Xây dựng nông thôn phát triển bền vững

Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2011 – 2015) của thành phố, bà Nguyễn Thị Vân – Trưởng Phòng Kinh tế, Phó Ban chỉ đạo chương trình cho biết, BCĐ Chương trình cấp thành phố được thành lập và không ngừng kiện toàn củng cố qua từng năm. Kế hoạch và chương trình công tác của BCĐ được xây dựng, triển khai thực hiện theo đúng lộ trình,  mục tiêu. Lãnh đạo các xã cũng đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, thành lập BCĐ, Ban phát triển cấp thôn, củng cố bộ máy của Ban quản lý xây dựng nông thôn mới. Các bộ phận giúp việc, hỗ trợ cho BCĐ từ thành phố đến các xã phường như Tổ tư vấn, Văn phòng điều phối Chương trình cũng được hình thành.

Công tác tuyên truyền, vận động được tăng cường với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt và sát hợp với cơ sở. Các xã Cẩm Thanh, Cẩm Hà tổ chức lễ phát động gắn với hội trại toàn dân, ký cam kết thi đua giữa các khu dân cư. Ngoài việc tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở với chương trình phát thanh hằng ngày hoặc các chuyên mục định kỳ, chính quyền các xã lồng ghép cuộc vận động xây dựng NTM thông qua các cuộc sinh hoạt, hội họp của các đoàn thể hoặc các hội thi như Nhà nông đua tài, Liên hoan nghệ thuật quần chúng… thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nội dung tuyên truyền cũng đa dạng và bám sát thực tiễn. Ngoài ý nghĩa, mục tiêu, nội dung yêu cầu, các xã còn giải thích, vận động nhân dân tự nguyện đóng góp bằng các hình thức hiến đất, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc để góp phần chỉnh trang nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, thực hiện công tác vệ sinh môi trường…

Khai trương Điểm đọc sách tại Bưu điện văn hóa xã Cẩm Thanh- Ảnh: Đỗ Huấn

UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các xã triển khai Chương trình như: xây dựng kế hoạch triển khai, lập quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới, đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, hướng dẫn quản lý, kiểm tra sử dụng vốn, phân bổ kinh phí… Mặt trận và các đoàn thể, các ngành có liên quan cũng như Phòng Kinh tế, Công an cũng đã xây dựng kế hoạch phối hợp hành động cụ thể, thiết thực. Bà Nguyễn Thị Vân cho biết: “Cùng với các chính sách, cơ chế của Trung ương và tỉnh, thành phố cũng đã ban hành một số cơ chế để huy động các nguồn lực tham gia thực hiện chương trình như ban hành quy định hỗ trợ ưu đãi đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố, quy định về thủ tục hành chính trong việc thẩm định phê duyệt đầu tư xây dựng cơ bản ở các xã thực hiện chương trình nông thôn mới, hỗ trợ phát triển sản xuất cho ngành nuôi trồng thủy sản theo đề án tam nông (giống, kiểm định giống, quan trắc môi trường ao nuôi…), hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm, dịch bệnh trên cây trồng, hỗ trợ bảo hiểm xã hội cho các HTX nông nghiệp, hỗ trợ bảo hiểm tai nạn cho cán bộ thú y viên ở cơ sở và phát triển sản xuất ở các địa phương có làng nghề. Bên cạnh đó, hằng năm thành phố tập trung ngân sách đầu tư cho từng địa phương, chú trọng những công trình bức thiết, thúc đẩy KTXH, lồng ghép đối ứng đầu tư cơ sở hạ tầng với tỉnh, với trung ương, riêng đã hỗ trợ cho công tác khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công gần 2 tỷ rưỡi đồng, lồng ghép đối ứng các công trình đầu tư phát triển trong 2 năm 2014 và 2015 khoảng 5 tỷ đồng.

Công tác đào tạo, tập huấn cũng được BCĐ thành phố chú trọng thường xuyên với 15 lớp đã được tổ chức có gần 500 lượt người tham dự. Qua đó đã tạo tiền đề cơ bản, điều kiện thuận lợi cho các thành viên BCĐ, các thành viên có liên quan tự tin triển khai các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chương trình.

Thực hiện chương trình, mỗi năm Phòng Kinh tế thành phố đã đầu tư trên 3 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân, ngư dân ở các xã thực hiện lồng ghép các chương trình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, xã Cẩm Hà cũng đã đầu tư 553 triệu đồng từ nguồn vốn phát triển sản xuất để thực hiện dự án áp dụng giống lúa mới trung và ngắn ngày, hỗ trợ quật giống cho hộ nông dân có thu nhập thấp, hỗ trợ giống rau cho nông dân Trà Quế. Còn ở xã Cẩm Thanh, từ các nguồn khác nhau chính quyền đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để triển khai mô hình trồng rau hữu cơ tại thôn Thanh Đông. Mô hình bước đầu phát huy hiệu quả tích cực, năng suất đạt gần 13 tấn/ha, bình quân thu nhập đạt 800 ngàn đồng/sào/tháng (không tính thu nhập từ bán vé tham quan cho du khách theo các tour). Phòng Kinh tế thành phố cũng đã triển khai cácmô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hỗ trợsản xuấtcho nông dân, ngư dân. Đáng chú ý làmô hình nuôi tu hài ở Tân Hiệp, nuôi tôm thẻ chân trắng theo qui trình mới sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi cua biển ở Cẩm Thanh, xây dựng mô hình nuôi nhím tại xã Cẩm Hà, nuôi heo rừng ở Tân Hiệp. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện mô hình chuyển đối cơ cấu cây trồng ở một số diện tích đất lúa không chủ động nước tưới, năng suất thấp chuyển sang sản xuất cây màu như bắp nếp, đậu hayphát triển các loại rau màu có giá trị kinh tế cao như: tần ô, cải…ở Cẩm Kim, tăng cường trồngcây xanh tại xã Tân Hiệp, trồng rừng ngập mặn ở Cẩm Thanh.

Đường quê buổi sớm mai- Ảnh: Đỗ Huấn

Trong 5 năm qua, tổng vốn từ ngân sách nhà nước các cấp và huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình đạt hơn 596 tỷ đồng. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn Hội An đã thay đổi đáng kể theo định hướng phát triển thành phố sinh thái – văn hóa và du lịch. Thu nhập bình quân đầu người ở 4 xã tính đến năm 2015 đạt hơn 25 triệu đồng, tăng gấp đôi so với năm 2010. Có 3 xã đạt tiêu chí thu nhập, riêng Cẩm Kim chưa đạt. Cả 4 xã đều đạt tiêu chí giảm hộ nghèo với tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4 xã còn 1,79% nhưng còn cao hơn mức bình quân của thành phố. Đến nay, xã Cẩm Thanh, xã Cẩm Hà đã hoàn thành 19/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia và đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, Tân Hiệp đạt 13/19 tiêu chí và Cẩm Kim 8/19 tiêu chí.

Trong giai đoạn tiếp theo (20156 – 2020), BCĐ xây dựng NTM của thành phố tiếp tục đầu tư để Cẩm Kim đạt các tiêu chí vào năm 2018 và Tân Hiệp vào năm 2020. Riêng cấp thành phố phấn đấu được công nhận vào năm 2018. Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND thành phố nói: “Năm 2016 và những năm tiếp theo chắc chắn sẽ khởi sắc hơn những năm qua vì chúng ta có thêm những công trình tạo được đột phá phát triển như điện Cù Lao Chàm, cầu Cẩm Kim, trạm xử lý nước thải Chùa Cầu… và đặc biệt là những định hướng sát hợp, chiến lược của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đã đề ra”

Mục tiêu chung là xây dựng nông thôn Hội An phát triển bền vững, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tập trung phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái có hiệu quả, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển dịch vụ, du lịch, làng nghề; hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ở vùng nông thôn.

Đỗ Huấn