/2017), Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin Hội An đã tổ chức gặp mặt chia sẻ những việc làm được, chưa làm được cho nạn nhân da cam. Tại đây, chúng tôi thực sự xúc động khi nghe những người âm thầm tham gia công tác nhân đạo này tại Hội An tâm sự, chia sẻ về những nghĩa cử, những hành động họ đã làm cùng những nỗi buồn họ chứng kiến trong quá trình góp phần xoa dịu nỗi đau nạn nhân chất độc da cam. Nỗi đau da cam không là của riêng ai mà đó là nỗi đau của cả dân tộc, của nhân loại tiến bộ. Vì vậy, bằng khả năng của mình, chúng ta hãy chung tay xoa dịu nỗi đau da cam có kết quả nhiều hơn.
Hoàng Ngân