Thương hiệu nào cho nông sản sạch ở Cẩm Kim?

Cẩm Kim là xã thuần nông, nằm bên kia phố cổ Hội An. Những năm gần đây, nông dân trong xã đang dần hướng đến sản xuất nông nghiệp “sạch”. Và để bền vững hướng đi này, bà con đang rất cần sự quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp cũng như sự hỗ trợ của các ngành chức năng, nhằm hình thành các mô hình sản xuất mới, đem lại hiệu quả kinh tế và thương hiệu nông sản “sạch” cho địa phương.

Chúng tôi đến Cẩm Kim vào một chiều hè, khi nhiều nông dân đã ra đồng để chăm tưới rau quả trên những thửa đất màu rộng lớn. Dù cái nắng cuối ngày đã dịu bớt nhưng mô hôi vẫn nhễ nhại, ướt đầm lưng áo bà con. Vừa làm, vừa trò chuyện với chúng tôi, ông Huỳnh Kim Thuần, một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở thôn Phước Thắng cho biết, với 9 nhân khẩu, lâu nay, gia đình ông được chia 7 sào đất lúa và 6 sào đất màu. Trên diện tích đất màu ấy, vợ chồng ông liên tục canh tác, từ trồng dưa hấu, đậu phụng, bắp nếp đến các loại rau củ quả thông thường như bí, khổ qua, đậu bắp, cà, rau muống, rau dền, rau lang, mồng tơi, cải… Vậy nên hầu như ngày nào gia đình cũng có nông sản để thu hoạch. Nhờ “tiếng lành đồn xa” khi trồng rau sạch bằng các loại phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục, lại hạn chế thuốc trừ sâu nên khi con gái ông Thuần mở sạp bán rau nhà tại chợ Cẩm Kim, bà con rất ưa chuộng, mua về sử dụng. Nói về nghề làm nông của mình, ông Thuần chia sẻ: “Mình phục vụ cho con người nên nếu dùng thuốc sâu nhiều thì sức khỏe không an toàn. Cho nên kể cả cây lúa cũng thế, thí dụ như khi cây lúa mới phát triển có sâu bọ thì còn có thể phun nhưng khi lúa đã bắt đầu làm đòng, trổ bông thì dù có hư cũng phải chấp nhận, chứ phun vô thì sau này mình sử dụng sẽ nguy hiểm. Kể cả cây rau cũng vậy. Muốn cho bà con người ta ăn ngon, tôi chỉ dùng phân bò và bánh dàu để rải cho rau và tưới nước mỗi ngày. Như vậy là rau vẫn xanh, vẫn mạnh”.

Nhiều nông sản sạch của nông dân Cẩm Kim cần thương hiệu hàng hóa nông nghiệp sạch- Ảnh: Lê Hiền

Cũng qua trò chuyện với ông Huỳnh Kim Thuần, chúng tôi được biết, nhiều năm nay, các nông dân làm đất màu giỏi ở Cẩm Kim như ông Đỗ Hữu Chính, Trần Ngọc Sơn, hay bà Nguyễn Thị Liêu… đều tập trung làm rau “sạch”. Trên những cánh đồng đất màu rộng lớn, mùa nào thức ấy, các hộ đều xen canh nhiều loại rau ăn lá, ăn quả. Có thời điểm, các cánh đồng ở thôn Phướng Thắng, Trung Châu, Trung Hà tựa như những chợ nông sản lớn, với hàng chục loại rau quả xanh tươi mơn mởn, trông rất bắt mắt. Ngoài tiêu thụ tại địa phương, bà con đã vượt cầu, chở rau sang chợ phố để bán.

Đáng phấn khởi là vậy song theo nhiều bà con ở Cẩm Kim, mặc dù cũng là sản xuất rau sạch nhưng thực tế, khi bán tại các chợ xa, rau sạch Cẩm Kim thường khó cạnh tranh về giá, bởi người mua chưa tường tận nên chưa thật sự tin tưởng lựa chọn. Vì vậy, bà con cho rằng, đó là một thiệt thòi, nhất là khi đem so với cách trồng rau sạch của các vùng nổi tiếng trên địa bàn thành phố như rau của làng Trà Quế, hay gần đây nhất là rau hữu cơ của thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh hoặc An Mỹ, phường Cẩm Châu. Ông Huỳnh Kim Thuần chia sẻ thêm: Cẩm Kim đất màu là chính nhưng đến bây giờ chưa hình thành được khu vực sản xuất sản phẩm sạch. Thực ra thì rau sạch Cẩm Kim có rất nhiều người làm nhưng sạch thì sạch với địa bàn Cẩm Kim ni thôi. Số bà con họ biết thì người ta sử dụng. Nhưng mà khi đem ra khỏi địa bàn Cẩm Kim người ta chưa biết nên người ta không tin tưởng. Đến chợ bán thì chẳng qua mình bán theo giá bình thường thôi, chứ còn không có thương hiệu. Giá cả thua người ta là thua nhiều mặt. Nên cái đó cũng khó. Giờ rau của Trà Quế đã vào đến siêu thị rồi. Rau sạch của chúng tôi ở đây cũng chỉ quanh quẩn được bà con trong xã tin dùng thôi, chứ đi ra khỏi xã, người mua chắc gì đã tin là sản phẩm sạch?”.

Nhờ tham gia các lớp IPM trên đồng ruộng, nhiều nông dân Cẩm Kim không phun thuốc sâu trên cây lúa khi có hệ thống thủy lợi tốt- Ảnh: Lê Hiền

Là xã thuần nông, Cẩm Kim hiện có hơn 230 héc ta đất sản xuất nông nghiệp, trong đó phần nhiều là đất màu. Thời gian qua, xã đã tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp đối với từng thôn, từ khâu làm đất, thủy lợi, đưa giống mới vào sản xuất đến hướng dẫn bà con chăm bón, thâm canh, phòng trừ sâu bệnh… Bên cạnh đó, địa phương đã tranh thủ nguồn lực của thành phố để cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng, nạo vét hồ nước, sửa chữa nâng cấp các tuyến kênh mương, kéo điện lưới ra đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất, nhất là làm rau màu. Ngoài ra, Cẩm Kim còn tích cực phối hợp với các ngành chuyên môn của thành phố tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chuyển gia kiến thức khoa học kỹ thuật để nông dân áp dụng, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng… Nhờ đó, bà con cũng thuận lợi hơn trong sản xuất, thường xuyên luân canh gối vụ, hạn chế tình trạng bỏ ruộng, kể cả mùa nắng hạn.

Tuy nhiên, theo hội nông dân xã, hiện tại nông dân địa phương cũng đang rất cần các mô hình nông nghiệp sạch để tạo thương hiệu cho nông sản, giúp bà con có thêm động lực và điều kiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định đời sống. Ông Lê Trung Tấn, Chủ tịch Hội nông dân xã nói: “Cách đây đã nhiều năm rồi, hội Nông dân đã phối hợp với các cấp các ngành mở nhiều lớp, ví dụ như lớp IPM trên đồng ruộng, lớp trồng rau màu sạch. Bà con tham gia rất nhiệt tình, rất hưởng ứng, đã mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, nhiều bà con cũng đang chuyển dần sang sản xuất nông nghiệp sạch. Cái mong muốn lớn nhất của bà con nông dân Cẩm Kim nói chung và của hội Nông dân xã là làm sao các cấp các ngành đầu tư hình thành các mô hình sản xuất tập trung, tạo thương hiệu “nông nghiệp sạch” để bà con tự tin, phấn khởi sản xuất nhiều loại rau màu sạch hơn nữa khi có thị trường tiêu thụ tốt, vừa bảo vệ môi trường, vừa giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân địa phương”.

Có thế thấy, với vùng đất thuần nông nằm sát bên phố cổ như Cẩm Kim, việc hình thành các mô hình nông nghiệp sạch không chỉ góp phần tạo thương hiệu hàng hóa cho nông dân mà còn đem đến cơ hội để địa phương thu hút du khách và phát triển du lịch làng quê sinh thái, đúng với định hướng chung của thành phố Hội An trong giai đoạn hiện nay.

Lê Hiền