Như chúng ta đã biết, kết thúc năm 2015 thành phố Hội An có 2 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới theo 19 tiêu chí quy định của quốc gia là Cẩm Thanh và Cẩm Hà. Nét nổi bật, tạo ra thành quả trong quá trình triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này ở mỗi địa phương là sự sáng tạo riêng biệt. Nếu Cẩm Thanh là sự xã hội hóa nguồn lực để đầu tư tạo động lực cho phát triển KTXH thì Cẩm Hà là sự huy động xã hội thực hiện giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho cư dân.
Nhớ lại quá trình triển khai chương trình, lãnh đạo xã Cẩm Hà cho biết: từ những ngày bắt đầu xây dựng nông thôn mới vào năm 2011, địa phương chỉ đạt 4 tiêu chí. Đến năm 2013 tổ chức lễ phát động cũng chỉ đạt 7 tiêu chí, năm 2014 nâng lên đạt được 13 tiêu chí. Riêng năm 2015 lãnh đạo xã đã đẩy nhanh tiến độ với sự hỗ trợ, giúp sức tích cực của BCĐ thành phố và các ngành chức năng nên cuối năm đạt cả 19/19 tiêu chí.
Là một địa phương có xuất phát điểm khá thấp so với các xã phường khác trong thành phố do điều kiện tự nhiên và lịch sử. KTXH gặp khó khăn, cơ sở hạ tầng hạn chế, thu nhập người dân thấp và thiếu ổn định. Đồng thời Cẩm Hà còn là nơi thành phố triển khai một số dự án dân sinh như khu kinh tế mới, khu giãn dân của các vùng dân cư khác… nên thực trạng cuộc sống cư dân trên cả địa bàn nảy sinh nhiều phức tạp. Do vậy, lãnh đạo xã Cẩm Hà xác định mục tiêu chính hàng đầu là phải đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống cả vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân.
Mỗi dịp tết đến, hoa cây cảnh Cẩm Hà bán ra thị trường thu về hàng chục tỷ đồng- Ảnh: Đỗ Huấn
Các đối tượng hộ nghèo được quan tâm chú ý trước tiên. Năm nào, lãnh đạo địa phương và các đoàn thể cũng tổ chức tham vấn, đối thoại trực tiếp với từng đối tượng để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng và tìm giải pháp thích hợp giúp các hộ nghèo phát triển kinh tế. Mỗi năm, UBND xã còn hỗ trợ 10 triệu đồng cho mỗi hộ để tạo điều kiện làm ăn, ổn định thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo. Ngoài các điều kiện mang tính phụ trợ nhằm tạo thuận lợi để các hộ thoát nghèo một cách bền vững, chính quyền còn vận động nhiều nguồn kinh phí của các cấp, các tổ chức, cá nhân để xóa nhà tạm cho 20 hộ nghèo với tổng số tiền hơn 360 triệu đồng. Bên cạnh đó, các chế độ an sinh xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng được chính quyền địa phương quan tâm thực hiện chu đáo. Năm 2011, toàn xã có 49 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,9% so với số hộ gia đình. Đến năm 2014 hạ xuống còn 7 hộ, đạt tỷ lệ 0,38%. Đến nay, toàn xã hiện còn 8 hộ nghèo (theo tiêu chí mới, có thu nhập cao hơn so với quy định cũ), trong đó có đến 6 hộ thuộc diện bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, những năm qua chính quyền xã còn quan tâm thường xuyên công tác phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi cho bà con nông dân. Bằng các nguồn vốn từ ngân sách và các chương trình phát triển kinh tế xã hội, chính quyền đầu tư hỗ trợ giống, con vật nuôi, vốn vay, giải quyết việc làm để nhân dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Cùng với việc hỗ trợ các giống lúa, nông sản chất lượng cao, cho năng suất và hiệu quả trong sản xuất, chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng đến các hoạt động khuyến nông cho nghề trồng hoa cây cảnh và làng rau truyền thống Trà Quế kết hợp với phát triển du lịch thương mại để nâng cao thu nhập cho người dân. Được xem là nơi xuất xứ nghề trồng quật ở miền Trung trong gần 100 năm qua, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 455 hộ trồng quật và hoa cây cảnh với hơn 65ha, trong đó có khoảng 50.000 cây quật chậu cùng hơn 155.000 cây quật đất, hàng năm mang lại cho người dân nơi đây nguồn thu nhập hàng chục tỷ đồng. Riêng doanh thu từ nghề mang tính đặc thù này của địa phương trong dịp tết Bính Thân vừa qua đạt khoảng 25 tỷ 750 triệu đồng. Thu thêm từ các loại nông sản và chăn nuôi khác cũng đạt gần 1 tỷ đồng. Ông Ngụy Như Mười – Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà chia sẻ kinh nghiệm, đó là nhờ chủ động đẩy mạnh xã hội hóa và phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát huy vai trò chủ thể và huy động nguồn lực của người dân theo nguyên tắc tự nguyện, tập trung phát triển sản xuất gắn với cơ cấu ngành nghề nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng, nâng sức cạnh tranh của nông sản gắn với xây dựng thương hiệu hàng hóa, ưu tiên đối với sản phẩm rau Trà Quế và hoa cây cảnh các loại.
Làng rau truyền thống ở Trà Quế tiếp tục được nâng cấp, khai thác để tăng thu nhập cho người dân- Ảnh: Đỗ Huấn
Từ chỗ thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 13 triệu đồng vào năm 2011 đến cuối năm 2015 Cẩm Hà đã tăng hơn gấp đôi, đạt xấp xỉ 27 triệu đồng là kết quả đáng biểu dương. Trong những năm tới, Cẩm Hà tiếp tục chuyển đổi mạnh cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng há, khai thác và tận dụng tốt lợi thế của địa phương về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, xây dựng phương thức sản xuất đa dạng, phù hợp với thực tế như trồng hoa cây cảnh, trồng rau sạch, rau hữu cơ nhằm nâng cao hơn nữa năng suất lao động, giá trị sản phẩm và thu nhập của người dân. Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND thành phố trao đổi: “Chúng ta đang có một làng nghề, một làng rau đang rất nổi tiếng và nghề kinh doanh cây quật cũng rất nổi tiếng, mang lại nguồn thu chủ yếu cho nông dân, đảm bảo đời sống và tái sản xuất nhưng các chương trình đang làm không mang tính ổn định và bền vững. Bây giờ chúng ta tính nâng cấp vườn rau, bằng cách đăng ký một chương trình nâng cấp làng rau an toàn lên chuyên sản xuất rau sạch theo chương trình VietGap, được không? Tại sao chúng ta chỉ dừng lại ở mức độ rau an toàn”.
Muốn vậy, Cẩm Hà phải chú trọng và nhanh chóng lập quy hoạch phát triển đúng hướng, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, phục vụ phát triển bền vững.
Đỗ Huấn