Hội An có gần 600 lao động làm hàng thủ công mỹ nghệ. Mỗi người thợ dù ở độ tuổi nào trông họ cũng căng tràn sức xuân, giàu đức kiên nhẫn và tính cẩn thận. Tiếp xúc với ai tôi cũng bắt gặp niềm đam mê với ước muốn thổi hồn sản phẩm làm ra của mình ngày càng phong phú đa dạng và đạt đích cuối cùng chất lượng sản phẩm làm ra.
“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao” đã trở thành hiện thực của ba chàng trai trẻ gồm Trương Tấn Thọ, Lê Thanh Hà và Trần Quang Thắng khởi nghiệp thành công bằng hàng thủ công mỹ nghệ làm từ chất liệu lá dừa nước. Sự kết hợp giữa đam mê với nhiệt huyết của 3 sức lực trẻ này đã cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật từ giấy dừa, góp phần bảo tồn những giá trị truyền thống của cha ông, tạo sự mới lạ, riêng có. Đến không gian sản xuất vườn giấy Việt tại 100/2 đường Lý Thường Kiệt, điểm trưng bày ở Trần Phú hay gian hàng trưng bày tại Hội xuân Đinh Đậu tại đường Thái Phiên, du khách có thể chiêm ngưỡng và chọn mua cho mình những cảnh đẹp của phố cổ Hội An nói riêng và các cảnh đẹp của đất nước thu nhỏ qua họa tiết rất tinh xảo trên từng sản phẩm làm bằng chất liệu thân thiện với môi trường của các bạn. Xuân2017 nhóm thợ trẻ này có kế hoạch chế tác ra những mặt hàng lưu niệm thủ công mỹ nghệ độc đáo bằng chất liệu bột cây dâu tằm.
Trương Tấn Thọ – Chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ bằng nguyên liệu lá dừa- Ảnh: Hoàng Ngân
Những ngày giáp Tết Đinh Dậu vừa qua, hai bạn về quê, mình Thọ điều hành mọi việc kinh doanh của nhóm. Tất bật nhưng Trương Tấn Thọ vui vẻ chia sẻ tâm huyết: Tụi em dựa vào chất liệu sẵn có tại chỗ, thấy được nguyên liệu cây dừa nước có thể áp dụng vào thực tế sản xuất, nhóm đã nghiên cứu tạo ra chất liệu bột giấy, từ đó làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ theo trục chiều văn hóa của Hội An có từ xưa đến giờ, phù hợp mục tiêu xây dựng thành phố sinh thái văn hóa của thành phố. Làm gì thì làm nhưng tụi em cố giữ được bản sắc ngành hàng thủ công mỹ nghệ riêng có để khi thấy sản phẩm nầy bất cứ ở đâu người ta cũng nhìn nhận ra ngay đây là sản phẩm của Hội An.
Anh Trương Tấn Long, ba của Thọ, xem hai bạn Hà, Thắng như con của mình. Theo dõi con đường sự nghiệp của các con trẻ, hơn ai hết, anh đã chứng kiến cảm nhận những thành công và bộc bạch quan điểm mục tiêu sản xuất chế tác của các con là hoàn toàn bằng thủ công, không dùng hóa chất và rất coi trọng yếu tố môi trường, sức khỏe cộng đồng, không đặt nặng lợi nhuận.
Còn Võ Tấn Tân, một trong những thợ sáng giá hàng thủ công mỹ nghệ của làng nghề tranh tre Cẩm Thanh.
Năm qua, trên các trang báo viết hay trên trang mạng xã hội Facebook độc giả khắp nơi phục nể sự say mê, sáng tạo, liên tục cho ra nhiều sản phẩm độc, lạ từ tre – nguyên liệu rất thân thiện với môi trường. “Biểu tượng tre” Việt Nam thông qua minh trí, sáng tạo và tinh tế của Tân đã chinh phục nhãn quan của du khách trong và ngoài nước. Những chiếc xe đạp tre do Tân làm ra không chỉ được các đoàn khách lăn bánh du ngoạn trên các nẻo đường Hội An mà đã chính thức băng băng xuyên Việt và thong dong trên các cung đường ở phương Tây.
Võ Tấn Tân với đa dạng hàng hóa từ tre- Ảnh: Hoàng Ngân
Còn tại phố đèn lồng Nguyễn Hoàng, có một kiốt đèn lồng do Nguyễn Văn Thanh làm chủ. Có dịp qua đây dù ban ngày hay ban đêm, nếu ai để ý quan sát một chút thì bắt gặp hình ảnh anh thợ đèn lồng này luôn miệt mài làm ra những chiếc đèn lồng xinh xinh. Sức xuân của nghề luôn tuôn chảy trong con người nhỏ nhắn của anh suốt 15 năm qua. Đi qua phố đèn lồng ai cũng dừng chân chiêm ngưỡng và chọn mua những đèn lồng đẹp làm kỷ niệm do chính anh làm ra.
Quan tâm theo dõi bước phát triển của ngành tiểu thủ công nghiệp Hội An, cảm nhận sức xuân của những người thợ thủ công mỹ nghệ trong năm 2016, đặc biệt là từ những đổi thay trong việc nối nghề truyền thống của các tay thợ trẻ, bà Nguyễn Thị Xuân Vui ( Phó phòng kinh tế Hội An) cho rằng: năm qua là năm ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ đón nhận được nhiều niềm vui nhất từ trước đến nay. Nhiều lao động trẻ đã quay về quê hương nối nghề truyền thống của cha ông. Thợ có tay nghề giỏi lâu năm được Nhà nước ghi nhận phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú. Lãnh đạo thành phố cũng đang tạo điều kiện về mặt bằng để các thợ trẻ tài năng có “đất “ sáng tạo, làm nên những sản phẩm mang đậm nét văn hóa truyền thống của quê hương và thân thiện với môi trường.
Sự tôn vinh, tinh thần “chiêu hiền đãi sĩ “của Hội An về những người âm thầm lặng lẽ tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo của Hội An đã rộng mở sẽ là môi trường, chất xúc tác hữu nghiệm để những khối óc, đôi tay tài hoa của các người thợ tăng thêm cung bậc sức xuân, tung cảm hứng trong sáng tạo, gìn giữ giá trị nghề truyền thống của cha ông đi mãi cùng Xuân.
Hoàng Ngân