Sản xuất công nghiệp giữa lòng thành phố sinh thái

Kết thúc giai đoạn 1 (tính đến năm 2016) thực hiện đề án “Xây dựng thành phố sinh thái”, Hội An không đạt được các tiêu chí cơ bản như kỳ vọng. Thống kê sơ bộ, thành phố đã đạt 20/37 chỉ tiêu, chưa đạt 8/37 chỉ tiêu, chưa xác định được 9/37 chỉ tiêu do chưa có công cụ đánh giá. Trong đó, theo đánh giá của UBND thành phố là các ngành sản xuất CN-TTCN chưa được chú trọng phát triển đúng mức, hệ thống khu – cụm CN, TTCN chậm hình thành dẫn đến tình trạng các hoạt động sản xuất diễn ra nhỏ lẻ và không có hệ thống, gây ô nhiễm môi trường cho khu dân cư. Báo cáo mới đây nhất của Ban KTXH HĐND thành phố do bà Huỳnh Thị Kim Dung – Trưởng Ban trình bày tại kỳ họp thứ 3 vừa qua cho biết: hiện trên địa bàn thành phố có 1313 cơ sở, hộ cá thể đangg sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nằm xen kẽ trong các khu dân cư của thành phố. Tuy chưa kiểm định mức độ ô nhiễm của từng cơ sở sản xuất song có thể nói các cơ sở ngành nghề TTCN ít nhiều đã ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt của cộng đồng dân cư.

Hồ chứa nước khu vực Chùa Cầu bị ô nhiễm do lượng nước thải từ các cơ sở sản xuất kinh doanh ở

trung tâm thành phố- Ảnh: Đỗ Huấn

Thực tế, trong nhiều năm qua thành phố cũng đã có nhiều nỗ lực và biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo để ngành CN-TTCN “sản xuất sạch”. Trong 10 năm qua (tính đến cuối năm 2015), UBND thành phố đã hỗ trợ hơn 228 triệu đồng cho các hoạt động ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghiệp vào sản xuất. Qua đó đã hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất đầu tư xây dựng 2 lò đốt gốm thủ công cải tiến (giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiêu hao năng lượng), sửa chữa và xây dựng 5 lò đốt gốm thủ công truyền thống, giải quyết cơ bản nhu cầu đốt sản phẩm gốm cho các cơ sở, hộ sản xuất tại làng nghề, hỗ trợ đầu tư máy gọt tinh sản phẩm gốm, máy nghiền đất sét giúp tăng năng suất lao động, hoàn thiện sản phẩm trước khi nung. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã triển khai phương pháp xử lý nguyên liệu tre chống mối, mọt, mốc để nâng cao chất lượng sản phẩm đèn lồng và tre mỹ nghệ của một số cơ sở, khuyến cáo các cơ sở khác áp dụng để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Dung – Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Thành phố nhất quán không chủ trương phát triển công nghiệp với quy mô lớn tại Hội An, chỉ tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành TTCN phát triển, tạo ra các sản phẩm phục vụ du lịch, qua đó giải quyết việc làm cho nhiều lao động và tạo thu nhập ổn định cho nhân dân. Đến nay nhiều sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường”

Sản xuất lồng đèn tại gia đình phát triển ở các khu dân cư- Ảnh: Đỗ Huấn

Chú trọng thực hiện chính sách thu hút đầu tư tại các cụm công nghiệp nhưng thành phố luôn chọn lọc, ưu đãi các dự án sản xuất, gia công, chế biến sạch, thân thiện với môi trường. Tính đến nay, UBND thành phố đã đầu tư gần 24 tỷ 275 triệu đồng thực hiện bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng, tái định cư và xây dựng cơ sở hạ tầng tại cụm công nghiệp Thanh Hà. Tổng diện tích cụm công nghiệp khoảng 30,3 ha đã được bố trí, sử dụng gần 94% với 13 doanh nghiệp đăng ký thuê đất và đi vào hoạt động. Trong đó có 7 doanh nghiệp, cơ sở di dời từ khu dân cư đã đi vào sản xuất kinh doanh ổn định. Riêng cụm công nghiệp – TTCN Tân An có quy mô 6,6 ha đã có 3 doanh nghiệp đi vào hoạt động là: Công ty May Hòa Thọ, Cty CP XDGT Quảng Nam và Cty CP Tơ lụa Quảng Nam.

Tuy vậy, thực trạng sản xuất TTCN gây ô nhiễm môi trường vẫn chưa khắc phục được, gây bức xúc đối với nhân dân. Cụm công nghiệp Thanh Hà vẫn chưa hoàn thiện đầu tư về cơ sở hạ tầng, hạn chế về số lượng cơ sở sản xuất cần di dời vào. Nhận thức rõ tác hại khôn lường, lãnh đạo thành phố đang tìm giải pháp khắc phục cấp bách. “Trong năm nay sẽ tiếp tục đầu tư cho hạ tầng cụm công nghiệp giai đoạn 2 và tập trung thông qua báo cáo đề án di dời các doanh nghiệp, các hộ sản xuất thủ công mỹ nghệ nằm trong phố cổ là 1 và nằm trong các khu dân cư là 2 để tránh ô nhiễm môi trường”, ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND thành phố nói.

Định hướng của thành phố trong thời gian tới là: phát triển tiểu công nghiệp – thủ công nghiệp gắn với phục vụ du lịch, đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ và đảm bảo chất lượng môi trường sinh thái. Ưu tiên phát triển đa dạng các ngành nghề TTCN, tạo sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, phục vụ phát triển du lịch. Chú trọng tăng chất lượng sản phẩm TTCN, đẩy mạnh phát triển sản xuất các làng nghề truyền thống nhằm tạo ra những sản phẩm thể hiện đậm đà sắc thái địa phương; đồng thời phải gắn chặt nhiệm vụ sản xuất với xây dựng thành phố theo hướng sinh thái – văn hóa và du lịch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Đỗ Huấn