Như những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận tư tưởng, anh chị em làm công tác truyền thanh cơ sở ở Hội An đã có nhiều đóng góp trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân thành phố.
*Không thể thiếu được:
Ở Hội An, hoạt động truyền thanh từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc của người dân. Các chương trình phát thanh hằng ngày của Đài truyền thanh thành phố và các Trạm xã phường là một phần không thể thiếu được trong đời sống thường nhật. Loa truyền thanh nhanh nhạy chuyển tải những thông tin thời sự của phố phường, thôn xã; phổ biến những chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến đời sống các tầng lớp nhân dân, động viên cổ vũ mọi người hăng hái thi đua lao động sản xuất xây dựng quê hương. Tiếng loa báo thức mọi người dậy sớm tập thể dục, giục nông dân ra đồng cày cấy. Thường ngày, hoạt động truyền thanh đã cần thiết. Đến dịp lễ, tết hay có sự kiện chính trị như Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội-HĐND… càng thấy vai trò của công tác truyền thanh lớn lao, quan trọng hơn.
Hội An tự hào là đơn vị đầu tiên của cả nước “xoá trắng” truyền thanh cơ sở từ rất sớm (vào những năm 80 của thế kỷ trước). Quản lý hành chính, qui mô đô thị phát triển đến đâu, hệ thống truyền thanh phát triển theo đó. Từ 10 đơn vị cơ sở đến nay cả 13 xã phường đều có trạm truyền thanh hoạt động ổn định, thường xuyên. Trạm truyền thanh cơ sở hiện đã được phân cấp cho UBND các xã phường quản lý trực tiếp, duy trì hoạt động với chương trình phát thanh và tiếp âm mỗi ngày 1 – 2 buổi. Hầu hết các trạm đều xây dựng được các chương trình phát thanh địa phương, phản ánh tiếng nói của quần chúng, kết nối nhịp cầu tâm tư, tình cảm giữa Đảng với Dân và là công cụ điều hành, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của chính quyền ở cơ sở. Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Thuận – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết, hoạt động truyền thanh ở địa phương có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là công tác tuyên truyền pháp luật và cổ vũ phong trào thi đua…
Cần lắp thêm nhiều cụm loa để nhân dân thành phố được nghe đài- Ảnh: Đỗ Huấn
*Muốn được nghe hằng ngày:
Vai trò công tác truyền thanh ở cơ sở hết sức cần thiết, hoạt động truyền thanh vô cùng hữu hiệu. Điều đó nhờ một phần công lao khó nhọc, cần cù của những người làm công tác truyền thanh. Để có một chương trình phát thanh thì phải có tin, bài. Để viết được tin, bài thì phải đi thực tế, thu thập tư liệu, gặp gỡ, phỏng vấn nhân vật. Một số anh em được phân công “viết chuyên nghiệp” cho chương trình phát thanh cơ sở chia sẻ: “Lắm lúc đã đến giờ thu chương trình để phát mà chưa có đủ thông tin, còn nhân vật được hẹn cũng chẳng thấy đâu, không biết vì lý do gì. Thế là tìm mọi cách đề “chữa cháy” cho kịp rồi vội vội vàng vàng “chụp” đủ thứ để “có cái” phát ra loa!”. Đó chỉ là một trong vô vàn sự cố, “tai nạn” nghề nghiệp xảy ra. Còn khi nội dung chương trình được hoàn chỉnh thì phải có phát thanh viên để đọc, kỷ thuật viên để thu in… mà công việc nào cũng đòi hỏi lao động tỉ mẫn, yêu cầu nghiệp vụ khắt khe. Rồi khi chương trình dựng xong thì phải có người “dậy sớm, thức trưa, ở lại chiều” để phát. Thế mà có xã phường cũng không ít lần “tất cả đều trong một” (kỷ thuật, phóng viên, phát thanh viên… chỉ một người đảm nhận).
Hiện nay, cơ cấu tổ chức các trạm truyền thanh cơ sở cũng “mỗi nơi mỗi vẻ”. Về số lượng, có chỗ thì 1, có chỗ thì 2-3. Nhưng không phải chỉ làm truyền thanh chuyên trách mà phải kiêm nhiệm “thập cẩm”, chẳng xã nào giống phường nào. Có người thì kiêm thêm nghề “cờ-đèn-kèn-trống”, có người thì “sinh đẻ kế hoạch, đặt vòng tránh thai”, có người thì “xoá đói giảm nghèo”, “khai sinh khai tử”… Thế nhưng thu nhập chẳng là bao, đời sống anh em còn quá khiêm tốn.
Báo cáo của Đài TT-TH Hội An cho biết, hệ thống truyền thanh của thành phố hiện được kết nối thông suốt với hơn 300 chiếc loa lắp đặt tại các điểm khác nhau. Hầu như đều được “vô tuyến hoá” (truyền thanh không dây) và phát sóng cực ngắn. Tuy các trạm và hệ thống loa đang hoạt động hiệu quả nhưng chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của người nghe đài. Số lượng loa được bố trí vốn đã hạn hữu và mỏng so với diện tích cũng như số dân nhưng lại ít được đầu tư sắm mới. Theo phản ánh của nhân dân, trong khi mạng lưới loa ở một vài khu vực thuộc các phường trung tâm (Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô) do thiếu quy hoạch nên bố trí chưa phù hợp, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch thì nhiều nơi khác, nhất là vùng ven đô và ngoại ô thành phố, nhân dân cảm thấy “rất thiếu loa để nghe đài”. Trong các chương trình nghị sự của chính quyền các cấp ở Hội An đầu năm này, nhiều đại biểu dân cử đã đề nghị lắp đặt thêm loa để người dân ở các khu vực trong thành phố ngày ngày được nghe “Đây là Đài truyền thanh thành phố Hội An!”, bây giờ đã được đổi tên mới là “Đài truyền thanh – truyền hình thành phố Hội An”.
Đỗ Huấn