Phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân từ thành phố đến xã, phường đã phối hợp triển khai hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng thành công nông thôn mới.
Nhờ sự đồng tình hưởng ứng của cán bộ, hội viên nông dân, “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn thành phố ngày càng nhân rộng và phát triển, nhiều hộ nông dân đã vươn lên, làm giàu chính đáng.
Từ năm 2011 đến nay, toàn thành phố có hơn 11 nghìn hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; gần 80 hộ nông dân được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo; đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ngày càng cải thiện. “Từ phong trào này, đã xuất hiện nhiều hộ nông dân tiêu biểu, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn, nhất là mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch đã mang lại thu nhập cao cho nông dân, như: Hộ ông Trần Quốc Tuấn (Cẩm Hà), ông Lê Ngân và Đỗ Đây (Cẩm Thanh), bà Võ Thị Lẹ (Cẩm Châu), ông Trần Văn Khoa, Đặng Nuôi (Cửa Đại), ông Đinh Phú Thuận (Cẩm An)…”. Ông Huỳnh Kim Hồng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố, nói.
Để giúp các hội viên nông dân thực hiện phong trào sản xuất kinh doanh giỏi hiệu quả, Hội nông dân thành phố đã phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn nông dân tham gia tái cơ cấu lại nông nghiệp. Hội Nông dân xã Cẩm Kim đã vận động triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng đất màu tại một số cánh đồng; Hội Nông dân xã Tân Hiệp, phường Cẩm Nam đã định hướng, khoanh vùng để phát triển rau rừng cũng như cây bắp nếp truyền thống. Các địa phương như Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Cầm Hà, Cẩm Kim nhân rộng và phát triển các mô hình trồng rau hữu cơ.
Hội Nông dân thành phố trao tặng nhà tình nghĩa cho hội viên nghèo- Ảnh: Mỹ Lệ
Phong trào vận động xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân được chú trọng. Toàn thành phố vận động hơn 2 tỷ đồng và đã giải quyết cho hơn 160 lượt hộ vay. Ngoài ra, Hội đã vận động hơn 210 triệu đồng hỗ trợ cho hội viên khó khăn, cận nghèo; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa cho 2 hộ nông dân nghèo tại xã Cẩm Thanh và xã Cẩm Hà với 50 triệu đồng mỗi hộ. Các cấp Hội còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để các hộ nông dân nghèo, cận nghèo vay vốn, đến nay số dư nợ hơn 30 tỷ đồng.
Có thể thấy, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và hỗ trợ giúp nhau xóa đói giảm nghèo” trên địa bàn thành phố đã góp phần làm thay đổi cơ bản diện mạo đời sống ở nông thôn, khơi dậy trong mỗi gia đình hội viên ý chí vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Không chỉ thi đua sản xuất và kinh doanh giỏi, Hội Nông dân các cấp cũng đã triển khai hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới, như: thực hiện tốt công tác thu gom phân loại, xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh môi trường ở khu dân cư; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức 24 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho hơn 2.000 lượt nông dân; vận động nông dân tích cực đóng góp sức người, sức của xây dựng, mở rộng các tuyến giao thông nông thôn, kênh mương và giao thông nội đồng, nổi bật là Hội Nông dân xã Cẩm Thanh đầu tư hơn 1 tỷ đồng thi công các tuyến giao thông nông thôn.
Đặc biệt, chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP” đã giúp cho những sản phẩm nông nghiệp truyền thống của Hội An được biết đến như một “sản vật” không thể tách rời với cuộc sống cộng đồng và góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới như: Đĩa chùa cầu, Nước mắm truyền thống Tư Tài, Sợi mì cao lầu Tô Văn Bình và bánh đậu xanh bà Bông; Đèn lồng Hội An, Trà rừng Cù Lao Chàm, Tương ớt mè Daichi.
Bánh đậu xanh bà Bông được công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao – Ảnh: Mỹ Lệ
Được biết, năm 2020, thành phố sẽ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), với các mục tiêu xã Cẩm Kim đạt chuẩn nông thôn mới, xã Cẩm Thanh và xã Cẩm Hà được tái công nhận xã NTM và đạt chuẩn xã NTM nâng cao; xã Tân Hiệp giữ vững đạt chuẩn NTM và đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Để triển khai hiệu quả nhiệm vụ này, Hội Nông dân các cấp cũng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền, mặt trận và các đoàn thể.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy – Lê Chơi đã nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng nông thôn mới, trong đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn, làm sao cuộc sống của người dân nông thôn ngày càng nâng cao; xây dựng miền quê đáng sống, xanh-sạch -đẹp; phát triển, xây dựng nông thôn mới phải gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa, xây dựng làng quê mộc mạc nhưng phát triển văn minh; xây dựng hệ thống chính trị ở nông thôn đảm bảo vững mạnh”.
Năm 2020, Tân Hiệp phấn đấu giữ vững đạt chuẩn NTM và đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu– Ảnh: Minh Anh
Nhìn chung, Hội nông dân các cấp đã phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với chính quyền địa phương phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Song, để thích nghi trong điều kiện hiện tại của Hội An và xu thế phát triển chung thì Hội Nông dân phải tăng cường xây dựng, tập hợp, vận động quần chúng phát triển nông nghiệp để tạo sự đồng thuận mạnh mẽ trong lực lượng nông dân. Mặt khác, cần bám sát định hướng phát triển của thành phố Hội An để gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo sản phẩm mới gắn hoạt động du lịch trải nghiệm trong sản xuất nông nghiệp.
Mỹ Lệ