Lợi ích kép từ mô hình nuôi cua bột ở Hội An

Mới đây, Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm Hội An đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng  Nam và 2 hộ dân ở 2 xã phường Cẩm Thanh và Cẩm Châu thực hiện thí điểm thành công mô hình nuôi cua thương phẩm trong ao từ cua bột. Mô hình này đã thực sự giải tỏa nỗi lo về nguồn giống đầu cho bà con nuôi cua tại Hội An…

Sau ít phút đi dọc tuyến bờ đê Đế Võng (hay còn gọi là đê Băm) tới giữa cánh đồng lúa khối An Mỹ, phường Cẩm Châu, chúng tôi đến khu ao nuôi cua của anh Nguyễn Hồng Hải, một trong hai nông hộ được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng  Nam và Trạm Khuyến nông Khuyến lâm thành phố chọn hỗ trợ thực hiện mô hình nuôi cua bột trong ao thành cua thương phẩm.

Được bao bọc bởi đồng lúa mênh mông và những rặng dừa xanh mát, khu ao nuôi 0,4 héc ta của anh Hải vừa mang vẻ đẹp sinh cảnh thanh bình nông quê, vừa là ao có nhiều thực vật thủy sinh, bờ đất bán ngập để cua có thể đào hang, tìm nơi trú ẩn, lột xác. Từ sự hỗ trợ về nguồn giống và kỹ thuật của các đơn vị hữu quan, anh Nguyễn Hồng Hải đã cải tạo ao nuôi, đồng thời chuẩn dụng cụ, vật tư cần thiết, đảm bảo thả nuôi 8 ngàn con cua bột giống nhân tạo.

Theo anh Hải, khác với cua tự nhiên, khi nhập giống từ Nha Trang về, cua bột được nhân tạo trong khay ẩm, có kích thước cực nhỏ (chưa bằng hạt đậu xanh). Dù lần đầu thử nghiệm mô hình, chưa có kinh nghiệm nhưng anh đã cẩn thận thực hiện quy trình ương giống trên lưới ngăn trong ao, hạn chế thấp nhất thương tổn đến vật nuôi. Cùng với việc theo dõi độ mặn, độ PH, lượng oxy, nhiệt độ trong ao, hàng ngày, anh đều phải cho cua ăn và chăm sóc, theo dõi dịch bệnh đúng kỹ thuật hướng dẫn. Sau một thời gian ngắn, anh Hải tiến hành cân, đo, đếm, xác định trọng lượng, kích thước và số lượng cua sống, rồi chuyển sang giai đoạn nuôi cua thịt, với các loại thức ăn phù hợp.

Cua bột thương phẩm- Ảnh: Lê Hiền

Qua gần 4 tháng thả nuôi, tại hội thảo đầu bờ mới đây, tỷ lệ cua sống, cho thu hoạch ước đạt 30%, dự kiến lượng cua đạt 650 kg, tương ứng với doanh thu 91 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Qua mô hình này, anh Nguyễn Hồng Hải nhận định: Trước kia, tôi nuôi cua thương phẩm cua tự nhiên nhưng khi nuôi cua bột này tôi thấy thành công hơn nhiều. Tỷ lệ cua tự nhiên hao hụt hơn cua bột. Tỷ lệ cua bột đạt trên 30%, chăm sóc ít tốn hơn cua tự nhiên, tại vì cua tự nhiên thuần hóa từ tự nhiên nên rất khó. Mô hình cua bột thuần hóa từ hồi nhỏ nên tỷ lệ hao hụt ít hơn, tỷ lệ bị bệnh cũng thấp hơn

Rời ao nuôi của anh Nguyễn Hồng Hải, khối An Mỹ, phường Cẩm Châu, chúng tôi đến thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh, nơi có nhóm hộ ông Lê Văn Bé và Đỗ Chèo thực hiện mô hình nuôi cua bột nhân tạo trong ao thành cua thương phẩm.

Vài năm trở lại đây, nhóm hộ nói trên đã chuyển 0,4 héc ta đất ruộng sản xuất muối sang làm ao nuôi thủy sản, chủ yếu nuôi tôm và cua. Tuy nhiên, từ trước đến nay, bà con không có nguồn cung ứng giống cua ban đầu. Tất cả đều trông chờ, “đặt hàng” lái buôn gom góp, thu mua cua nhỏ từ những người đặt lờ trên sông để về thả nuôi lại. Nhiều khi may mắn, các hộ cũng chỉ mua được vài chục con, với giá đắt đỏ, từ 7-8 ngàn đồng/ một con. Có thời điểm nước cạn, dù chấp nhận mua với giá cao hơn nhưng vẫn không có cua để mua. Bị động như vậy nên du rất muốn nuôi nhiều nhưng thực tế, số lượng cua nuôi của các hộ cũng chỉ có hạn, chưa đạt hiệu quả kinh tế như mong muốn. 

Khi thực hiện mô hình thí điểm, nhóm hộ ông Lê Văn Bé và Đỗ Chèo ở xã Cẩm Thanh đã được hỗ trợ 8 ngàn con cua bột nhân tạo. Tương tự như hộ ông Nguyễn Hồng Hải ở Cẩm Châu, các hộ đã thực hiện kỹ thuật ương, nuôi trong 4 tháng. Đến nay đã cho thu hoạch, với doanh thu ước đạt 73 triệu đồng. Trừ chi phí, 3 hộ thực hiện mô hình nói trên lãi ròng khoảng 75 triệu đồng.

Là người tham gia hội thảo đầu bờ để học tập kinh nghiệm, ông Lê Văn Ba, người có khoảng 1 héc ta ao nuôi ở thôn Võng Nhi nói:Trước đây chúng tôi mua cua quyên góp từ những con buôn thì không bao nhiêu con lắm, cỡ chừng ba, bốn trăm con là nhiều nhất nhưng mà cũng khó khăn lắm. Qua hội thảo hôm nay mô hình này tôi thấy rất đạt. Qua sang năm chúng tôi sẽ đăng ký nuôi cho đạt kết quả kinh tế

Hội thảo đầu bờ đánh giá hiệu quả mô hình nuôi cua bột thương phẩm trong ao- Ảnh: Lê Hiền

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn thành phố Hội An có gần 200 héc ta nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ yếu là nuôi tôm, cua. Tuy nhiên, từ trước đến nay, hầu hết các hộ đều gặp khó trong quá trình tái đàn, do không chủ động được nguồn giống. Việc thực hiện thí điểm thành công mô hình nuôi cua bột nhân tạo trong ao thành cua thương phẩm đã mở ra một hướng đi mới để bà con nuôi trồng thủy sản tham khảo, áp dụng nuôi cua với số lượng lớn. Chị Trần Thị Diễm Tuyết, Kỹ sư nông nghiệp Trạm Khuyến nông Khuyến Lâm thành phố nói: Trên địa bàn thành phố Hội An, cua là đối tượng nuôi truyền thống của bà con nhưng mà trước đây bà con thả nuôi bằng nguồn giống tự nhiên, không phải nguồn giống nhân tạo. Từ mô hình này đổi được nguồn giống nhân tạo, bà con chủ động hơn với số lượng lớn và cũng thay đổi quan niệm bà con thường cho rằng nuôi cua nhân tạo này chậm lớn. Bà con cũng thấy được rằng, khả năng thích ứng của cua bột này so với cua tự nhiên là cao hơn, khả năng chịu đựng những bất lợi của thời tiết tốt hơn so với cua giống tự nhiên. Nếu được nhân rộng mô hình, kiểm nghiệm để nâng cao tỷ lệ sống giai đoạn ương hơn thì sẽ tăng hiệu quả, thu nhập hơn cho bà con nông dân ”.

Đúng như chia sẻ của chị Tuyết, mô hình nuôi cua bột nhân tạo trong ao thành cua thương phẩm không chỉ giúp bà con tận dụng mặt nước thả xen nhiều đối tượng nuôi, tăng thu sản phẩm trên cùng một đơn vị diện tích mà quan trọng hơn, bà con có thể liên kết với nhà cung ứng, chủ động về nguồn giống. Đó là chưa kể, với kỹ thuật nuôi đơn giản, cua bột giống nhân tạo có khả năng chống chọi, thích nghi với môi trường tốt sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, ít tốn chi phí cũng như công sức chăm sóc, theo dõi dịch bệnh cho người nông dân.

Lê Hiền