Một ngày trước Tết nguyên đán Tân Sửu, chúng tôi về thôn Thanh Nhứt xã Cẩm Thanh, ghé thăm gia đình chị Phạm Thị Liễu. Đã mười mấy năm qua, chồng bị ốm đau mất sức lao động, chị phải bươn chải để lo trang trải cho cả gia đình và nuôi 2 con ăn học. Đến nay, đứa con đầu đã tốt nghiệp Đại học, đứa sau học xong nghề đầu bếp, gia đình thoát cảnh hộ cận nghèo.

Để có được kết quả này, chị đã vay vốn nuôi đàn bò kết hợp với gà, vịt thả vườn. Mới đây, chị bán được 2 con bò đực trị giá hơn 70 triệu đồng, lấy vốn nuôi thêm 4 con bò cái, trong đó có 1 con bò Ba Bê siêu thịt, nhân cả đàn bò lên 6 con.
Chị Phạm Thị Liễu, nói:“Chị vay vốn của Nhà nước, vay 5 chục triệu để chăn nuôi bò và 2 chục triệu bên nước sạch. Hiện nhà chị có 6 con bò, nguồn vốn thu nhập chính của gia đình, ổn định về kinh tế.”

Cũng vừa ổn định cuộc sống sau nhiều năm khó khăn, hộ anh Nguyễn Khắc Việt, ở tổ 18, khối Thanh Nam, phường Cẩm Nam vừa xây xong một ngôi nhà thuộc Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ. Là người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, làm lao động tự do, ngôi nhà trệt mới xây là nơi ăn chốn ở ổn định mà gia đình anh đã mơ ước từ lâu.
Anh Nguyễn Khắc Việt, chia sẻ:“Gia đình tôi có vợ hai con làm lao động phổ thông, mỗi tháng mấy triệu chớ mấy. Nhờ nguồn vốn cho vay 200 tôi làm được cái nhà ni. Làm nhà gần 6 trăm mà vay được 2 trăm triệu.”
Không chỉ hộ anh Nguyễn Khắc Việt, qua 5 năm thực hiện các cơ chế, chính sách giảm nghèo, tính đến cuối năm 2017, thành phố đã không còn hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo và chỉ còn 43 hộ nghèo bảo trợ xã hội, chiếm tỷ lệ 0,19%; 124 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,55% . Phần lớn các hộ nghèo này tập trung ở 2 nhóm nguyên nhân nghèo chính là ốm đau nặng, tàn tật (24 hộ), già cả neo đơn (15 hộ), 4 hộ còn lại thuộc các nguyên nhân nghèo khác nhưng các thành viên trong hộ đều đã qua tuổi lao động.
Theo Phòng LĐ-TB&XH Hội An, đạt được kết quả này là nhờ thành phố đã triển khai đồng bộ các chương trình, chính sách giảm nghèo. Cùng với việc giải quyết việc làm cho 1.500 lao động là con em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, một số chính sách an sinh xã hội khác cũng đã được triển khai thực hiện hiệu quả.
Hằng năm, trên cơ sở phân tích thực trạng hộ nghèo, Ban chỉ đạo giảm nghèo từ thành phố đến các xã, phường đã nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng trợ giúp của người nghèo, từ đó đưa ra các giải pháp trợ giúp phù hợp với từng hộ, từng đối tượng cụ thể. Nhờ đó, trong 5 năm (2016 đến 2020) trên địa bàn thành phố đã có 86 hộ thoát nghèo, 5 phường, 1 xã và 12/54 thôn – khối phố không còn hộ nghèo và không có hộ nghèo thuộc diện tái nghèo. Điều này cho thấy chất lượng của các cuộc điều tra dần được cải thiện, các chính sách trợ giúp của Nhà nước và các giải pháp hỗ trợ người nghèo đã phát huy tác dụng và mang lại hiểu quả.
Song song với đó là sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể và họ tộc, thông qua các buổi sinh hoạt, hội họp các đoàn thể, tộc họ đã hướng dẫn trợ giúp các hội viên, con cháu trong dòng tộc về phương thức làm ăn, trợ giúp, động viên con cháu trong học tập,… Ngoài ra, phải kể đến sự đồng hành chia sẻ của các cá nhân, các nhà hảo tâm và doanh nghiệp trên địa bàn, thông qua các hoạt động như nhận đỡ đầu trong học tập, hỗ trợ việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo,… Qua đó cho thấy, công tác giảm nghèo đã dần được xã hội hóa và có sự quan tâm của các tổ chức, hội đoàn thể, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và của toàn xã hội.
Từ thực tế cho thấy, địa phương nào có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các tổ chức hội, đoàn thể và sự đồng hành của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp thì công tác giảm nghèo ở địa phương ấy sẽ mang lại kết quả. Cùng với đó, các nguồn vốn vay chính sách xã hội cũng đã được chuyển tải đúng thời điểm, mục đích, đúng đối tượng, tạo cơ sở để các đối tượng thoát nghèo bền vững.
Chỉ trong năm 2020, ông Phạm Thế Vinh – Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Hội An, cho biết về hiệu quả các nguồn vốn vay, như sau:“Trong năm 2020, Ngân hành CSXH thành phố Hội An tập trung giải ngân các nguồn vốn ưu đãi, trong đó tập trung chủ yếu chương trình cho vay giải quyết việc làm, giúp cho các hộ dân có đủ kiện vay vốn ưu đãi giúp gia đình từng bước thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu, góp phần ổn định an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Một số mô hình điểm như hộ cận nghèo vay vốn chăn nuôi bò đã có một đàn bò ổn định, các hộ vay vốn trồng hoa cây cảnh phục vụ tết nguyên đán. Các hộ vay vốn đều trả lãi, gốc đúng hạn”.
Theo Ban chỉ đạo giảm nghèo thành phố, dù Hội An đã xóa hết hộ nghèo từ năm 2017 nhưng theo tiêu chí mới, thành phố hiện có 38 hộ nghèo với 58 nhân khẩu, chiếm 0,16% trong tổng số 23.000 hộ gia đình và 111 hộ cận nghèo với 291 nhân khẩu.
Trong bối cánh tác động của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, bão lũ vừa qua, thành phố sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; thực hiện có chất lượng, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo. Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND thành phố – Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo thành phố cho biết, bằng mọi giải pháp, kể cả sự tác động của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Hội An đang nỗ lực để tìm ra sinh kế mới.
Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND thành phố, nói:“Trước hết, phải tập trung mọi nguồn lực xã hội, trong đó có sự chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, sử dụng các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn vay hỗ trợ cho Nhân dân ổn định đời sống, tăng gia sản xuất, giải quyết việc làm, tạo sinh kế mới, xoay chuyển trong tình thế khó khăn hiện nay. Nhưng giải pháp căn cơ nhất là bằng mọi giải pháp với sự tác động của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và bản thân người dân phải tìm ra những sinh kế mới.”

Thực tế, công tác giảm nghèo là chương trình mang tính tổng hợp, có mục tiêu và đối tượng cụ thể nên khi thực hiện cần lồng ghép, kết hợp với một số chương trình phát triển kinh tế – xã hội khác. Do đó, trên cơ sở các Nghị quyết của Thành ủy, HĐND thành phố, các ngành, các cấp, các cấp hội, đoàn thể và địa phương cần tập trung các nguồn lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo bền vững theo phương châm Dân giúp dân, Nhà nước hỗ trợ, Đoàn thể vận động.
Thành phố tiếp tục tranh thủ, kết hợp lồng ghép chương trình mục tiêu giảm nghèo với các chương trình mục tiêu, nguồn vốn, cơ chế chính sách có liên quan nhằm thực thi các giải pháp giảm nghèo; phát huy vai trò của Mặt trận, các cấp hội, đoàn thể, doanh nghiệp, tộc họ và sự tham gia của người dân trong việc thực hiện các chính sách, giải pháp giảm nghèo. Cùng với đó, từng bước tạo điều kiện và cơ hội cho người nghèo, người cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập, thụ hưởng các chính sách xã hội nhằm cải thiện và nâng cao điều kiện cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các địa phương./.
Quốc Hải