Trong năm 2018, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn TP.Hội An tiếp tục thu đạt nhiều thành quả quan trọng nhờ gắn liền với thực tiễn cuộc sống, giữ gìn bản sắc văn hóa và hướng đến phát triển kinh tế du lịch.
Du khách khám phá làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà- Ảnh: Đỗ Huấn
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn TP.Hội An có tổng cộng 1.406 di tích, trong đó có 1.130 di tích trong khu phố cổ và 276 di tích ngoài phố cổ. Theo luật định, số di tích được chia thành 4 loại hình gồm: di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh. Cùng với đó là giá trị di sản văn hóa phi vật thể phong phú gắn với di tích cũng như trong đời sống văn hóa của nhân dân. Nhìn chung, từng di tích và cả di sản văn hóa Hội An đã được chăm nom, quản lý và phát huy ngày càng hiệu quả nhờ sự chỉ đạo chặt chẽ của chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị, đoàn thể và sự chung tay hỗ trợ của cả cộng đồng, đặc biệt là vai trò của các chủ di tích, đại diện chủ di tích… “Đây là kết quả của một quá trình phấn đấu lâu dài, chủ động sáng tạo, linh hoạt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, đặc biệt là những người chủ di tích trong việc đề ra hướng đi phù hợp cho việc phát triển KTXH bền vững và bảo tồn di sản. Thực tế cho thấy rằng, trong những năm qua chúng ta đã bảo vệ và phát huy khá tốt giá trị của khu phố cổ. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị cổ Hội An đã trở thành điểm sáng, được UNESCO vinh danh và được nhiều địa phương trong nước nghiên cứu, học tập”, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND thành phố nói.
Trong năm, Trung tâm QLBTDSVH Hội An đã tham mưu cho UBND thành phố thành lập được Tổ quản lý di tích cho 10 di tích xếp hạng cấp quốc gia, đề nghị chỉ đạo UBND các xã phường thành lập Tổ quản lý cho 89 di tích thuộc thẩm quyền của địa phương. Đến nay có 7/13 xã phường là Cẩm Nam, Cẩm Châu, Cẩm An, Cửa Đại, Sơn Phong, Tân Hiệp và Cẩm Kim đã thực hiện xong, góp phần củng cố, kiện toàn đội ngũ quản lý di tích ở địa bàn dân cư, tập trung là di tích thuộc sở hữu cộng đồng. Gắn công tác quản lý với phát huy giá trị các di tích trong hoạt động du lịch cộng đồng, các cấp chính quyền thành phố và ngành chức năng cũng đã xây dựng nội dung và triển khai làm 72 bảng nội quy dựng đặt tại các di tích để phục vụ nhân dân và du khách.
Du khách tham quan, tìm hiểu nhà cổ Hội An- Ảnh: Đỗ Huấn
Với hướng nhìn lâu dài và từng bước mở rộng không gian du lịch văn hóa ra vùng ven, Trung tâm QLBTDSVH đã thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố hoàn thành việc lập hồ sơ để trình xếp hạng di tích cấp tỉnh cho Khu phố mang dấu ấn kiến trúc Pháp trên đường Phan Bội Châu; triển khai khai quật 2 di tích khảo cổ học (trong đó có 1 di tích phục vụ thực hiện dự án quy hoạch phát triển đô thị của thành phố – đó là di tích Ruộng Đồng Cao nằm trong dự án quy hoạch khu dân cư Xuân Lâm – Tu Lễ – Xuân Hòa) và đề xuất phương án bảo tồn cho 8 di tích khác cũng nằm trong dự án quy hoạch. Bên cạnh đó, Trung tâm đã thực hiện điều tra, khảo sát về làng gốm Thanh Hà nhằm tạo cơ sở dữ liệu khoa học và đề xuất định hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa làng; đồng thời đã đầu tư, lắp đặt bản đồ phân bổ, bảng chỉ đường đi đến, bảng thuyết minh thông tin di tích trên địa bàn phường Cẩm An, Cẩm Nam, xã Cẩm Hà, Tân Hiệp…
Công tác khảo sát, nắm bắt tình hình tại các di tích cũng được chú trọng thường xuyên. Qua đó, chính quyền thành phố đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những vấn đề phát sinh như: môi trường vệ sinh không đảm bảo, sử dụng không gian bất hợp lý, xuống cấp hạng mục di tích… Trung tâm cũng đã thực hiện phục chế 1 Bằng di tích xếp hạng cấp quốc gia của đình Sơn Phong, 1 Bằng di tích xếp hạng di tích cấp tỉnh của lăng Trà Quân (xã Cẩm Thanh) và tham mưu cấp lại giấy chứng nhận cho 17 di tích bảo vệ của thành phố bị hư hỏng; chống đỡ 4 di tích xuống cấp trước mùa mưa bão, bổ sung 6 di tích xuống cấp vào danh mục đầu tư giai đoạn 2016 – 2020; sơn kẻ bia, quét vôi bia thông tin của 54 di tích thuộc các loại hình. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, thành phố đã chính thức trình 2 hồ sơ để cấp thẩm quyền xem xét, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho nghề gốm Thanh Hà và lễ hội tết Trung thu
Ở vùng ven đô, công tác phát huy giá trị di tích được thể hiện chủ yếu qua hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương. Đặc biệt bộ phận di tích cộng đồng ngày càng trở thành thiết chế văn hóa tín ngưỡng quan trọng trong đời sống nhân dân, được chăm nom thường xuyên, duy trì cúng tế theo phong tục truyền thống. Một số địa phương còn chú trọng trong định hướng phát triển kinh tế lồng ghép với phát huy thế mạnh di sản trong hoạt động du lịch – dịch vụ, trong đó trọng điểm là các làng nghề truyền thống: gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, rừng dừa Bảy mẫu, danh thắng bãi tắm Cửa Đại, An Bàng, các di tích và danh thắng xã đảo Tân Hiệp… Ông Trần Ánh – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cho rằng, phải cố gắng phát huy truyền thống này, làm cho văn hóa, làm cho khu phố cổ Hội An, làm cho các di tích ở vùng ven nói chung trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển. “Chúng ta đã không chọn công nghiệp, không chọn ngư nghiệp, không chọn nông nghiệp làm mũi nhọn bởi lẽ chúng ta có một lợi thế hơn hẳn, đó là những giá trị di sản, không những là giá trị văn hóa mà còn là giá trị thiên nhiên. Thiên nhiên và con người đã ưu ái ban tặng cho chúng ta. Vì vậy chúng ta có điều kiện phát triển rất tốt”, ông Ánh nói.
Tựu trung có thể nói, khu phố cổ vẫn được gìn giữ, phát huy tốt. Các di tích đơn lẻ ở vùng ven ngày càng gắn chặt với đời sống văn hóa của nhân dân, đóng góp tích cực vào việc phát triển du lịch của địa phương nhưng vẫn còn đó những nỗi lo về sự xuống cấp của di tích chưa kịp thời khắc phục, đầu tư tu bổ; công tác vệ sinh môi trường, tôn tạo cảnh quan chưa được chú trọng; phương châm xã hội hóa nguồn lực đầu tư phát triển chưa thực sự hiệu quả; còn đến 6 xã phường chưa thành lập Tổ quản lý di tích tại địa phương dù tính đến cuối năm 2018 đã trôi qua hơn 3 tháng triển khai, đôn đốc nhắc nhở…
Đỗ Huấn