Nhân Ngày sách Việt Nam 21/4, hưởng ứng Ngày hội đọc sách và bản quyền thế giới 23/4, sáng hôm qua, tại Thư viện Thanh Hóa, đông đảo công chúng Hội An cùng các nhà nghiên cứu trong và ngoài thành phố đã tham dự cuộc tọa đàm với chủ đề “Băn khoăn văn hóa đọc” do Giáo sư Chu Hảo – Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức cùng Nhà văn Nguyên Ngọc – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Phan Châu Trinh chỉ trì.
Theo Giáo sư Chủ Hảo, hiện nay, văn hóa đọc của nhiều thế hệ liên tiếp đã không ngừng bị mai một. Để hình thành văn hóa đọc, trước hết, mỗi người phải có thói quen đọc sách, biết cách lựa chọn sách hay, đọc cái gì và kỹ năng đọc, nghĩa là đọc như thế nào. Văn hóa đọc là một yếu tố cơ bản quyết định hiệu quả của quá trình tự học, đến lượt mình, tự học đóng vai trò quyết định trong học tập ở nhà trường cũng như suốt cuộc đời. Văn hóa đọc phải được xây dựng từ trong nhà trường và được rèn luyện trong gia đình. Để phục hồi văn hóa đọc, trước hết phải có nhiều sách hay để nhiều người thích đọc, giá sách phải rẻ để nhiều người mua và phải có hệ thống thư viện tốt để nhiều người đến đọc sách.
Tọa đàm “Băn khoăn văn hóa đọc” tại Hội An- Ảnh: Quốc Hải
Dịp này, tại Hội An cũng diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa. Cùng với việc trưng bày, giới thiệu ấn phẩm về Hội An và Quảng Nam, thành phố tổ chức giới thiệu, tôn vinh các tủ sách gia đình, dòng học, tủ sách của tôn giáo, hội quán và phát động phong trào xây dựng văn hóa đọc thông qua các hoạt động của các tổ chức, đoàn thể.
Từ ngày 21 đến 23/4, nhiều hội thi và tọa đàm cũng diễn ra tại Hội An như thi đọc sách nhanh, vẽ tranh minh họa, thi thuyết trình sách, tọa đàm về sách, giao lưu giữa các nhà thơ, nhà văn với đọc giả. Đặc biệt, tại Thư viện Thanh Hóa cũng khai mạc triển lãm về chủ quyền biển đảo Việt Nam./.
Quốc Hải