Tiếp cận, tìm hiểu các giá trị văn hóa dân gian địa phương thông qua hoạt động ngoại khóa “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng” là chương trình đang được một số trường tiểu học ở TP.Hội An thực hiện, và đã phát huy tính năng động, sáng tạo, niềm hứng thú trong học sinh.
Các em học sinh lớp 4.1, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh tham gia sinh hoạt tại Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An. Ảnh: Q.HẢI |
Điều gì cũng mới lạ
Sau khi sắp xếp lịch tham gia buổi học ngoại khóa Bảo tàng Văn hóa dân gian (VHDG) Hội An, cô giáo Nguyễn Thị Lệ Hồng – chủ nhiệm lớp 4.1, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện để đưa 37 học sinh trong lớp cùng đi. Cô Hồng tâm sự: “Được đến bảo tàng sẽ rất thú vị vì các em học ở lớp dù hiểu biết ít nhiều nhưng cũng chỉ là trên lý thuyết. Khi đến đây các em mới tận mắt nhìn thấy những hiện vật, hình dung rõ hơn những hoạt động của các làng nghề truyền thống. Đó là cơ hội để trải nghiệm, bổ sung kiến thức để học ở trường tốt hơn, cũng là dịp rèn kỹ năng giao tiếp, quan sát cho các em”.
Mở đầu buổi học, nhân viên bảo tàng giới thiệu với học sinh về các chủ đề sẽ cùng nhau khám phá. Đầu tiên là “sinh hoạt dân gian truyền thống”, “nghề truyền thống”, tiếp đến là “nghệ thuật diễn xướng dân gian” và “nghệ thuật tạo hình dân gian” của Hội An. Các em học sinh lần lượt được thấy và nghe thuyết minh cụ thể về không gian ngôi nhà cổ, trang phục của người Hoa và người Việt tại Hội An; được tìm hiểu về nghề nông, nghề sông nước. Ở loại hình nghệ thuật dân gian, chủ đề được tập trung giới thiệu là hô hát bài chòi và cặp mắt cửa trong các ngôi nhà cổ… Và không khí rộn ràng hẳn lên khi các em tận mắt chứng kiến các nghệ nhân biểu diễn và giới thiệu các nghề truyền thống từ vòng đời con tằm, ươm tơ, dệt Chăm, dệt mỏ quạ, dệt Cửu Diễn; rồi trình diễn thư pháp, dán lồng đèn, chuốt gốm…
Không giấu được niềm vui với những trải nghiệm tại bảo tàng, em Thiên Phú bày tỏ: “Lần đầu tiên em đến đây và cũng là lần đầu tiên tận mắt thấy những nghề, nghệ thuật dân gian mà lâu nay chưa biết đến. Điều gì cũng thật mới lạ. Em rất thích và muốn trở lại đây nhiều lần nữa”. Còn học sinh Minh Thư già dặn chia sẻ: “Khi được xem và biết thêm những nghề truyền thống ở Hội An, em rất thích. Ngay cả những nghề em đã thấy như chài lưới, buôn bán, làm nông, nếu không đến đây thì đâu biết đã không còn giống như ngày xưa”. Lớp trưởng lớp 4.1 – Quốc Huy thì cho biết: “Ngoài buổi học ngoại khóa, em sẽ cùng với các bạn về nói ba mẹ thường xuyên đưa đến bảo tàng này”.
Hoạt động bổ ích
Không chỉ các em học sinh, ngay cả các nghệ nhân tham gia trình diễn cũng thực sự thích thú với công việc này. Thầy giáo Huỳnh Dõng, người trình diễn thư pháp nói: “Tôi rất thích và luôn sẵn sàng phục vụ, bởi qua những chữ viết, ta có thể bổ sung cho các em vốn sống, vốn ngôn ngữ. Đấy là nguồn để các em sản sinh ra văn bản, thứ nhất là hình dạng của chữ viết, viết đúng, viết đẹp viết đúng cỡ. Các đơn vị phối hợp tổ chức cho các em học những lớp như thế này tôi nghĩ rất hay”. Chị Lê Thị Phong, người giới thiệu nghề ươm tơ dệt lụa xứ Quảng của bảo tàng nói: “Khi hướng dẫn cho học sinh tôi rất vui vì có thể nói cho các em biết rằng để làm ra mảnh vải bằng tơ tằm rất cực khổ và cũng giúp các em phân biệt được thế nào là tơ tằm thật, tơ tằm giả. Đó là yếu tố rất quan trọng”.
Sau khi tham quan, trải nghiệm, toàn thể học sinh còn được tham gia nhiều trò chơi thú vị do cán bộ của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tổ chức. Như tham gia trò chơi “Chú họa sĩ tí hon”, mỗi học sinh vẽ theo chủ đề yêu thích lên một sản phẩm của làng gốm Thanh Hà là heo đất hoặc lọ cắm hoa, sau đó mỗi đội chọn một sản phẩm đẹp nhất để thi với nhau. Các sản phẩm này sẽ được tặng lại cho các em làm quà lưu niệm. Hay trò chơi “Bác ngư dân chăm chỉ”, ban tổ chức chuẩn bị 10 câu hỏi theo hình thức trắc nghiệm xoay quanh chủ đề về nghề sông nước.
Được biết, chương trình ngoại khóa “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng” do Phòng GD-ĐT phối hợp với Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An phối hợp thực hiện. Dù mới triển khai nhưng chương trình đã cho thấy hiệu quả tích cực của nó. “Triển khai vào cuối năm học 2013 – 2014, đến nay đã có 10 đơn vị trường tiểu học trên địa bàn thành phố thực hiện. Mục đích giúp cho các em tiếp cận được các nghề gần gũi nhưng có khả năng bị mai một. Đồng thời giáo dục cho các em truyền thống, nét văn hóa của địa phương. Những hoạt động này còn giúp học sinh tự khám phá những nét đẹp văn hóa của cộng đồng người Việt Nam nói chung và người Hội An nói riêng” – ông Nguyễn Dương, Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP.Hội An cho biết.
Đọc những dòng cảm nghĩ của học sinh sau khi kết thúc buổi ngoại khóa tại Bảo tàng Văn hóa dân gian Hội An cho thấy các em rất yêu thích chương trình. Điều đó chứng minh rằng, trong thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, hoạt động ngoại khóa là một hình thức tự học tích cực, bổ ích và có hiệu quả. Hoạt động này đã nối liền bục giảng với thực tiễn đời sống, phát huy tính năng động, sáng tạo, khơi gợi niềm hứng thú trong học tập ở học sinh.
QUỐC HẢI