UBND TP.Hội An vừa tổ chức khai trương Phòng Trưng bày Di tích nhà lao Hội An. Phòng Trưng bày Di tích nhà lao Hội An là phần khởi đầu của hạng mục không gian giới thiệu tổng quan về di tích nhà lao. Nơi đây bước đầu là không gian trưng bày tư liệu, hiện vật đã sưu tầm được từ hội viên Hội Tù yêu nước bị giam cầm tại đây trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đang sinh sống ở Quảng Nam, Đà Nẵng và một số địa phương khác.

Nhà lao Hội An – tên thường gọi là nhà lao Xóm Mới, lao xá Hội An, Trung tâm cải huấn Quảng Nam do đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai xây dựng từ năm 1960 đến năm 1975. Nhà lao này thuộc hệ thống chuỗi các nhà lao và là nhà lao cuối cùng mà chính quyền thực dân, đế quốc lập nên ở Hội An để giam cầm cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu nước ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Hàng chục năm về trước, hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ở khắp các địa phương trong tỉnh Quảng Nam và một số tỉnh khác trong quá trình tham gia cách mạng đã bị đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai bắt giữ, đưa về đây giam cầm, tra tấn. Dưới vỏ bọc của một “Trung tâm cải huấn” nhưng thực chất đây lại là chốn “địa ngục trần gian” vô cùng hà khắc, man rợ, trở thành ký ức khó có thể phai mờ trong tâm thức của những người đã từng nếm trải qua. Đến dự buổi khai trương Phòng trưng bày Di tích nhà lao Hội An, ông Huỳnh Đức – đại diện BCH Hội Tù yêu nước Hội An cho rằng, đây là một bảo tàng lịch sử ghi dấu những chứng tích tội ác của kẻ thù, biểu tượng của lòng tri ân của thế hệ ngày nay đối với đồng bào, chiến sĩ đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. “Chính vì lẽ đó, việc TP.Hội An tổ chức khai trương, trưng bày hình ảnh, tư liệu, nhân vật về đề tài chiến tranh cách mạng trong nhà tù Hội An nhằm tiếp tục giữ lửa truyền thống cho thế hệ mai sau và để mọi người dân, du khách đến tham quan, tri ân làm chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi và cảm kích vô cùng”, ông Đức nói.
Năm 2012, Di tích nhà lao Hội An được khởi công xây dựng với mục tiêu đầu tư tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp các hạng mục hướng đến phát huy giá trị di tích. Là công trình đầu tư di tích trọng điểm của thành phố nên lãnh đạo thành phố đã tập trung những nguồn lực cần thiết để thực hiện dự án này. Thành phố đã thành lập Ban Quản lý dự án do Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng Ban; ban hành Quyết định thành lập Tổ sưu tầm tư liệu, hiện vật để phục vụ cho quá trình thực hiện dự án và chuẩn bị điều kiện để lập phương án phát huy giá trị di tích. Với tính chất của một công trình xây dựng liên quan đến lịch sử đấu tranh cách mạng nên việc tu bổ, tôn tạo di tích nhà lao Hội An cần đảm bảo tính nguyên gốc của di tích và tính lịch sử của sự kiện liên quan. Trong khi đó, hiện trạng di tích trước khi thực hiện dự án đã hư hại, xuống cấp nhiều; cơ sở tư liệu có được còn khá mỏng. Hơn nữa, các hạng mục nhà lao trước năm 1975 đã qua nhiều giai đoạn xây dựng, tu sửa, thay đổi hình thức; lại bị cơi nới sau năm 1975 bởi các mục đích sử dụng khác nhau. Vì thế trong quá trình thực hiện dự án phải thực hiện song hành việc thi công tu bổ, vừa điều tra nghiên cứu, kiểm nghiệm, đào từng nền móng, bóc tách màu vôi qua từng lớp, loại ngói, loại gạch xây dựng, hình thức và vật liệu từng chi tiết, hạng mục ở công trình, xin ý kiến nhân chứng, tham khảo các nhà lao cùng thời để đề ra giải pháp thực hiện, khi đảm bảo cơ sở khoa học lại phải điều chỉnh hồ sơ thiết kế thi công nên ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ thực hiện của dự án.
Tuy vậy, trên cơ sở đối chất và đảm bảo tính chân xác công trình qua hàng ngàn trang tư liệu sưu tầm, hàng trăm phiếu ý kiến góp ý và qua 4 cuộc tham vấn nhân chứng, đến nay các hạng mục công trình như: cổng vào, nhà văn phòng, dãy nhà giam nam, nhà y tế, tường rào… đã được tu bổ đảm bảo yếu tố nguyên trạng. Một số hạng mục hư hại chỉ còn lại nền móng cũng được phục hồi là: phòng giam nữ phía đông, phòng giam nữ phía bắc, cột cờ, vọng lâu… Tất cả đều đảm bảo yếu tố khoa học, tâm huyết và theo nguyên tắc bảo tồn của một công trình di tích. Trong quá trình thực hiện, Trung tâm QLBTDSVH Hội An còn được các cấp Hội tù yêu nước Quảng Nam, Đà Nẵng và nhiều nhân chứng đã cung cấp 62 hiện vật, 3.390 lý lịch trích ngang tù yêu nước liên quan và hàng chục bài thơ ca được sáng tác tại nhà lao Hội An cùng nhiều thông tin, tư liệu quý khác… Đặc biệt, hạng mục nhà hội trường được cải tạo thích nghi để trở thành không gian giới thiệu tổng quan về di tích nhà lao. Trong điều kiện và khả năng hiện có, bước đầu nơi đây sẽ là không gian trưng bày tư liệu, hiện vật đã sưu tầm được từ hội viên Hội Tù yêu nước trong thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND thành phố nói: “Kết quả của những cố gắng, nỗ lực đó đã mang lại cho di tích Nhà lao Hội An nhiều giá trị và trọng trách mới trong thời gian tới. Đó là một bảo tàng lịch sử ghi dấu chứng tích tội ác của kẻ thù; là biểu tượng về lòng tri ân, đền ơn đáp nghĩa của các thế hệ hôm nay và mai sau với đồng bào, chiến sĩ cách mạng trung kiên, những con người đã nguyện hiến dâng cuộc đời mình cho lý tưởng cao đẹp của Đảng và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; đồng thời đây cũng là một “địa chỉ đỏ” có sức lay động, nhân lên niềm tự hào đối với mỗi người, góp phần làm phong phú các loại hình tham quan để Hội An là điểm đến yêu thích, an toàn và thân thiện”.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng song đến nay Phòng trưng bày giới thiệu Di tích mới chỉ là bước đầu; vẫn còn một số hạng mục chưa được tu bổ, phục hồi; cơ sở hạ tầng, cảnh quan còn chưa hoàn thiện. Sắp đến, khi hồ sơ Dự án trưng bày nhà lao được phê duyệt, triển khai thì không gian trưng bày này sẽ được đầu tư quy mô hơn về hình thức, nội dung, thẩm mỹ để tương xứng với giá trị và ý nghĩa to lớn của di tích. Ông Phan Văn Quang – Phó Giám đốc Trung tâm QLBTDSVH Hội An cho biết, di tích nhà lao Hội An bước đầu được mở cửa thường xuyên để các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương, hội viên tù yêu nước có thể đến tham quan, sinh hoạt truyền thống nhằm phát huy giá trị của di tích. “Cùng với đó, Trung tâm đã và đang tập trung tham mưu cấp thẩm quyền xem xét để có thể sớm triển khai Dự án trưng bày nhà lao hoàn chỉnh với quy mô, ý tưởng lớn lao hơn; đồng thời tiếp tục đầu tư các cơ sở vật chất cần thiết để hướng đến hình thành một điểm tham quan du lịch, góp phần làm phong phú hệ thống các điểm tham quan ở Hội An”, ông Quang xác định.
Để thực hiện được mục tiêu này, một trong những công tác quan trọng trong thời gian đến là sẽ tiếp tục sưu tầm, tập hợp tư liệu, hiện vật có liên quan mới có thể hoàn thành Dự án trưng bày một cách trọn vẹn. Tư liệu, hiện vật có thể là những bức ảnh, giấy tờ cá nhân, giấy tờ đất có từ trước năm 1975 liên quan đến nhà lao hay những ghi chép cá nhân, những bài thơ ca, những câu chuyện, những kỉ vật như áo quần, khăn thêu, bao gối, … từng được làm, sử dụng trong nhà lao. Mỗi tư liệu, hiện vật bất kỳ nào dù là nhỏ nhưng đều rất quý và rất đáng trân trọng giữ gìn, phát huy.
ĐỖ HUẤN