Đề án xây dựng Hội An – Thành phố sáng tạo giai đoạn 2024-2027, định hướng đến năm 2030 được HĐND TP.Hội An khóa XII thông qua là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện hiệu quả các cam kết khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cũng như đề xuất và vận dụng các chính sách để biến văn hóa thành nguồn lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững.
Trên cơ sở đánh giá tài nguyên, tiềm năng, lợi thế và căn cứ vào định hướng chiến lược phát triển, tiếp thu ý kiến tham vấn của các chuyên gia, TP.Hội An đã lựa chọn lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian để tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO”.
Ngày 31/10/2023, Hội An chính thức trở thành thành viên của mang lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Hồ sơ của Hội An tham gia vào mạng lưới thể hiện rõ các cam kết sâu rộng và lâu dài, với các sáng kiến dựa trên nghề thủ công và nghệ thuật dân gian.
“Việc triển khai thực hiện các nội dung trong hồ sơ cam kết khi gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là yêu cầu bắt buộc. Do vậy việc xây dựng Đề án sẽ cụ thể hóa các nội dung cam kết bằng các dự án, chương trình, kế hoạch để triển khai thực hành một cách đồng bộ và chủ động, cả giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài”, bà Trương Thị Ngọc Cẩm – Giám đốc Trung tâm VH-TT & TT-TH TP.Hội An cho biết.
Theo nội dung Đề án xây dựng Hội An – Thành phố sáng tạo giai đoạn 2024-2027, định hướng đến năm 2030 trình tại kỳ họp thứ 12, HĐND TP.Hội An khóa XII vừa qua, đến năm 2027, Hội An phấn đấu hoàn thành đạt hiệu quả các sáng kiến cấp địa phương, cấp quốc tế và các nội dung đã cam kết tại hồ sơ ứng cử gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Giá trị sản xuất ngành văn hóa sáng tạo trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian gắn kết với hoạt động du lịch tăng bình quân 5%/năm, tổng lượt khách tham quan các làng nghề truyền thống tăng bình quân 10%/năm, nghề thủ công đạt doanh thu khoảng 450 tỷ đồng/năm.
Đồng thời, hoàn thiện ít nhất 4 không gian sáng tạo tại các làng nghề đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; thành lập 13 câu lạc bộ văn nghệ dân gian tại 13 xã, phường với quy chế hoạt động, chế độ hỗ trợ cụ thể; thành lập câu lạc bộ “Hội An – Ngôi nhà sáng tạo”, các câu lạc bộ sáng tạo trên từng lĩnh vực, ngành nghề, loại hình hoạt động.
Phấn đấu 3 nghề truyền thống/làng nghề truyền thống, loại hình văn nghệ dân gian được công nhận cấp tỉnh và quốc gia, 3 nghệ nhân ưu tú, 5 nghệ nhân được công nhận là thợ giỏi; có ít nhất 2 nghệ sĩ ưu tú trên lĩnh vực nghệ thuật dân gian.
Tiếp đó, mục tiêu đến năm 2030 là đầu tư hoàn thiện các không gian văn hóa sáng tạo gắn với dịch vụ du lịch và tổ chức các sự kiện. Giá trị sản xuất ngành văn hóa sáng tạo trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian gắn kết với hoạt động du lịch tăng bình quân 10%/năm, tổng lượt khách tham quan các làng nghề tăng bình quân 15%/năm, nghề thủ công đạt doanh thu khoảng 500 tỷ đồng/năm.
Thành lập các câu lạc bộ văn nghệ dân gian tại 03 cấp trường học với việc xây dựng kế hoạch đào tạo, chế độ hỗ trợ cụ thể cho các câu lạc bộ hoạt động hiệu quả. Có ít nhất 2 nghệ nhân trên lĩnh vực nghệ thuật dân gian, 2 nghệ nhân nghề truyền thống được công nhận nghệ nhân ưu tú, 10 lao động được công nhận là thợ giỏi.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An trao đổi: “Tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO làm cho danh tiếng của Hội An được nâng cao, định hướng phát triển ngày càng bền vững và hiệu quả hơn. Đồng thời cũng phát huy được thế mạnh của Hội An và học hỏi được nhiều kinh nghiệm của các thành phố tiên tiến trên thế giới”.
Để thực hiện các mục tiêu của Đề án xây dựng Hội An –Thành phố sáng tạo, các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sẽ được TP.Hội An triển khai gồm đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về xây dựng “Hội An thành phố sáng tạo”; quy hoạch và huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa tạo điều kiện thực hành sáng tạo; đề xuất, triển khai thực hiện cơ chế, chính sách cho hoạt động sáng tạo.
Cạnh đó, nghiên cứu phát triển văn hóa sáng tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển thành phố sáng tạo; phát triển sản phẩm chất lượng cao, mở rộng thị trường văn hóa sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo; mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế.
“Sau khi được gia nhập vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO, chúng ta phải tiếp tục nỗ lực, không ngừng sáng tạo. Nguồn lực để thực hiện Đề án giai đoạn 2024-2027 là khoảng 44 tỷ đồng và không phải hoàn toàn từ ngân sách nhà nước mà được vận dụng, lồng ghép vào các chương trình, dự án khác và nguồn xã hội hóa. Nhà nước sẽ đóng vai trò hỗ trợ để thúc đẩy cộng đồng sáng tạo”, ông Trần Ánh – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Hội An nói.
PHAN SƠN