Trong những ngày này cách đây 15 năm (12.1999), cán bộ và nhân dân Hội An – Duy Xuyên nói riêng, Quảng Nam nói chung vỡ òa trong niềm vui khi Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa thế giới. Từ đó đến nay, trong suốt hành trình giữ gìn, bảo vệ, phát huy giá trị di sản, các địa phương đã có nhiều cách làm phù hợp để giữ gìn và phát huy giá trị di sản.
Chùa Cầu Hội An. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG |
Mỹ Sơn: Nhiều nổi bật
Một cuộc gặp gỡ giữa những người yêu Mỹ Sơn và có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn khu đền tháp đã được tổ chức để cùng nhìn lại quãng đường 15 năm qua. Nhiều đại biểu cho rằng, điều dễ nhận thấy nhất của Mỹ Sơn 15 năm qua chính là đã làm tốt công tác bảo tồn và phát triển du lịch. Nổi bật là sự tiếp nhận và hợp tác với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước như UNESCO, JICA (Nhật Bản), Lerici Foundation (Ý), Viện Khảo cổ học, Viện Bảo tồn di tích… với số tiền hỗ trợ lên đến hàng chục tỷ đồng. Có thể kể đến một số dự án tiêu biểu như xây dựng nhà trưng bày; khảo cổ khai thông dòng suối Khe Thẻ; bảo tồn nhóm tháp G, tháp E7… Ngoài ra còn phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện dự án du lịch cộng đồng Mỹ Sơn; triển khai dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Mỹ Sơn”, đào tạo hướng dẫn thuyết minh viên về Mỹ Sơn, xây dựng bảng hiệu, điều chỉnh hướng tham quan, xây dựng biểu trưng (logo), đưa xe điện vào phục vụ du khách…
Âm vọng tháp cổ Mỹ Sơn. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG |
Ông Lê Trung Hoa – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng, thành công đối với Mỹ Sơn rất nhiều, kết quả không chỉ phản ánh qua các dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích mà còn thể hiện ở việc bảo vệ kiến trúc và cảnh quan sinh thái xung quanh, chống cháy rừng, rà phá bom mìn, xử lý chất độc hóa học, bảo vệ môi trường… góp phần tạo một Mỹ Sơn an toàn và đẹp hơn về cảnh quan. Đặc biệt, xác định công tác bảo tồn phải liên tục và kế thừa qua nhiều thế hệ nên từ năm 2004 Ban Quản lý Khu di tích Mỹ Sơn đã phối hợp với các ban, ngành địa phương và Phòng GD-ĐT Duy Xuyên thực hiện chương trình “Giáo dục di sản trong trường học”. Việc biên soạn 2 bộ sách làm tài liệu nguồn cho giáo viên giảng dạy và học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 học tập đã đem lại kết quả khá tích cực trong việc nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng và thế hệ trẻ với di sản…
Dự án bảo tồn trùng tu nhóm tháp G được xem là điểm sáng nhất của Mỹ Sơn trong công tác bảo tồn di sản 15 năm qua. Ảnh: VĨNH LỘC |
Theo ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT&DL, qua 15 năm sau ngày vinh danh di sản những thành công mà Mỹ Sơn đạt được là khá tích cực, tuy vậy quá trình hoạt động cũng bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục. Trong đó, hai vấn đề cần quan tâm thời gian tới là nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ tại điểm đến, nhất là trên các lĩnh vực khảo cổ, trùng tu theo tiêu chuẩn quốc tế. Thứ hai, trong quá trình phát triển các cơ sở hạ tầng tại khu vực bên trong cần cố gắng gìn giữ nguyên vẹn bộ mặt Mỹ Sơn vì đó là điểm then chốt hấp dẫn du khách. Ngoài ra, sở cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy kêu gọi thêm nhiều dự án của Chính phủ có liên quan đến Mỹ Sơn trong những năm tới. Trước mắt là dự án do Chính phủ Ấn Độ tài trợ nguồn kinh phí khoảng 3,5 triệu đôla với 15 chuyên gia, dự án sẽ kéo dài từ 5 năm đến 10 năm. “Không chỉ hợp tác với Ấn Độ mà sẽ còn có nhiều tổ chức quốc tế khác đến giúp bảo tồn Mỹ Sơn. Vì vậy, việc nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu của đội ngũ cán bộ ở Mỹ Sơn là rất quan trọng” – ông Hài nói.
Hội An: Lắng nghe để gìn giữ
Cũng như nhiều điểm tham quan khác, nhà cổ Tấn Ký (số 101 đường Nguyễn Thái Học, phường Minh An) đã để lại nhiều ấn tượng cho du khách khi đến với phố cổ Hội An. Xây dựng cách đây 200 năm, nhà cổ Tấn Ký được xem là một trong những công trình tiêu biểu cho kiến trúc nhà cổ ở Hội An. Đã qua 7 thế hệ sinh sống, đến nay ngôi nhà vẫn còn khá nguyên vẹn với những đặc trưng trong kiến trúc nhà cổ Hội An. Một du khách đến từ Singapore chia sẻ: “Lần đầu tiên đến Hội An, khi thăm ngôi nhà cổ này, tôi đã hiểu thêm kiến trúc và văn hóa mà thành phố các bạn đang có. Quả thật rất đáng ngưỡng mộ và trân trọng sự gìn giữ đầy tâm huyết của các bạn”. Nhà cổ Tấn Ký chỉ là một điển hình rất nhỏ trong hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của TP.Hội An 15 năm qua. Có được thành công này là bởi, đồng hành với sự tự nguyện, tự giác chung tay chung sức của người dân; cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố đã có nhiều chủ trương, quyết sách phù hợp để giữ gìn và phát huy các giá trị của di sản. Từ trùng tu, tôn tạo di tích đến tìm tòi và duy trì các sản phẩm du lịch độc đáo đều được địa phương nghiên cứu, tổ chức thực hiện, trên tinh thần cầu thị lắng nghe ý kiến của người dân, các chuyên gia và kể cả du khách.
Nhờ làm tốt công tác bảo tồn, Hội An luôn là điểm đến hấp dẫn trong lựa chọn của du khách. Ảnh: LÊ HIỀN |
Nhiều năm nay, thành phố luôn tổ chức gặp gỡ các chủ di tích trên địa bàn, mở hội thảo với các chuyên đề khác nhau để có cơ sở ứng dụng thực tiễn. Nhiều người thường xuyên gắn bó, cảm mến và có tâm huyết với Hội An cũng sẵn lòng chia sẻ những kinh nghiệm quý trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Bên cạnh đó, thông qua việc tiếp dân và cải cách thủ tục hành chính, chính quyền các địa phương đã ghi nhận thông tin và nguyện vọng của nhân dân để kịp thời xây dựng phương án điều hành quản lý phù hợp. Đối với những đề án ảnh hưởng đến việc sinh hoạt, đi lại của người dân, trước khi xây dựng và triển khai, thành phố tổ chức tham vấn ý kiến cộng đồng, nghiêm túc tuyên truyền đến từng hộ dân, không làm qua loa, đại khái. Đặc biệt, thành phố cũng đã tham khảo sự tư vấn và nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước để quy hoạch tổng thể, xây dựng chiến lược phát triển với tầm nhìn lâu dài cho địa phương. Từ đó, 15 năm nay, Hội An đã ghi nhận và giải quyết hàng trăm lượt kiến nghị; tu bổ hơn 400 ngôi nhà, với kinh phí gần 190 tỷ đồng, duy tu, đầu tư các tiện ích công cộng trong và ngoài khu phố cổ. Cùng với việc bảo tồn các làng nghề và các công trình di tích văn hóa, lịch sử khu vực vành đai, vùng ven, vùng đệm, Hội An đã duy trì các lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức các sản phẩm du lịch phù hợp với hiện trạng cảnh quan và chiều sâu văn hóa địa phương. Tất cả hoạt động này đều có sự tham gia tích cực của cộng đồng, các đơn vị làm du lịch, từ việc đóng góp ý kiến đến tham gia trực tiếp các đề án đặc thù.
Có thế thấy, việc cầu thị lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, du khách và nhân dân là một cách làm đúng đắn để Hội An tiếp tục thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo. Đồng thời có thêm ý tưởng để tạo các sản phẩm du lịch độc đáo, gắn liền với việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới.
VĨNH LỘC – LÊ HIỀN