Nông dân Cẩm Châu: Làm theo Bác, giúp nhau phát triển kinh tế

Ông Phan Văn Liêu – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết, trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững ở Hội An đã xuất hiện nhiều cơ sở Hội và các cá nhân tiêu biểu. Nhưng gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì Hội Nông dân phường Cẩm Châu đã thực sự đưa phong trào đi vào chiều sâu, đến tận hộ gia đình hội viên.

Bà Trần Thị Hồng – Chủ tịch Hội Nông dân phường cho biết, học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ, phong trào “Hội viên nông dân đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất” ở Cẩm Châu đã trở thành động lực thúc đẩy cán bộ, hội viên và người nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, biết sử dụng lao động một cách hợp lý, sử dụng đồng vốn hiệu quả, vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất gắn với bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững. Tư tưởng cục bộ, nhỏ nhen của người nông dân được khắc phục và loại bỏ dần trong đời sống. Họ sẵn sàng chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm, giúp đỡ những hộ khó khăn vươn lên phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con như lời Bác Hồ từng căn dặn “làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm”.

Mỗi dịp tết đến xuân về, nông dân Cẩm Châu đưa ra thị trường hàng ngàn chậu hoa, cây cảnh đạt chất lượng- Ảnh: Đỗ Huấn

Thực tế cho thấy, từ phong trào nhiều hoạt động đã dạng và thiết thực đã phát triển và mở rộng như: góp vốn, hỗ trợ vốn mua sắm công cụ máy cày, máy gặt gặt liên hợp để giúp nhau trong vụ mùa sản xuất và nhận hợp đồng dịch vụ; rồi nhận giúp nhau trong kỹ thuật trồng hoa cây cảnh đạt chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao. Hơn 4 năm qua, không tính nguồn vốn nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH để hội viên vay phát triển sản xuất, Hội Nông dân phường Cẩm Châu còn huy động hơn 4 tỷ đồng xây dựng “Quỹ hỗ trợ nông dân”, giải quyết cho nhiều lượt hội viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo vay đầu tư sản xuất, kinh doanh. Các nguồn vốn vay này đều được hội viên sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả rõ nét. Nhiều hộ đã nhanh chóng thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Trường Lệ là khối phố có diện tích sản xuất lúa nước cao của phường với hơn 44ha và hơn 3ha đất màu. Ở đây có đến 85% số hộ trồng lúa trên vùng đất trũng thấp nhưng do trong quá trình đô thị hóa diện tích sản xuất bị thu hẹp nên chi hội nông dân khối phố luôn chú trọng phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi với các hình thức giúp đỡ, hỗ trợ nhau hiệu quả như chuyển đổi sử dụng giống cây trồng, con vật nuôi cho năng suất, sản lượng cao, chất lượng để tăng giá trị thu nhập. 30 hội viên làm nghề trồng quật chậu và cây cảnh mỗi dịp tết đến xuân về đã đưa ra thị trường hơn 2000 chậu nhưng đều bán “chạy hết” với giá thành cao, có tích lũy khá giả lên là nhờ đảm bảo chất lượng, đáp ứng “thú chơi” của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chi hội còn vận động hội viên tiếp cận nhanh với thị trường, chuyển đổi sang các ngành nghề như sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, mộc dân dụng phục vụ xây dựng, giải quyết được việc làm và tăng thu nhập cho gia đình hội viên. Trong 4 năm, khối Trường Lệ có đến 8 lượt hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 67 lượt đạt danh hiệu cấp thành phố và 102 lượt đạt danh hiệu cấp phường.

Nhiều hoạt động giúp nhau sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao- Ảnh: Đỗ Huấn

Chi hội khối phố Sơn Phô 1 cũng có nhiều sáng tạo và tạo chuyển biến tích cực từ phong trào này. Mỗi năm bình quân chi hội có khoảng 60% số hộ hội viên đăng ký thi đua đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi. Chỉ riêng năm 2014 vừa qua có 7 hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh, 22 hộ cấp thành phố và 75 hộ cấp phường. Nổi bật hơn là các hộ gia đình hội viên Trần Hà, Ngô Hiếu, Nguyễn Ích, Bùi Phước Thịnh… Đặc biệt cơ sở sản xuất đèn lồng Hà Linh của anh Trần Hà hằng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hàng trăm ngàn sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu cao, giải quyết việc làm cho hơn 40 gia đình hội viên với mức thu nhập ổn định 2 triệu đồng/người/ tháng (trở lên).

Theo bà Trần Thị Hồng – Chủ tịch Hội Nông dân phường Cẩm Châu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, phong trào đoàn kết giúp nhau trong lao động sản xuất của hội viên nông dân đã tạo ra nhiều chuyển biến mang ý nghĩa sâu sắc, làm thay đổi nhận thức và hành động của đông đảo nông dân trên bước đường hội nhập và phát triển Cẩm Châu “toàn diện và bền vững theo hướng sinh thái, văn hóa, du lịch”. Cuộc sống của nông dân nói riêng, nhân dân Cẩm Châu nói chung nhờ vậy cũng đang từng ngày khởi sắc, khá lên và giữ vững truyền thống đoàn kết, nhân ái đầy ắp tình người.

Đỗ Huấn