UBND TP.Hội An vừa tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Cứu hộ chim yến non rơi tổ tại đảo Cù Lao Chàm”. Đây là nội dung quan trọng, cốt lõi của đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu và đề xuất giải pháp cứu hộ chim yến đảo Cù Lao Chàm” do ông Huỳnh Ty – Phó Giám đốc Ban quản lý yến sào Hội An cùng các cộng sự thực hiện với sự tư vấn kỹ thuật của Công ty yến sào Khánh Hòa. Mô hình cứu hộ chim yến non rơi tổ được triển khai từ tháng 6.2019 tại Hang Mũi Dứa, đảo Hòn Lao sau khoảng 2 năm tìm hiểu, chuẩn bị. Mô hình được thực hiện theo quy trình khép kín từ nhà nuôi dưỡng, nhà tập bay và thả chim vào hang tự nhiên. Chim non rơi khỏi tổ được thu gom từ các hang về nhà nuôi và chăm sóc, bảo vệ theo công thức định sẵn. Qua theo dõi tổng kết, chim đã bay theo đàn đạt 406/450 con, tỷ lệ là 90,2%, Kết quả đạt được vượt hơn mong đợi của Ban chủ nhiệm đề tài với dự kiến số lượng cứu hộ thành công chỉ từ 25% – 30%.
Yến bay trên 1 hòn đảo ở Cù Lao Chàm- Ảnh: Đỗ Huấn
Thành công của mô hình cứu hộ chim yến non có ý nghĩa thực tiễn quan trọng làm cơ sở triển khai trong thời gian tới. Từ kết quả này, Ban chủ nhiệm đề tài tiến hành nghiên cứu chắt lọc và xây dựng thành quy trình công nghệ hoàn chỉnh có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để tổ chức triển khai hằng năm nhằm bảo tồn và phát triển đàn yến đảo Cù Lao Chàm. Trước mắt là tiếp tục nghiên cứu ấp nở và nuôi chim yến non để tăng đàn yến đảo Cù Lao Chàm nhanh và bền vững.
Đỗ Huấn