Thành Đoàn Hội An vừa phối hợp với Phòng LĐ,TB&XH tổ chức gặp mặt hơn 100 người khuyết tật trên địa bàn thành phố. Dịp này, 21 thanh niên khuyết tật đã được tuyên dương, khen thưởng. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận nhưng họ luôn cố gắng vươn lên để hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho cho gia đình và xã hội. Mỗi câu chuyện mà những thanh niên khuyết tật chia sẻ tại buổi gặp mặt đều khiến những người tham dự thực sự xúc động.
Đỗ Đình Toàn, sinh năm 1991, ở khối Trảng Sỏi – phường Thanh Hà là một trong số những thanh niên khuyết tật được tuyên dương. Bi dị tật tay và chân từ nhỏ, sinh hoạt hằng ngày gặp nhiều khó khăn nhưng anh luôn sống lạc quan và tin tưởng vào tương lai. Toàn chia sẻ rằng anh có một niềm đam mê âm nhạc rất lớn. Cách đây 3 năm, Toàn quyết định tìm thầy học nhạc. Vượt qua những khó khăn ban đầu, Toàn đã trở thành một nhạc công. Hiện anh đang kinh doanh dịch vụ âm thanh, ánh sáng với thu nhập tương đối ổn định. Đỗ Đình Toàn cho biết:“Vừa làm vừa học và đến bây giờ đã mở được dịch vụ âm thanh ánh sáng riêng cho mình nhờ sự nỗ lực cố gắng vươn lên.”
Đỗ Đình Toàn (thứ nhất từ trái sang)– một trong những thanh niên khuyết tật được tuyên dương- Ảnh: Minh Vũ
Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc ở khối Tân Lập – Phường Tân An đã khiến cả hội trường buổi gặp mặt im lặng. Từ khi sinh ra, chị đã bị dị tật bẩm sinh, đến năm 2 tuổi lại lên cơn suyễn, trong khi hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Mặc dù chân tay bị dị tật nhưng từ nhỏ Ngọc đã rất hiếu học. Chị luôn đi học đều đặn, đến năm lớp 6, Ngọc vừa đi học vừa bán hàng rong để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Sau khi tốt nghiệp THPT, Ngọc xin việc ở nhiều công ty nhưng tất cả đều từ chối. Không nản lòng, Ngọc lại tiếp tục đi bán hàng rong, đến khi tích góp được một số vốn kha khá, chị mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ. Dần dần cửa hàng của chị đã được mở rộng và đến nay, việc buôn bán đã giúp chị có cuộc sống ổn định với thu nhập đảm bảo. Không chỉ tự làm việc nuôi sống bản thân, Ngọc còn nhiệt tình giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ với mình, đặc biệt là phụ nữ. Năm 2009, Ngọc đứng ra thành lập Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật, từ “địa chỉ” này, nhiều phụ nữ khuyết tật đã được giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần để hòa nhập cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Mỹ Ngọc chia sẻ:“Vào lớp 6 vì nhà nghèo nên tôi phải đi bán đủ thứ hết, bán khoai, bán sắn, bán bắp, bán đậu phộng, bán kẹo. Đến ngày 16 tháng 4 năm 2009 thì câu lạc bộ của tôi được thành lập. Tôi đã đưa rất nhiều người khuyết tật hòa nhập vào cộng đồng xã hội. Tôi đã giúp đỡ cho họ rất nhiều về công ăn việc làm, về bảo trợ xã hội và hướng dẫn cho họ hiểu được pháp luật là gì để từ đó họ tự bảo vệ quyền lợi cho mình. Tôi ví dụ như chị Kiều Thị Xin hay là chị Lê Thị Xí. Và tôi cũng mong muốn rằng mình luôn luôn khỏe mạnh để làm ra tiền giúp đỡ những người nghèo khổ hoặc những người khuyết tật.”
Cùng chung số phận với anh Toàn, chị Ngọc, anh Đặng Ngọc Bửu, Chi hội trưởng thanh niên khuyết tật Hội An, ở thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh luôn vượt khó vươn lên trong cuộc sống và tích cực giúp đỡ những người không may như mình. Nhiều năm trước, anh Bửu cùng một số anh, chị em đã cùng lập ra “Ngôi nhà tình thương” ở số 126 đường Trần Hưng Đạo, phường Cẩm Phô để tập hợp và dạy nghề cho các em khuyết tật. Sau khi thành lập, mỗi người chia ra học một nghề thủ công như làm lồng đèn, túi xách, làm hương… rồi sau đó về dạy lại cho các em. Thời gian đầu việc dạy nghề gặp rất nhiều khó khăn bởi khả năng tiếp thu của các em rất chậm. Khi đã có sản phẩm hoàn thiện thì vấn đề tiêu thụ lại khiến các anh chị em trong chi hội trăn trở. Song từ sự cảm thông và tình yêu thương dành cho các em, anh Bửu và các anh chị em đã cùng nhau vượt qua. Đến nay, từ những sản phẩm thủ công do mình làm ra, các em khuyết tật ở “Ngôi nhà tình thương” của Chi hội thanh niên khuyết tật Hội An đã có thu nhập từ 500-700 ngàn đồng một tháng. Số tiền tuy không lớn nhưng đó là sự cố gắng nỗ lực rất lớn của anh Bửu cùng các thành viên trong Chi hội.
Phan Sơn