Như tin đã đưa, ngày 14/6, tại Di sản Văn hóa thế giới Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam, Tổ chức UNHABITAT phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản”.
Tại hội Thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều tham luận, ý kiến về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng như kinh nghiệm của các nhà quản lý, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực này: Các cơ chế và hướng tiếp cận mới trong quản lý di sản đô thị bền vững; Các vấn đề chính trong bảo tồn các đô thị di sản ở châu Á: khung chính sách quốc tế và vấn đề quản lý cấp quốc gia và địa phương; Xu hướng mới trong cách thức điều hành bảo tồn đô thị ở Châu Á? Tranh luận và thành tựu; Quy hoạch không gian và bảo tồn các khu vực môi trường Các vấn đề toàn cầu, hướng dẫn và bối cảnh ở Việt Nam; Vấn đề được và mất trong phát triển đô thị di sản; Phục hồi và bảo tồn các di sản kiến trúc gỗ – trường hợp Hội An; Quản lý “Di sản đô thị” tại Việt Nam – Thực trạng và giải pháp Trường hợp khu Di tích Cổ Loa – Hà Nội; Cân nhắc xây dựng quy hoạch và khung quy định pháp lý cho các khu đô thị cổ…
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Hội An là một cảng thị truyền thống của Chămpa từ thời Trung đại. Đến thế kỷ 17, với chính sách mở cửa của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, Hội An là thương cảng quốc tế phát triển rực rỡ, là cơ sở trọng yếu về kinh tế và đối ngoại của các Chúa Nguyễn gần 3 thế kỷ. Trong lòng đô thị Hội An còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn hơn 1.000 di tích kiến trúc cổ như nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ, mộ cổ…. Với giá trị tiêu biểu về văn hóa, ngày 04/12/1999, Đô thị cổ Hội An được UNESCO ghi vào danh mục di sản văn hóa thế giới.
Trong những năm qua, tuy đã đạt được những thành tựu trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhưng Hội An vẫn đang đứng trước những nguy cơ, thách thức mới xuất hiện, đó là ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng, dẫn đến xói lở bờ biển hay tình trạng bồi cạn, ngập úng. Ngoài ra, nguy cơ cháy nổ do hoạt động quá tải bởi các dịch vụ của con người trong khu phố cổ; những áp lực của vấn đề dân số, mật độ và thành phần dân cư trong đô thị và tác động mặt trái của tốc độ đô thị hóa, phát triển du lịch lên tính toàn vẹn, tính chân xác của di sản văn hóa, cảnh quan môi trường sống, cảnh quan di tích,…
Chủ tịch UBND tỉnh nói:“Những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị đô thị cổ và những nguy cơ thách thức trong thời gian qua đối với đô thị cổ Hội An cũng chính là tình trạng phổ biến của các đô thị cổ khác trên thế giới. Do đó, cần có sự hợp tác tham khảo, học tập chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau giữa các đô thị di sản trong nước và thế giới; ý kiến đóng góp của các chuyên gia Việt Nam và quốc tế trong công tác bảo tồn các đô thị cổ; sự hợp tác giúp đỡ về khoa học và tài chính của các tổ chức quốc tế nhằm mục đích bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa loại hình đô thị di sản này.”
Hội An đã xây dựng phương thức bảo tồn di sản văn hóa phù hợp- Ảnh: Quốc Hải
Trên thực tế, trong quá trình phát triển kinh tế, cũng như quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản đã tạo ra sự áp lực không hề nhỏ. Bà Susan Vize, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, để phát triển mang tính bền vững, chúng ta cần tiếp tục giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống vì đây được coi là kho báu, lồng ghép tăng trưởng với bảo tồn. Bên cạnh đó, việc hợp tác quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm trong bảo tồn và phát huy giá trị các giá trị di sản của những địa phương có kinh nghiệm là cực kỳ quan trọng. Hiện nay, tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã tạo ra áp lực lên các đô thị, nhất là các đô thị cổ, đô thị di sản… “Chính vì vậy, chúng ta cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn cũng như ở khu vực tư nhân để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Cùng với đó, khuyến khích những sáng kiến mới từ các chủ thể địa phương và khu vực tư nhân về cơ chế bảo vệ và phát triển bền vững tại các khu đô thị di sản” – Bà Susan Vize, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam nói.
Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, Hội An là một đại diện điển hình cho quá trình tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng đang diễn ra ở hầu khắp các thành phố lịch sử của Châu Á. Các khu di sản này, bao gồm các kết cấu xây dựng chính và các thành tố di sản phi vật thể có liên quan, đã trở thành nguồn lực quan trong cho sự phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là ngành du lịch. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng đã tạo ra áp lực phát triển cho các nguồn lực cốt lõi này, cũng như đặt ra nhiều câu hỏi về phát triển bền vững.
Việc quy hoạch và phát triển không gian xung quanh các khu vực di sản vật thể và thiên nhiên của địa phương là một thách thức rất lớn với các chính quyền. Sự phát triển du lịch với nhiều loại hình sản phẩm và dịch vụ đa dạng đã góp phần cải thiện nguồn sinh kế và thu nhập cho người dân và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương. Tuy nhiên, kèm theo đó là các khu dân cư mới được hình thành cùng với các vấn đề về vệ sinh môi trường, giao thông và an ninh. Việc hình thành các vành đai bảo vệ và các không gian công cộng xung quanh di sản là điều cần thiết nhưng không dễ thực hiện trong bối cảnh các di sản nằm trong khu vực
đô thị, nơi mà giá trị đất đai được gia tăng nhanh chóng và quỹ đất hạn chế. Bên cạnh đó, khu vực phát triển tiếp giáp với khu vực di sản rất cần được thiết kế sao cho phù hợp đảm bảo tính hợp nhất giữa truyền thống và hiện đại. Sự kết nối này giúp bảo tồn các giá trị di sản đồng thời tạo ra sức sống mới cho chính các giá trị
đó thông qua các hoạt động phát triển kinh tế.
Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản”- Ảnh: Quốc Hải
Các phương thức bảo tồn di sản văn hóa phù hợp cần phải được nhận diện trong bối cảnh đô thị với các cộng đồng đang sinh sống và phát triển. Điều này đòi hỏi sự khéo léo trong việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, hay bảo vệ tính xác thực trong khi vẫn thúc đẩy sáng tạo.
Các đô thị di sản, đặc biệt là các thành phố dọc bờ biển hiện đang phải đối mặt với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên. Đây thực sự là thách thức lớn đối với cách thức bảo tồn truyền thống và đòi hỏi những nỗ lực hơn nữa với tầm nhìn dài hạn mang tính chiến lược.
Cùng với sự tăng trưởng kinh tế và vai trò ngày càng quan trọng của các đô thị trong tiến trình phát triển chung, vấn đề bảo vệ các thành phố di sản ở các nước đang phát triển ở Châu Á không còn phụ thuộc hoàn toàn vào các trợ giúp quốc tế. Cơ hội đang mở ra cho khối tư nhân, đặc biệt là các chủ thể địa phương, được
tham gia sâu hơn vào các nỗ lực bảo vệ di sản. Do đó, câu hỏi đặt ra cho Chính phủ và Ban quản lý các khu di sản không chỉ là các phương thức ngăn chặn và giảm thiểu các tác động tiêu cực từ quá trình phát triển mà còn hướng đến các cơ chế đảm bảo và tăng cường sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân vào công
cuộc bảo tồn di sản và thúc đẩy sáng tạo.
Chính vì vậy, Hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản”là thời điểm phù hợp để nhìn lại “Tuyên bố Hội An 2009 về bảo tồn di tích lịch sử ở Châu Á”, trong bối cảnh mới với sự phát triển đô thị nhanh chóng tại các đô thị lịch sử ở châu Á như Hội An cũng như bối cảnh toàn cầu về huy động tổng thể các nguồn lực để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mới.
GS Wiliam Logan, chuyên gia UNESCO, chia sẻ về kinh nghiệm, tiêu chí cần tính tới ở đây là tính lan tỏa giá trị văn hóa. Hội An là thương cảng quan trọng của Đông Nam Á, giá trị lan tỏa văn hóa mạnh đến mức nào là quan trọng. TP Hội An thay đổi rất lớn trong thời gian này, tuy nhiên một số giá trị nguyên thủy đã mất đi.
Mà đã mất đi thì khó có thể lấy lại. GS Wiliam Logan nói: “Hội An cũng là một di sản điển hình, cần cân nhắc vấn đề này. Có rất nhiều “di sản” không nên quên, như là bản sắc của người dân.”
Cũng trong buổi hội thảo, các đại biểu tham gia đã thống nhất thông qua tuyên bố Hội An về bảo tồn và phát huy đô thị cổ với 10 điều khoản. Trong đó, nội dung chủ yếu là đảm bảo việc bảo tồn các đô thị lịch sử và di sản đô thị của châu Á một cách có hiệu quả và công bằng, hướng tới cách tiếp cận toàn diện và xem xét bối cảnh nhận thức rộng lớn, cần có các chính sách và cơ chế rõ ràng, áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người nhằm đảm bảo sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc thiết kế, quản lý và chia sẻ công bằng lợi ích,…
Trong phát biểu về tầm nhìn và khuyến nghị về Tuyên bố Hội An 2017, GS. William Logan nhấn mạnh: “Cần duy trì được tính nguyên vẹn, tính xác thực của các đô thị di sản, tuân thủ theo hệ thống di sản thế giới. Đối với Hội An thì đây là một hội thảo rất hay, cần tuân thủ luật chơi, cần nhấn mạnh nhân tố về thương cảng hay sự hội tụ nền văn hóa khác nhau”.
Quốc Hải