Anh Thắng giỏi nghề tranh tre dừa Cẩm Thanh

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, lại gặp thời buổi khó khăn, anh Lê Công Thắng ở thôn Thanh Nhứt, xã Cẩm Thanh đành phải bỏ học giữa chừng để tha phương cầu thực mong có cuộc sống đầy đủ hơn. Nhưng như anh tâm sự: “Sống ở đâu cũng không bằng quê mình”, anh Thắng nói: “Khi nghĩ đến quê hương, tôi chạnh lòng nhớ đến rừng dừa, bởi nơi đây chôn chặt bao kỷ niệm của tuổi thơ tôi. Mái nhà bằng tranh dừa, bữa cơm đạm bạc có món canh hàu, cá tạp cũng được bắt ở dưới rừng dừa nước. Thời cơ cực nhưng ba mẹ không để chị em chúng tôi đói”

Anh Thắng đang bện tranh dừa tại cơ sở sản xuất của gia đình

Vào những năm đầu thập niên 2000, cuộc sống người dân từng bước đổi thay, những nếp nhà tranh ở vùng quê Cẩm Thanh dần được thay thế bằng nhà xây mái ngói. Nghề tranh tre dừa nước tuy chưa được thịnh hành nhưng thi thoảng cũng có người đặt làm nhà rường lợp tranh dừa nên anh Thắng cũng có được việc làm và thu nhập từ nghề truyền thống. Từ đó, anh cũng tích lũy được những kinh nghiệm về kỹ thuật, mỹ thuật trong sản xuất và kỹ năng kinh doanh
Đến những năm thập niên 2010, ngành du lịch ở Hội An phát triển mạnh, xu hướng làm nhà du lịch cũng tăng cao, lần lượt các đối tác tìm đến địa phương đặt hàng làm các loại: nhà dù, quán nước, quán cà phê, nhà hàng trong khu resort… bằng tranh tre dừa nước. Tận dụng thời cơ, anh Thắng đã mạnh dạn nhận nhiều đơn đặt hàng với giá phải chăng và đầu tư số vốn vài chục triệu đồng của cá nhân để thực hiện hợp đồng, tạo được các sản phẩm đẹp và đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
“Tiếng lành đồn xa”! Cứ thế khách hàng xa gần khắp nơi tìm đến ngày càng nhiều hơn và anh Thắng tập hợp thêm một số anh em trong thôn cùng hợp tác làm ăn. Cơ sở của anh bắt đầu nhận thi công nhiều công trình có phong cách đa dạng, phức hợp cho các cơ sở kinh doanh, lưu trú du lịch quy mô, cao cấp. Thời cơ đến cũng là lúc anh gặp phải thách thức lớn với thị trường về sự cạnh tranh mỹ thuật, nghệ thuật cấu trúc công trình… May mắn lúc đó, Hội Nông dân xã Cẩm Thanh phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố mở lớp đào tạo nghề tre dừa nên anh em trong cơ sở sản xuất của anh Thắng được cử tham gia và tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích. Xong khóa học, anh em được cấp chứng chỉ nghề, rồi được Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho vay vốn, cấp phép thành lập Tổ hợp tác. Anh Thắng tiếp tục vận động 7 anh em tham gia mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh. Sản phẩm làm ra lúc này nhờ vậy không chỉ đảm bảo về chất lượng mà còn đẹp về mỹ thuật. Hàng sản xuất của cơ sở anh không chỉ bó hẹp trong thành phố mà còn vươn ra các tỉnh, thành lân cận, lên tới Đăk Lăk, vào tận TP.Hồ Chí Minh… Công trình đảm nhận tăng giá trị lên hàng trăm triệu đồng. Thu nhập của người lao động được cải thiện đáng kể, bình quân đạt từ 3,5 – 4 triệu đồng/người/tháng. Sau 5 năm, anh Thắng và anh em cùng làm đều xây được nhà mới khang trang, đàng hoàng hơn.
Niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, do lợi nhuận cao nên nhiều cơ sở sản xuất tranh tre dừa ngày càng xuất hiện nhiều ở các địa phương lân cận, sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt hơn, nguyên liệu thô được người dân địa phương khai thác bán đi khắp nơi, thương hiệu của cơ sở bị đánh cắp, khách hàng truyền thống bị chi phối… Trước tình hình đó, chính quyền địa phương và TP.Hội An đã kịp thời lập hồ sơ thủ tục đề nghị Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận thương hiệu tre dừa Cẩm Thanh. Đến tháng 10/2012, thương hiệu tre dừa Cẩm Thanh được chính thức công nhận, mở ra cơ hội cho những người chung tay bảo tồn nghề truyền thống của địa phương và càng phấn khởi, yên tâm đầu tư vào sản xuất. Hằng năm, cơ sở của anh Thắng ký kết từ 20 đến 30 hợp đồng có giá trị lớn, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, thu nhập của thợ nghề cũng tăng lên từ 4 – 5 triệu đồng/tháng. Cao điểm, ngoài hàng chục lao động của cơ sở, anh Thắng phải thuê thêm thợ và trả tiền công cao để kịp đáp ứng tiến độ hợp đồng. Ngoài việc thi công các công trình như khu nghỉ dưỡng, nhà hàng VIP, homestay… cơ sở còn nhận trang trí nội thất như lợp la phông trần bằng cọng dừa hay lồng đèn bằng ống tre, mành treo, bàn ghế cho các nhà hàng, quán bar… (mỗi công trình có giá trị trên 300 triệu đồng).

Các công trình nhà hàng, khu nghỉ dưỡng bằng tre dừa ngày càng được khách hàng ưa thích

Không tự mãn và dừng lại, trong quá trình phát triển sản xuất anh Thắng luôn khám phá và học hỏi để không ngừng nâng cao kiến thức nghề nghiệp. Anh được Phòng Kinh tế mời làm giảng viên cho các lớp đào tạo nghề truyền thống của địa phương. “Tôi rất vui vì thành đạt trong công việc, hạnh phúc khi được tham gia góp phần bảo tồn làng nghề, tôi thường rỉ tai anh em thợ rằng: mình phải luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức và lao động sáng tạo, có như vậy mới giữ vững được uy tín làng nghề và thương hiệu mà Nhà nước đã công nhận”, anh Thắng nói.
Nhiều năm liền, Lê Công Thắng được công nhận danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp cơ sở. Từ năm 2017 được công nhận danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp thành phố. Những năm ảnh hưởng của dịa dịch Covid-19, tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn nhưng anh vẫn nỗ lực duy trì công việc, tìm đối tác để tạo việc làm và sinh kế cho anh em thợ trong tổ nghề. Năm 2022, anh Thắng cũng đã cố gắng tiếp cận với công nghệ thông tin, mở tài khoản định danh cho bản thân và cơ sở sản xuất, hưởng ứng thực hiện số hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, Tổ hợp tác của anh đã tiếp cận thêm được nhiều đơn đặt hàng. Từ đầu năm 2023 đến nay, cơ sở sản xuất của anh đã nhận được 5 hợp đồng sản xuất có giá trị 500 triệu đồng. Anh Thắng cho biết thêm trong thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư 100 triệu đồng để dự trữ nguyên liệu tre dừa, mua sắm thêm một số phương tiện máy móc để mở rộng quy mô sản xuất với mục tiêu là hướng mạnh ra thị trường ngòai tỉnh.

ĐỖ HUẤN