Đình cổ ở Hội An

Hiện ở Hội An có 16 đình làng – ấp được bảo tồn gần như nguyên vẹn các giá trị nguyên gốc; đình thờ thần và từ đường thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền của làng. Giá trị riêng có của đình làng nơi đây đã góp phần làm phong phú bản sắc Di sản văn hóa nhân loại.

Theo tư liệu của Viện Viễn Đông Bác Cổ, đình làng Hội An được kiến lập vào thời Lê và nằm giữa đường Lê Lợi hiện nay. Năm Gia Long thứ 17 (1818), đình được tu bổ lại. Đến năm Thành Thái thứ 17, do mở đường nên đình được dời qua bên trái đường ở vị trí hiện nay; năm Bảo Đại thứ 17 (1942), đình tiếp tục được tu bổ.

Vào thời điểm điều tra của Viện Viễn Đông Bác Cổ 1941-1943, đình làng Hội An có quy mô rất lớn, kiểu chữ Khẩu, gồm hậu tẩm hai tầng với tầng trên thờ Đại Càn, tầng dưới có khám thờ được chạm trổ công phu để đặt sắc phong, tiếp đến là bàn hương án lớn ở giữa, trước đình là sân trong có đặt bốn đôn bằng đá, nhà Đông và nhà Tây và trước sân là tiền đình.

 Dáng đình xưa trong phố.Ảnh: QUỐC HẢI
Dáng đình xưa trong phố.Ảnh: QUỐC HẢI

Sân trước tiền đình có đặt đôi voi, vì thế dân gian thường gọi là đình Ông Voi. Phía trước nhà Đông có một miếu thờ kiến trúc ba gian với gian ở giữa thờ Thành hoàng, gian trong thờ Ba Bà, gian ngoài thờ Ngũ hành; trước miếu có hai con kỳ lân đá. Hiện vật có giá trị là cặp độc bình bằng sứ, một cái vẽ chữ thọ và một cái vẽ sơn thủy; 4 bộ ngũ sự bằng đồng, lư tròn, 1 bộ tam sự bằng đồng, lư vuông và 1 con voi bằng đồng nặng 1kg. Hậu tẩm được xây dựng với kết cấu hai tầng, đây là kiểu hậu tẩm duy nhất ở Hội An và hiếm gặp ở nơi khác, tạo cho đình Ông Voi mang nét độc đáo về nghệ thuật kiến trúc.

Ở làng Hội An lúc ấy còn lưu giữ 22 đạo sắc phong thần cùng nhiều danh hiệu, mỹ tự được phong tặng, gia tặng dưới thời vua Minh Mạng đến thời vua Duy Tân. Về diện tích, làng Hội An lúc này có khoảng 60 mẫu đất, trong đó thổ phố có 12 mẫu, còn lại là bạch sa thổ mộ. Dân cư chủ yếu là làm thương mãi. Thực ra, làng Hội An là địa danh đã được khắc ghi trên bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật vào năm 1640 tại động Hoa Nghiêm, Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo các kết quả nghiên cứu, làng xã người Việt được hình thành sớm nhất ở Hội An đến nay được biết là làng Võng Nhi, vào cuối thế kỷ XV. Từ thế kỷ XVI-XVIII, nhiều làng xã khác ở Hội An cũng được thành lập như làng Cẩm Phô, Hoài Phô, Hội An, Thanh Châu, Thanh Hà,…

“Đình ở Hội An là một trong những thành phần cơ bản của thiết chế văn hóa làng xã cổ truyền, là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng và là biểu tượng văn hóa của mỗi làng xã. Chính vì thế, đình làng được xây dựng không chỉ hướng đến sự bền vững lâu dài với việc sử dụng những vật liệu tốt mà còn có giá trị thẩm mỹ về kỹ thuật kiến trúc lẫn hình thức trang trí trên công trình kiến trúc từ bố cục tổng thể đến các thành phần chi tiết” – Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, khẳng định.

Hiện nay, đình ở Hội An trở thành một bộ phận quan trọng trong di sản kiến trúc làng xã được bảo tồn bài bản và đang từng bước phát huy giá trị. Các ngôi đình Xuân Mỹ, Đế Võng, Sơn Phong, Cẩm Phô, Tụy Tiên đường Minh Hương và đình Tiền hiền Tân Hiệp đã được xếp hạng di tích quốc gia và 6 ngôi đình An Mỹ, Sơn Phô, Thanh Hà, Tu Lễ, Xuân Lâm và đình Tiền hiền Kim Bồng cũng đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh

Những giá trị riêng có của đình làng Hội An đã bước đầu được nghiên cứu, giới thiệu; nhiều đình làng còn trở thành điểm tham quan thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm.

QUỐC HẢI