Khi phát hiện ra đồng đất sản xuất lúa vụ Đông Xuân bị nhiễm mặn, vài ngày nay, bà con nông dân xã Cẩm Kim như ngồi trên đống lửa. Bởi ngay sau lũ rút, bà con đã lập tức cải tạo đồng ruộng, gieo sạ cho kịp thời vụ. Vậy mà đến nay đã gần 3 tuần, cây lúa mới dừng lại ở chiều cao hơn 1 cm, chỉ mọc được từ 1 đến 2 lá mầm rồi bị tim trắng và thối rễ, chết dần. Dẫn chúng tôi ra tận ruộng để xem, vợ chồng ông Võ Long, ở tổ 18, thôn Phước Thắng không khỏi ràu rỉ, buồn lòng vì 5 sào đất lúa Nhị ưu 88 của gia đình ông đã và đang chết dần từng ngày mà chưa có cách cứu chữa. Ông Long nói: “Lụt vừa rồi hoa màu mất trắng hết rồi. Bây giờ đến lúa sạ lại bị nhiễm mặn hư luôn nữa. Mất trắng lần ni coi như cũng thả tay luôn, khổ là có rồi đó. Không còn tiền, còn vốn để mua lại giống má, phân bón, thuê nhân công nữa. Mà chừ có làm lại cũng không được, thả trắng luôn đó. Ri là lúa chết, không lên nổi. Sạ mười mấy ngày rồi mà không phát triển, tim lần rồi chết. Đúng ra là chuẩn bị dặm đây mà ri thì thôi hết rồi, không lên được nữa”.
Là xã thuần nông, Cẩm Kim có 47 héc ta đất trồng lúa nước. Đến thời điểm này đã có khoảng 50% diện tích được gieo sạ. Tuy nhiên, theo quan sát bằng mắt thường của nhân dân, hầu hết các ruộng lúa đã gieo đều bị nhiễm mặn nên gần 3 tuần mà lúa không phát triển, đang chết dần. Không chỉ đồng Tú cao, đồng Tú thấp ở thôn Phước Thắng, tại nhiều thửa ruộng ở thôn Đông Vĩnh và Trung Châu, Trung Hà cũng đã bị nhiễm mặn. Có chân ruộng lúa chết phải đến 50% diện tích. Khi phát hiện ruộng nhiễm mặn, UBND xã Cẩm Kim đã thông báo cho các hộ dân phải tạm ngừng ngay việc ngâm giống gieo sạ ở các chân ruộng mới rút cạn nước. Nhà nào đã đổ giống ra ngâm thì tạm thời vớt ra, canh khô để ngăn lúa mọc mầm. Biết là trễ vụ nhưng đó là giải pháp cần thiết để hạn chế hư hại cho bà con. Còn về xác định nguyên nhân ruộng nhiễm mặn, ông Phan Trọng Nhân, Chủ tịch UBND xã cho hay:“Về xác định nguyên nhân thì anh em chúng tôi ban đầu cũng suy đoán thôi. Để có thể khẳng định phải kiểm tra hết sức cụ thể mới có cơ sở. Tình hình hiện nay rất là khó. Hoa màu hư rồi. Bây giờ thêm lúa như thế này thì quả là hết sức khó cho bà con. Hoạt động sản xuất nông nghiệp năm nay của Cẩm Kim chúng tôi như thế này là hết sức khó khăn rồi đây”.
Vợ chồng ông Võ Long- thôn Phước Thắng kiểm tra ruộng lúa bị nhiễm mặn- Ảnh: Lê Hiền
Ngay khi nhận được thông tin đồng ruộng Cẩm Kim bị nhiễm mặn, cuối tuần này, Phòng Kinh tế thành phố và UBND xã lập tức tổ chức buổi làm việc khẩn để nghe ý kiến góp ý của đại diện trường Cao đẳng Công Nghệ – Kinh tế và thủy lợi miền Trung cũng như các lão nông chi điền có nhiều kinh nghiệm, am hiểu về thổ nhưỡng, đất đai, mạch nước ngầm, sông ngòi bao quanh địa phương và tiến hành đo độ mặn đồng ruộng cũng như các hồ chứa nước Cẩm Kim, nhằm tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Kết quả đo độ mặn trong các ngày 12 và 13 tháng 1 cho thấy, trong khi ở sông (phía Hội An) độ mặn cho phép tưới cho lúa đều dưới 0,8 ‰ thì nhiều khu vực bên trong như trạm bơm Phước Thắng, Trung Hà, đập quay Trung Hà đều vượt cao so với ngưỡng cho phép, nhiều nơi độ mặn từ 1,6 đến 3,8‰, cá biệt, riêng trong bể xả trạm bơm Phước Thắng lên đến 5‰.
Lão nông Huỳnh Minh Huy, thôn Phước Thắng phân vân: “Năm 2016 khô hạn, nắng nóng trong lịch sử đến vậy mà vẫn không nhiễm mặn. Năm nay, mưa lụt vừa xong, tại sao lại dẫn đến hiện tượng này?Nước mặn đến nỗi nếm vào miệng là nhận biết ngay được. Và lúa bị hư hại do nhiễm mặn thì không chỉ lo về an ninh lương thực tại chỗ của bà con mà còn ảnh hưởng đến đàn gia súc của chúng tôi, bởi không có rơm rạ để chăn nuôi, cũng dẫn đến thiếu phân hữu cơ làm hoa màu. Như vậy sản xuất nông nghiệp của dân chúng tôi đã khó nay lại khó thêm”.
Theo nhận định của Phòng Kinh tế thành phố, hiện tượng nhiễm mặn đồng ruộng tại Cẩm Kim vào thời điểm này là hoàn toàn bất thường, trái quy luật tự nhiên. Bà Nguyễn Thị Vân, trưởng phòng Kinh tế lo lắng:“Cái vấn đề không phải là đưa ra vài trăm triệu hay một tỷ cho người nông dân mua lúa ăn giải quyết đời sống sau vụ Đông Xuân mà đó là cả một vấn đề kinh tế xã hội của địa phương. Và ảnh hưởng kéo dài đến nhiều năm sau. Do đó, trước tình hình cấp bách chúng ta phải kiểm tra ngay lại cái hồ để có hướng xử lý khẩn cấp, giảm thiểu độ mặn. Cái thứ 2 là phải tìm ra được nguyên nhân vì sao nó mặn trong hồ để có biện pháp lâu dài. Và trong khi khắc phục cái hồ là một quá trình, có khi lâu dài nên ta phải có biện pháp xử lý khác để cung cấp được nguồn nước tưới cho bà con đã và đang gieo sạ hiện nay. Còn trường hợp bất khả kháng thì phải thông báo cho bà con dừng gieo sạ”.
Như vậy, vừa qua khỏi trận lụt trong tâm thế mất trắng hoa màu thì nay, nông dân Cẩm Kim lại đối mặt một nỗi âu lo mới, đó là đồng ruộng nhiễm mặn, đe dọa an ninh lượng thực. Chắc chắn rằng, đời sống của bà con trong thời gian tới sẽ còn đó những khó khăn, rất cần sự tương trợ của cộng đồng.
Lê Hiền