Bước vào năm học mới, ngành GD-ĐT TP.Hội An xác định tiếp tục tạo chuyển biến về phát triển giáo dục theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Năm học 2016 – 2017, toàn thành phố có 41 trường mầm non, tiểu học và THCS với tổng số hơn 19.000 học sinh đang theo học. Trong đó có 17 trường mầm non, mẫu giáo, 14 trường tiểu học và 10 trường THCS (tăng thêm 2 trường mầm non tư thục và 5 lớp mầm non, 3 lớp THCS). Hệ thống trường lớp nhìn chung đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân, từng bước nâng mức đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục.
Trong những năm qua, đội ngũ giáo viên và học sinh đã của thành phố đã có nhiều nỗ lực, tạo chuyển biến và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Năm học vừa qua, chất lượng giáo dục đại trà cũng như mũi nhọn tăng hơn năm học trước. Trong đó học sinh khá, giỏi tăng 5,7%. Chất lượng hạnh kiểm đảm bảo yêu cầu. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp học, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm đều tăng. Các năm học qua, thành phố được xếp loại khá cao tại kỳ thi học sinh giỏỉ cấp tỉnh và là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về số học sinh đỗ vào trường chuyên từ năm 2013 đến nay. Năm học vừa qua đoạt được 44 giải học sinh giỏi lớp 9, xếp vị thứ nhì toàn tỉnh, 249 em trúng tuyển vào trường THPT chuyên Lê Thánh Tông.
Hội thi “Vẽ về di sản quê em” là một trong những hoạt động góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh- Ảnh: Đỗ Huấn
Không tự mãn với kết quả đạt được, lãnh đạo thành phố và ngành GD-ĐT vẫn xác định trong năm học mới cần tiếp tục tạo chuyển biến hơn nữa về phát triển giáo dục đào tạo theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế như NQ 29 của BCH TƯ Đảng khóa XI đã đề ra. “Trước hết là phải đổi mới về công tác quản lý sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn. tình hình học sinh và nhu cầu phát triển hiện nay của ngành giáo dục. Thứ hai là tiếp tục tăng cường kỷ cương, nền nếp trong mọi hoạt động giáo dục. Thứ ba là tập trung xây dựng đội ngũ thầy cô giáo cả về mặt chính trị tư tưởng, cả về chuyên môn để đáp ứng được sự nghiệp đổi mới. Thứ tư là tiếp tục quan tâm đến giáo dục toàn diện học sinh, đặc biệt là giáo dục đạo đức cho các em trong giai đoạn hiện nay”, thầy giáo Nguyễn Văn Dung – Trưởng Phòng GD-ĐT thành phố xác định.
Với yêu cầu nhiệm vụ đó, yếu tố hàng đầu được lãnh đạo ngành xác định là công tác xây dựng đội ngũ giáo viên. Hiện nay, toàn ngành có khoảng 1160 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, trong đó có 355 đảng viên (chiếm tỷ lệ 30,5%). Các trường công lập có 35 chi bộ độc lập, 2 đơn vị sinh hoạt ghép. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn 100%, trong đó tỷ lệ đạt trên chuẩn ở mầm non là 85,9%, tiểu học 95,7%, THCS 71,1%. Vì vậy cùng với việc không ngừng chăm lo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng về chuyên môn, nghiệp vụ, lãnh đạo ngành tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ trường học và các tổ chức chính trị trong nhà trường để thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho mỗi cán bộ, giáo viên phải thực sự gương mẫu, thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Theo ý kiến của các thầy Hiệu trưởng, hiện tại trình độ chuẩn của đội ngũ cán bộ, giáo viên đã được khẳng định, song vấn đề quan trọng là hiệu quả thực tế trong quá trình thực hiện công việc cụ thể của từng người, vì vậy phải chú trọng các biện pháp quản lý đồng bộ từ việc nâng cao tinh thần trách nhiệm, việc bồi dưỡng trang bị kiến thức mới và cả công tác kiểm tra, chỉ đạo trong quá trình giảng dạy của đội ngũ giáo viên. Từ đó mới tạo điều kiện giáo dục toàn diện cho học sinh đạt chất lượng.
Hệ thống trường lớp từng bước được nâng mức đạt chuẩn quốc gia- Ảnh: Đỗ Huấn
Trong thực tế, với những tác động phức tạp, đa chiều, vẫn còn một bộ phận học sinh chưa xác định rõ động cơ học tập, thiếu cố gắng, không chăm ngoan, thậm chí vi phạm pháp luật. Vì thế, ngoài việc chăm lo giáo dục văn hóa, ngành GD-ĐT cần đặc biệt coi trọng giáo dục đạo đức cho học sinh, khắc phục tình trạng thiên lệch 1 chiều như hiện tại. Đặc biệt, ở cấp học càng lớn thì phải chú trọng công tác này càng sâu sát, cụ thể. Không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học toàn diện, kết hợp giữa dạy chữ với dạy người – dạy nghề, rèn luyện kỹ năng sống, bồi dưỡng kiến thức xã hội, ý thức thực thi pháp luật… Phó Bí thư Thảnh uy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Ánh trao đổi: “Không những giáo dục về trí tuệ mà chúng ta còn tăng cường giáo dục về thể chất, giáo dục về thẩm mỹ, về tâm hồn và kỹ năng sống cho các em học sinh. Ngoài việc học văn hóa, làm thế nào để các em trang bị cho mình những kiến thức rất cơ bản để phát triển. Các em phải có những nghĩa cử, những hành vi xứng đáng là những công dân trẻ của một thành phố vốn giàu truyền thống văn hóa”.
Cho biết thêm về nhiệm vụ giáo dục gắn với thực tiễn tình hình của thành phố, thầy giáo Trưởng Phòng Nguyễn Văn Dung chia sẻ, phải đặc biệt quan tâm giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa, phát huy bảo tồn các di tích lịch sử, di tích văn hóa, khu dự trữ sinh quyển thế giới để các em nắm bắt tình hình phù hợp với từng độ tuổi, sau này lớn lên các em có nhận thức ngay đối với việc xây dựng và phát triển quê hương Hội An.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu và là sự nghiệp của toàn dân. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh không thể tách rời với giải pháp căn bản là đẩy mạnh xã hội hóa. Xã hội hóa không chỉ đơn giản là huy động sự đóng góp kinh phí mà là hoạt động trên nhiều lĩnh vực và tạo được sự đồng thuận cao, sức mạnh đồng bộ của toàn xã hội. Điều đặc biệt có ý nghĩa là muốn đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục thì bản thân ngành giáo dục phải hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, bởi chính hiệu quả thiết thực của việc giáo dục học sinh là động lực, tạo sức hút để tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của mọi nhà, mọi người.
Đỗ Huấn