Từ điểm sáng mô hình trồng rau hữu cơ tại thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh (TP.Hôi An) tiếp tục xây dựng và phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Năm 2014, Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Cẩm Thanh, TP.Hội An” được triển khai với mô hình đầu tiên là Vườn rau hữu cơ tại thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh. Được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, dự án bước đầu được thực hiện với diện tích gần 6.390m2. Sau 2 năm hoạt động tương đối ổn định và đạt kết quả tích cực, UBND xã Cẩm Thanh tiếp tục hỗ trợ cho người dân mở rộng vùng canh tác thêm khoảng 5.990m2, nâng tổng diện tích sản xuất rau hữu cơ lên hơn 12.370m2. Trung bình mỗi hộ tham gia dự án có diện tích sản xuất khoảng 500m2, hộ có diện tích sản xuất cao hơn khoảng gần 1000m2.
*Điểm du lịch nông thôn:
Ra đời trong quãng thời gian thường xuyên xảy ra thiên tai, lũ lụt, lại phải tập trung cải tạo đất; hướng dẫn, áp dụng quy trình sản xuất mới theo phương châm sạch và an toàn thay cho kiểu sản xuất cũ trong 2 năm đầu nên mô hình Vườn rau hữu cơ Thanh Đông gặp nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm và tiếp tục duy trì sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ, sản lượng rau ngày càng tăng và được thị trường nhiều nơi biết đến và ưa chuộng.
Dựa trên nền tảng hoạt động và kết quả đạt được của Tổ hợp tác Rau hữu cơ Thanh Đông, đến tháng 11.2019 HTX rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông được hình thành, vận dụng các chính sách hỗ trợ của nhà nước, huy động các nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất và cung ứng rau hữu cơ đạt chứng nhận PGS kết hợp với làm du lịch nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Từ thành công của mô hình trồng rau hữu cơ Thanh Đông, xã Cẩm Thanh tiếp tục nhân rộng và triển khai mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị tại Cánh Đồng Giá (cùng thôn). Tính trong 3 năm gần đây (2021 – 2023), sản lượng sản phẩm bán ra đạt 26,8 tấn, tổng doanh thu của HTX đạt hơn 951,6 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, thu nhập bình quân của các thành viên HTX đạt hơn 84 triệu đồng/người/năm. Lợi nhuận của HTX trong 3 năm đạt gần 77 triệu đồng. Sản phẩm chủ yếu của Vườn rau hữu cơ Thanh Đông là rau ăn lá, củ, quả, rau gia vị và các loại bắp nếp, hoa artiso… Ngoài ra, HTX còn phát triển thêm các sản phẩm thành phẩm như: mứt, trà artiso, trà húng quế…
Ông Lê Nhương – Giám đốc HTX rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông cho biết: “Nét chính của Vườn rau này là sản xuất theo tiêu chuẩn rau sạch, không dùng thuốc trừ sâu, không dùng phân hóa học, không dùng thuốc kích thích sinh trưởng và chỉ dùng phân hữu cơ, phân động vật, những loại thuốc thảo mộc và dùng nước không bị ô nhiễm lấy từ mạch nước ngầm để lọc, tưới cho cây. Đồng thời chăm sóc, trồng thâm canh, xen canh để cân bằng hệ sinh thái, từ đó nâng chất lượng”.
Sản xuất theo quy trình nông nghiệp sạch, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng nên rau hữu cơ Thanh Đông được khách hàng rất ưa chuộng. Sản lượng rau được cung ứng đến các nhà hàng, trường học, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú và bán cho người tiêu dùng trong cũng như ngoài thành phố. Ngoài 2 đại lý Quê Vườn và Xanh Xanh shop ở Hội An, còn có một số nhà hàng tại Đà Nẵng thường xuyên mua sản phẩm để chế biến phục vụ khách hàng. Về kênh bán lẻ có hơn 500 khách hàng đặt mua sản phẩm qua hệ thống cung cấp từng cá nhân và 1 cửa tiệm tại chợ Bà Lê (phường Cẩm Châu).
Vườn rau hữu cơ Thanh Đông không chỉ là điểm sáng về sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn mà còn là điểm du lịch sinh thái mới của TP.Hội An, được du khách yêu thích. Lượng khách đến tham quan, tìm hiểu vườn rau tăng hằng năm. Doanh thu của vườn rau nhờ vậy cũng tăng thêm từ doanh thu bán vé tham quan, tổ chức tour trải nghiệm (nấu ăn, làm nông nghiệp, bơi thuyền thúng du ngoạn trên sông)… Ông Nguyễn Văn Chức – thành viên giám sát HTX cho hay: “Trong quá trình sản xuất thì hiệu quả mang lại cho bà con khá rõ nét, trước hết là nhờ sản phẩm rau hữu cơ, đồng thời cũng thu hút được các tour du lịch. Trong đó, đầu tiên là kết nối với học sinh, sinh viên để giới thiệu về mô hình sản xuất và sau đó là khách du lịch nước ngoài đi theo tour đến tham quan, tìm hiểu”
Năm 2018, Vườn rau hữu cơ Thanh Đông được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là Điểm du lịch sinh thái tiêu biểu. Năm 2020 được Hiệp hội Du lịch Đông Nam Á bầu chọn là Điểm du lịch nông thôn bền vững. Ban giám đốc HTX cũng giữ mối kiên kết với các tổ chức phi chính phủ, trường học trong và ngoài nước tiếp nhận các đoàn sinh viên, nghiên cứu sinh đến tham quan, học tập mô hình sản xuất rau hữu cơ và du lịch sinh thái nông nghiệp bền vững.
*Mở rộng không gian:
Mở rộng và nâng cao hơn nữa sản xuất nông nghiệp hữu cơ, vụ Hè thu năm 2023 vừa qua HTX rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông đã triển khai thực hiện dự án liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ lúa theo quy trình canh tác hữu cơ tại Cánh Đồng Mẫu, xã Cẩm Thanh với tổng vốn đầu tư 1 tỷ 65 triệu đồng, trong đó nguồn ngân sách của Trung ương và TP.Hội An là 553 triệu đồng, nguồn đối ứng của người dân gần 512 triệu đồng. Với sự tham gia của 21 hộ nông dân trên diện tích 1,5 ha, năng suất lúa bình quân trong vụ đầu sản xuất đạt 65 tạ/ha và giá trị thu nhập cũng tăng cao. Nông dân Nguyễn Bé ở thôn Thanh Đông nói: “Bây giờ làm lúa hữu cơ này, theo quy trình kỹ thuật thì bệnh tật rất hạn chế. So với tôi làm trước kia thì nó khác hẳn với bây giờ. Năng suất tương đối cao và thu nhập, giá thành cũng cao hơn so với giá thành lúa thông thường. Đó là cái tốt cho địa phương và nông dân của chúng tôi”
Bà Ngô Huyền Trân – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết thêm, gắn kết sản xuất lúa hữu cơ với cải tạo cảnh quan nông thôn mới, Cẩm Thanh đã góp phần phát triển có hiệu quả loại hình du lịch với nội vùng sinh thái giàu giá trị lịch sử và văn hóa của địa phương. “Mục tiêu của dự án lúa hữu cơ sẽ không dừng ở 1,5 ha này mà mong muốn của chúng tôi là sẽ mở thêm các diện tích trồng lúa hữu cơ trên các cánh đồng của tất cả các thôn trên địa bàn toàn xã; đồng thời cũng xây dựng đây là điểm đến trong hành trình du lịch xanh, du lịch bền vững để tạo thu nhập tăng thêm, ổn định cho bà con nông dân”, bà Trân nói.
Đến nay, xã Cẩm Thanh đang thực hiện và duy trì 3 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với 4 ha rau, củ, quả ở Thanh Đông, Đồng Giá và 1,5 ha lúa tại Cánh Đồng Mẫu gắn kết với du lịch sinh thái bền vững trong nội vùng xanh mát, cùng đồng hành với điểm du lịch sông nước Rừng dừa Bảy mẫu, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
ĐỖ HUẤN