Góp phần phục hồi “Văn hoá đọc” ở Hội An

Từ cuối năm 2013 đến nay, hoạt động của nhóm “Không gian đọc Hội An” tại khu vực Bảo tàng Hội An (gần ngã 5 đường Nguyễn Trường Tộ – Lê Lợi – Trần Hưng Đạo) vào chủ nhật hằng tuần luôn đông đúc và thu hút sự chú ý của nhiều người.

Chị Khiếu Thị Hoài – cán bộ phòng ICT trường Đại học Phan Châu Trinh, Trưởng nhóm cho biết: mỗi ngày hoạt động, nhóm mang đến đây gần 500 đầu sách, báo và tạp chí các loại để phục vụ miễn phí cho nhân dân và du khách. Số sách báo này do các tổ chức và cá nhân ở thành phố đóng góp ủng hộ và được bảo quản hằng ngày tại trường Đại học Phan Châu Trinh.

Quang cảnh buổi tọa đàm về văn hóa đọc ở Hội An và ra mắt nhóm “Không gian đọc Hội An”- Ảnh: Đỗ Huấn

Nhóm “Không gian đọc Hội An” ra mắt và chính thức đi vào hoạt động thể hiện nỗ lực đầy tâm huyết của các thầy, cô giáo và sinh viên trường Đại học Phan Châu Trinh cùng những thành viên nòng cốt giàu tình yêu và đam mê sách, tham gia với tinh thần hoàn toàn tự nguyện theo sở thích. Có thể kể ra đây, nhà văn Nguyên Ngọc, Th.S Đỗ Thế – Phó Hiệu trưởng nhà trường, Th.S Nguyễn Chí Trung – Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An, Th.S Phùng Tấn Đông – chuyên viên nghiên cứu văn hoá Hội An, cùng một số người dân Hội An ham mê đọc sách như bác sĩ Huỳnh Kim Hơn, Trương Khánh Chi – phóng viên báo Văn hoá… Nhà văn Nguyên Ngọc nhớ lại và chia sẻ: “Hội An là một thành phố văn hoá. Trong những tiêu chí của một thành phố văn hoá, nhất thiết phải có đời sống văn hoá phong phú và sâu sắc mà trong đó không thể không có văn hoá đọc. Trường Đại học Phan Châu Trinh từ ngày thành lập đến nay và càng ngày càng xác định và coi mình là một phần của Hội An. Với mong muốn được tham gia cải thiện, tăng cường đời sống văn hoá Hội An nói chung và đặc biệt là văn hoá đọc nên lúc đó nhà trường có chủ trương và giao một nhóm giáo viên, học sinh cùng với một số anh chị em trong thành phố thành lập, khởi xướng hoạt động nhóm “Không gian đọc Hội An”.

Mục tiêu hoạt động nhóm là không chỉ phục hồi văn hoá đọc sách trong cộng đồng người Hội An mà đây còn là hoạt động mang tính giáo dục chiều sâu cho sinh viên trường Đại học Phan Châu Trinh. Trong quá khứ, Hội An tự hào có “một thời vàng son” của văn hoá đọc sách. Theo nhà văn Nguyên Ngọc và Th.S Phùng Tấn Đông, cùng với phố cảng Thanh Hà của Huế, Hội An của Quảng Nam là nơi có phong trào đọc sách phát triển từ thời Duy Tân (những năm đầu thế kỷ 20) với những sách “tâm thư” của Lương Khái Siêu, Khang Hữu Vi, góp phần làm nên phong trào Duy Tân hết sức rầm rộ, phổ biến. Th.S Phùng Tấn Đông cho biết: “Trong quá khứ, Hội An từng là chợ sách. Trong một bài viết nhân hội thảo về phong trào Duy Tân, nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn đã nói nhiều về văn hoá đọc ở Hội An. Chính các sĩ tử miền Trung, từ các nơi như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… đều ra Hội An và nằm chờ hàng tháng trời để mua sách về cho kịp trào lưu tiến hoá thời bấy giờ. Những nhà cách mạng, nhà giáo dục lớn ở miền Trung như  nhà giáo Trần Đình Phong, bác sĩ Trần Đình Nam, anh em Lê Đình Dương, Lê Đình Thám, nhà thơ Bùi Giáng, nhà văn Phan Tứ, Nguyên Ngọc… đều đọc sách, tích luỹ kiến thức, phát triển tư duy của mình ở Hội An”.

Hoạt động của nhóm “Không gian đọc Hội An” những năm qua đã góp phần phục hồi văn hóa đọc ở Hội An- Ảnh: Đỗ Huấn

Còn theo Nguyên Bí thư Thành uỷ Nguyễn Sự, những năm sau ngày quê hương được giải phóng, ở Hội An phong trào đọc sách vẫn có sức hút mạnh mẽ và lan toả sâu rộng trong cộng đồng dân cư với nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau dù đời sống kinh tế thời bấy giờ còn lắm khó khăn, thiếu thốn. Nhưng trước những tác động phức tạp, nhiều mặt của xã hội những năm vừa qua, cái gọi là “văn hoá đọc” ở Hội An có chiều sa sút. Một số nhà sách “vừa mới mở đã vội tàn” như Phương Nam, Cảo Thơm vì không có người mua sách. Các nhà sách hiện tồn thì chủ yếu nhờ bán sách giáo khoa và văn hoá phẩm… Điều đó theo nhà văn Nguyên Ngọc dường như đang có “sự mất cân đối quan trọng trong văn hoá Hội An”. Do vậy, hoạt động của nhóm “Không gian đọc Hội An” hướng tới từng bước góp phần vực dậy và phục hồi loại hình văn hoá quý giá này dẫu biết rằng hết sức chông gai, rất cần sự kiên nhẫn và mong nhận được những hỗ trợ của các lực lượng xã hội, kể cả từ những cải cách căn cơ của nền giáo dục đất nước.

Cô giáo Huỳnh Thị Hường đã nghỉ hưu – nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Quảng Nam nói:“Tôi nghĩ, Không gian đọc mà nhóm này đề xuất rất hay và làm sao chúng ta tiếp tục nhân lên những giá trị tri thức mà sách đã mang lại như “là người thầy thứ hai, không đứng trên bục giảng”, trong đó cần đặc biệt lưu ý cách làm hấp dẫn, lôi cuốn”.Cô Hường đề nghị: không chỉ có cách làm thường xuyên đổi mới, mà còn cần tổ chức những buổi giao lưu, nói chuyện về sách, về văn hóa đọc do những nhà văn hóa, những tác giả có uy tín, những “sứ giả” yêu sách chủ trì; tổ chức tặng sách cho các đơn vị trường học, Trung tâm trẻ mồ côi, Trung tâm bảo trợ xã hội đóng trên địa bàn; đưa sách về cơ sở, vào cộng đồng dân cư, đến từng hộ gia đình, vận động xây dựng “tủ sách gia đình”; tổ chức những ngày hội sách, tổ chức các cuộc thi kích thích và tạo thói quen đọc sách cho học sinh và các bạn trẻ, trong đó chú trọng đối tượng trẻ em…

Đỗ Huấn