Cơ hội cho làng quê Cẩm Kim

Làng quê thanh bình bên kia sông Thu Bồn đang đứng trước cơ hội lớn khi Nhà nước quyết định bắc cầu qua sông nối liền với phố cổ Hội An.

Cẩm Kim là xã còn nhiều khó khăn. Do nằm ở bờ nam sông Thu Bồn nên người dân đi lại làm ăn, buôn bán, học tập hoặc có nhu cầu qua trung tâm thành phố đều phải sử dụng phương tiện vận chuyển chủ yếu bằng đò ngang. Nhu cầu lưu thông mạnh, hình thức vận chuyển bằng đò không thể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và không thể tạo điều kiện thu hút đầu tư cho Cẩm Kim phát triển. Cẩm Kim nằm bên kia sông Thu Bồn, giáp với huyện Duy Xuyên, có 4.500 người dân, trong đó có 59 hộ nghèo, chiếm 5,75% tổng số hộ. Đây là xã có tiêu chí xây dựng nông thôn mới thấp nhất Hội An, mới đạt 6/19 tiêu chí. Việc xây dựng cầu qua sông Thu Bồn sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của gần 10.000 người dân Cẩm Kim và các xã của huyện Duy Xuyên, Thăng Bình mỗi ngày.

Những năm qua, UBND TP.Hội An đã tích cực tìm kiếm, kêu gọi các nguồn đầu tư để xây dựng cầu nhưng do kinh phí lớn nên đến nay vẫn chưa thực hiện. Năm ngoái, ông Nguyễn Văn Tài ở quận Cẩm Lệ (TP.Đà Nẵng) đã làm việc với thành phố để xin tự bỏ vốn đầu tư xây cầu từ phường Cẩm Phô sang Cẩm Kim, sau đó thu phí đi lại. Đề xuất này cơ bản đáp ứng nhu cầu và phù hợp với điều kiện địa chất, thủy văn cũng như thời tiết tại khu vực nên UBND thành phố đã trình UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải xem xét, cho phép ông Nguyễn Văn Tài đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Dũng – quyền Chủ tịch UBND TP.Hội An, cuối tháng 1.2015, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng cầu dân sinh Cẩm Kim – Hội An theo cơ chế Nghị quyết số 134 của HĐND tỉnh về “Kiên cố hóa mặt đường các tuyến đường huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015 – 2020” thay cho đề nghị của UBND TP.Hội An về việc xin phép đầu tư xây dựng cầu theo hình thức BOT. UBND thành phố làm chủ đầu tư, lập thủ tục đầu tư theo quy định để triển khai thực hiện. “Cầu bắc sang Cẩm Kim là cầu phục vụ dân sinh, nhân dân tự do đi lại mà không thu phí, được xây dựng từ nguồn kinh phí của Nhà nước chứ không phải của tư nhân đầu tư như trước đây” – ông Dũng khẳng định.

Bắc cầu sang sông sẽ giúp người dân Cẩm Kim thoát cảnh đò giang. Ảnh: Q.H
Bắc cầu sang sông sẽ giúp người dân Cẩm Kim thoát cảnh đò giang. Ảnh: Q.H

Để triển khai dự án, tỉnh cũng đã thống nhất giao cho doanh nghiệp của ông Lê Văn Tài thi công công trình. Thông tin ban đầu cho biết một số thông số kỹ thuật chính là cầu có trọng tải thiết kế dưới 3 tấn nối từ khối Ngọc Thành phường Cẩm Phô sang; kết cấu dàn thép Beiley 9 nhịp, trong đó nhịp giữa dài hơn 42m, rộng 4,5m, các nhịp còn lại rộng 4m, chiều cao thông thuyền khoảng 7m. Hệ thống móng trụ cầu là hệ móng cọc, trụ nằm trên hệ cọc bê tông dự ứng lực D500 với thời gian thi công hoàn thành khoảng 4 tháng. Hiện các ngành chức năng của thành phố đang xúc tiến các thủ tục liên quan để tiến hành thi công trong thời gian sớm nhất.

Trước chủ trương của tỉnh và thành phố cho một công trình mang tính “bước ngoặt” đối với xã Cẩm Kim, Bí thư Đảng bộ xã – ông Huỳnh Tấn Ca khẳng định đây là cơ hội cho vùng quê Kim Bồng. “Với những chủ trương của tỉnh và thành phố, đây là cơ hội của Cẩm Kim. Do đó, Đảng bộ và nhân dân Cẩm Kim trước hết phải phát huy nội lực bằng tinh thần và trách nhiệm để huy động nhân dân tập trung đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế để dần dần đưa đời sống của nhân dân Cẩm Kim phát triển trong tương lai” – ông Ca nói. Hy vọng chủ trương đầu tư xây dựng cầu dân sinh Cẩm Kim – Hội An sẽ sớm được triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất. Còn đối với người dân Cẩm Kim và các vùng lân cận, chiếc cầu trong mơ đã có cơ sở hiện thực. Từ đây, cả vùng đất nằm bên kia sông Thu Bồn sẽ thoát cảnh cách trở, có điều kiện để vươn lên.

QUỐC HẢI