Thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa duy trì phát triển kinh tế là nhiệm vụ của tất cả các địa phương trong cả nước hiện nay. TP.Hội An cũng vậy nhưng là một đô thị di sản “sống” với ngành du lịch là kinh tế chủ lực, mũi nhọn với tỷ trọng GDP chiếm hơn 70% mỗi năm thì thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu ấy thực sự là thách thức lớn lao và phức tạp.
Thực tiễn trong 2 năm qua đã khẳng định chắc nịch: du lịch là ngành kinh tế chịu tác động nặng nề và rõ nét nhất của dịch bệnh. Là đô thị du lịch với thị trường khách quốc tế là chủ yếu, ngành du lịch Hội An đã “đóng băng” gần như cả năm 2020. Đến lúc vừa chuyển hướng và làm mới sản phẩm để tiếp cận với thị trường khách nội địa thì dịch bệnh Covid-19 lại bùng phát trong cả nước. Các sản phẩm mới vừa ra mắt, chào đời như: Chợ phiên Làng chài Tân Thành, Liên hoan âm nhạc và ẩm thực bãi biển An Bàng, Làm mới không gian phố cổ… phải ngậm ngùi tạm gác lại.
Dịp lễ 30.4 – 1.5 năm nay chẳng hạn, báo cáo của BCĐ phòng chống dịch thành phố cho biết, tổng lượt khách mua vé tham quan các điểm đến như làng rau Trà Quế, làng gốm Thanh Hà, khu rừng dừa Bảy mẫu xã Cảm Thanh và các di tích phố cổ… đạt gần 12 ngàn lượt (gấp 6 lần cùng kỳ năm 2020); tổng lượt khách lưu trú đạt hơn 14,6 ngàn lượt (gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước). Nhưng dịch bệnh Covid-19 lại tái diễn ngay trước ngày nghỉ lễ đã làm sụt giảm lượng khách đáng kể và nhanh chóng, kéo theo đó là các hoạt động du lịch trong giai đoạn kích cầu của thành phố cũng bị đình trệ. Phố phường, thôn xóm lại rơi vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu…
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND thành phố cho biết, đang trong giai đoạn gồng gánh vượt khó để phục hồi và phát triển kinh tế thì dịch bệnh lại tái phát nên cả thành phố càng gặp nhiều khó khăn do kinh tế bị ngưng trệ, cuộc sống người dân bị đình đốn, ngân sách của thành phố hụt thu trầm trọng. Qua 4 tháng đầu năm, TP.Hội An đã thu vào ngân sách khoảng 296 tỷ đồng, đạt khoảng 25% tổng dự toán cả năm 2021 (trong đó thu trên địa bàn đạt 245 tỷ đồng, đạt 22% dự toán). Tương ứng với tỷ lệ thu ngân sách, năm nay thành phố chỉ được chi dự phòng 4 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, thành phố gần như không có nguồn chi cho những nhiệm vụ thiết yếu, quan trọng mà phải tạm ứng từ các nguồn phát sinh. Nay lại cần thêm nguồn kinh phí để chi cho công tác phòng chống dịch, mua hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch… nên càng bị động, lúng túng. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Điều kiện hiện nay của thành phố quá khó khăn, từ chỗ năm 2019 thu trên 2000 tỷ đến năm 2020 chỉ còn 40% thôi. Năm nay dự kiến cũng chỉ thu từ 40% đến 50% của năm 2020. 4 tháng mới thu được 22% tổng dự toán, rất thấp, trong đó những khoản được chi thường xuyên cực kỳ khó!”
Trong năm 2020 vừa qua, TP.Hội An hụt thu 383 tỷ đồng và khó lòng cải thiện từ đây đến cuối năm với tình hình dịch bệnh tái phát như hiện nay. Nắm bắt và tiên lượng những khó khăn chung, trong đó có địa bàn đặc thù như Hội An, vừa qua HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về việc “gói” hỗ trợ phục hồi du lịch, thể hiện sự quan tâm đối với hoạt động du lịch nói chung, trong đó có Hội An. Theo đó, phí tham quan một số điểm trên địa bàn thành phố Hội An tiếp tục được giảm 50%, bao gồm Đô thị cổ Hội An (10.000 đồng/người/công trình); Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (35.000 đồng/người/lượt); Di tích lịch sử văn hóa rừng dừa Bảy Mẫu, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An (15.000 đồng/người/lượt). Các đoàn khách du lịch MICE sẽ nhận mức hỗ trợ từ 10 – 40 triệu đồng/1 đoàn, tương ứng với số lượng khách từ 100 khách đến trên 800 khách, bao gồm hoa, quà tặng và chi phí hướng dẫn viên. Thời gian áp dụng giảm phí tham quan và hỗ trợ đoàn MICE tại Quảng Nam từ ngày 1.7 đến ngày 31.12.2021. Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: “Thực tế Hội An là địa phương hụt thu nặng. Các địa phương khác hụt thu có thể trông chờ vào các ngành khác, còn Hội An thì phải trông chờ vào du lịch, mà du lịch không phục hồi kịp thì khó. Vậy phải xem xét, cái nhỏ cũng quan tâm, cái lớn cũng quan tâm”.
Và mới đây, theo nội dung trình UBND tỉnh của Sở Tài chính về việc hỗ trợ một số địa phương hụt thu ngân sách thì Hội An là địa phương có mức đề nghị hỗ trợ cao nhất, với mức dự kiến là 60 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh còn chỉ đạo Sở Tài chính cần tham mưu cho UBND tỉnh cơ chế hỗ trợ cho Hội An phục hồi khó khăn. Trước mắt là từ nguồn tiền sử dụng đất còn lại của tỉnh nhưng phải gắn với mục tiêu cụ thể. Vì vậy, lãnh đạo thành phố cần chủ động đề xuất danh mục đầu tư để giảm bớt một phần kinh phí chi đầu tư của Hội An do hụt thu quá lớn. Xác định tình hình dịch bệnh Covid-19 có khả năng ảnh hưởng lâu dài và khó khăn còn nhiều, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị, lãnh đạo Hội An đăng ký làm việc với BTV Tỉnh ủy về các nội dung liên quan đến phát triển Hội An trong tình hình mới của nhiệm kỳ này. “Tập trung vào những vấn đề then chốt để tháo gỡ cho Hội An phát triển, vấn đề quy hoạch, vấn đề đầu tư hạ tầng, vấn đề phát triển các ngành nghề trên địa bàn, vấn đề cơ chế cho đô thị di sản sống… Nên làm sớm, càng sớm để định hướng cho Hội An có kế hoạch triển khai ngay”, ông Thanh nói.
Và cũng theo ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, có khả năng trong năm nay Quảng Nam sẽ vượt thu ngân sách nên trong kỳ họp đầu tiên của HĐND khóa mới, nhiệm kỳ 2021 – 2026, UBND tỉnh sẽ trình HĐND điều chỉnh dự toán thu để chủ động cân đối nguồn ngân sách, xem xét cơ chế hỗ trợ thêm cho TP.Hội An trong điều kiện khó khăn hiện nay.
ĐỖ HUẤN