Đào tạo nghề cho người khuyết tật ở Hội An: Nhu cầu đa dạng

Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật có những rào cản nhất định. Thời gian qua, chính quyền TP.Hội An đã nỗ lực, tạo chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung vẫn cần sự vào cuộc tiếp tục của cả chính quyền và cộng đồng

Toàn thành phố hiện có hơn 2.020 người khuyết tật, chiếm 2,16 dân số (nữ có 908), trong đó có hơn 1.583 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng (chiếm khoảng 78,23% so với tổng số người khuyết tật).

Trong nhiều năm qua, lãnh đạo thành phố đã có nhiều chương trình, biện pháp cụ thể để giúp đỡ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống. Hiện tại có khoảng gần 1.500 đối tượng khuyết tật đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo quy định của Chính phủ. Chính quyền thành phố hàng năm đã chi trên 5,5 tỷ đồng để trợ giúp thường xuyên và khoảng 1 tỷ đồng mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng người khuyết tật nằm trong diện quy định. Ngoài ra, bình quân mỗi năm thành phố còn phải chi 1 – 2 tỷ đồng để giải quyết những vấn đề ngoài định mức chính sách quy định, trong đó có số đông người khuyết tật.

Gắn đào tạo nghề với việc làm sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật hòa nhập và phát triển cùng cộng đồng. Ảnh: Đ.H
Gắn đào tạo nghề với việc làm sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật hòa nhập và phát triển cùng cộng đồng. Ảnh: Đ.H

Các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gắn liền với việc làm cũng được thành phố quan tâm. Ông Lê Viết Phúc – Trưởng phòng LĐ-TB&XH thành phố cho biết, đào tạo nghề cho người khuyết tật ở Hội An gắn với thị trường và điều kiện sức khỏe của người khuyết tật, các nghề thủ công mỹ nghệ thông qua truyền nghề là chính. Vì vậy, gắn được với một doanh nghiệp, một cơ sở hoặc một hộ sản xuất cụ thể thì lối đi của người khuyết tật rộng mở hơn.

Tuy vậy, với nhiều nguyên nhân khách quan từ cơ chế chính sách, từ sự quan tâm hỗ trợ chưa đúng mức của cộng đồng, các tổ chức, doanh nghiệp nên kết quả đạt được trong giải quyết việc làm cho người khuyết tật chưa đạt như mong muốn. Mặt khác tâm lý tự ti, e ngại từ phía chủ quan của người khuyết tật cũng tạo ra những rào cản nhất định trên hành trình hòa nhập và vươn lên của họ. Chị Phạm Thị Nhất – Chi hội phó Chi hội Thanh niên khuyết tật thành phố chia sẻ: “Cơ hội việc làm cho người khuyết tật hiện nay còn rất nhiều khó khăn. Thực tế chi hội thanh niên khuyết tật chúng tôi có 100 anh chị nhưng xét về trình độ học vấn, chuyên môn thì còn rất hạn chế, chỉ một số ít có trình độ đại học. Như vậy chỉ có các anh chị may mắn được cắp sách đến trường, có trình độ chuyên môn nhất định về công nghệ thông tin hoặc có khả năng trí tuệ tương đối thì mới được các doanh nghiệp nhận vào làm việc. Phần lớn còn lại rất khó tìm được việc làm”.

Theo số liệu tổng hợp, hiện có khoảng 30 – 40% doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố tham gia đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động là người khuyết tật với khoảng hơn 100 đối tượng. Tập trung là các công việc: văn phòng, dịch vụ hành chính và sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Phương thức tiến hành dễ nhận thấy là đào tạo gắn với việc làm tại nơi tiếp nhận, sử dụng lao động hoặc truyền nghề, dạy làm gia công… Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng – người trực tiếp dạy nghề tại cơ sở mộc truyền thống Kim Bồng của ông Huỳnh Ri (ở xã Cẩm Kim), từng dạy cho 8 lao động người khuyết tật, trong đó có 4 em thành nghề, trao đổi: “Chúng ta cần phải khảo sát từng đối tượng, từng nhu cầu đào tạo nghề để có hướng đào tạo phù hợp. Đồng thời phải có cơ sở đào tạo dành riêng với những điều kiện vật chất, kỹ thuật thích hợp dành cho người khuyết tật. Bản thân tôi thấy mỗi người khuyết tật có một điều kiện khác nhau cần được điều phối, phân chia học nghề cũng như lao động hợp lý thông qua một trung tâm nhất định”.

Rõ ràng, nhu cầu việc làm của người khuyết tật là rất lớn và rất đa dạng do điều kiện và thể trạng khuyết tật của từng người, rất cần sự vào cuộc của chính quyền và cả cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Dũng – quyền Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, thời gian qua công tác này đã có chuyển biến tích cực và đáng phấn khởi, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh ở Hội An khi đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp các điều kiện hạ tầng phúc lợi hoặc kỹ thuật đều chú trọng đúng mức đến điều kiện phục vụ dành cho người khuyết tật. “Người khuyết tật với tỷ lệ không nhiều nhưng những nhu cầu của họ không thua kém so với những người bình thường. Nếu biết khai thác tốt tiềm năng thì sẽ thu đạt lợi ích lớn. Doanh nghiệp nào càng chậm chân thì càng thua thiệt!” – ông Dũng nói.

ĐỖ HUẤN