Nghề câu là nghề biển truyền thống có tiếng ở Cửa Đại nhưng thực tế ngư dân làm nghề này sống tập trung ở 2 khối Phước Thịnh và Phước Hải thuộc phường Cửa Đại hiện nay. Khác với nghề giả cào, lưới quét của ngư dân khối Phước Hoà, Phước Trạch cùng phường chỉ khai thác hải sản quanh lộng, nghề câu vươn ra đánh bắt ngoài khơi xa với những chuyến biển dài ngày, có khi cả chục ngày đầy rủi ro, bất trắc.
Theo một số lão ngư của làng, trước đây làng câu Phước Hải thuộc xã Cẩm An (cũ) có số lượng tàu thuyền nhiều hơn 2 khối bây giờ nhưng hầu hết là ghe với công suất nhỏ, bình quân khoảng 30 sức ngựa/chiếc, chủ yếu hành nghề câu lộng. Quanh quẩn ven bờ vài ba ngày với dăm bảy lao động đơn nghề nên năng suất, sản lượng đạt thấp. Thêm vào đó, thời tiết diễn biến thất thường, giá cả hàng hải sản, thị trường tiêu thụ bấp bênh nên thu nhập bà con ngư dân không ổn định, đời sống gặp nhiều khó khăn. Không ít năm cứ vào mùa đông hoặc những ngày cận tết nguyên đán, chính quyền và cộng đồng dân cư phải hỗ trợ hàng chục tấn gạo để cứu đói, trợ cấp khó khăn.
Bến đậu của ngư dân làng câu Phước Thịnh, Phước Hải- Ảnh: Đỗ Huấn
Hôm nay, có dịp về lại Phước Hải, Phước Thịnh mới thấy làng câu đã khác xưa. Đường đi lối lại được bê tông gần như toàn bộ, quang rạng sạch đẹp. Nhà ngói, tường xây mọc lên nhiều hẳn, làm thay đổi bộ mặt vùng biển, lộ rõ dáng dấp một đô thị mới. Ông Nguyễn Sinh – Chủ tịch UBND phường cho biết, đối với Cửa Đại, cơ cấu kinh tế được xác định là dịch vụ du lịch – ngư nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, trong đó ngư nghiệp là tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển mạnh nghề cá nhân dân theo hướng công nghiệp khai thác, chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành đảm bảo khai thác quanh năm. Nghề nghiệp chính của nhân dân gắn liền với điều kiện, đặc thù và truyền thống của từng khu dân cư. 2 khối Phước Hải và Phước Thịnh, người dân chuyên sống bằng nghề câu nên lãnh đạo phường chú trọng vận động nhân dân phát triển nghề cá cộng đồng, xây dựng các tổ, đội phù hợp để phát triển bền vững. “Vừa qua, nhân dân trong phường tích cực đầu tư sắm mới tàu thuyền vừa để phát triển kinh tế, vừa để bảo vệ chủ quyền biến giới quốc gia với tổng số tàu thuyền hiện có 115 chiếc. Nghề câu truyền thống có 2 tổ ở Phước Thịnh, Phước Hải duy trì hoạt động đều đặn, đem lại hiệu quả kinh tế, phát triển đời sống của nhân dân”, ông Sinh nói.
Ngư dân mạnh dạn đầu tư sắm mới tàu có công suất lớn để vươn khơi xa- Ảnh: Đỗ Huấn
Làng câu Phước Thịnh, Phước Hải hiện có hơn 40 chiếc tàu, tuy chỉ chiếm hơn 1/3 số phương tiện đánh bắt hải sản toàn phường nhưng công suất bình quân mỗi tàu đạt khoảng 65 sức ngựa, cao gần gấp đôi công suất tàu thuyền bình quân của phường. Mặc dù những năm gần đây, tình hình biển Đông diễn biến khá phức tạp và tình trạng ô nhiễm môi trường biển khu vực Bắc miền Trung làm ảnh hưởng đến sản xuất ngư nghiệp nhưng ngư dân vẫn bám biển ra khơi, xem tàu là nhà, biển cả là quê hương. Nhiều ngư dân mạnh dạn đầu tư vốn đóng mới và mua sắm tàu có công suất lớn để mở rộng ngư trường, khai thác khơi xa gắn với tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo. Nghề câu Phước Thịnh, Phước Hải ngày nay sản xuất theo tổ, đội trên biển. Trên tàu được trang bị máy phát điện, máy định vị, máy tầm ngư, máy bộ đàm, điện thoại di động… Thời gian mỗi chuyến biển cũng kéo dài hơn so với trước đây (thường từ 5 đến 7 ngày), số lao động trên tàu cũng nhiều hơn (từ 7 đến 9 người).
Nhờ phát triển mạnh hệ thống tin liên lạc, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cộng với những kinh nghiệm của cha ông truyền lại và sự cần cù, chịu khó của bà con ngư dân nên nghề câu Phước Thịnh, Phước Hải những năm qua luôn đạt sản lượng cao, mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngư dân Cao Văn Nhứt cho biết, đội câu Phước Thịnh, Phước Hải đánh bắt đa nghề, trong đó có một số tàu kiêm nghề lưới bao, mành bò, lưới vây nên trong quá trình hành nghề nếu câu không có cá thì anh em nổ máy chong điện làm nghề khác, hoặc gặp lúc “trúng cá” thì điện thoại báo các tàu trong đội biết cùng đến vây bủa. Vì vậy, không có tàu nào làm ăn thất bát. Hầu hết các tàu đều có thu nhập cao, trung bình mỗi năm một lao động thu từ 50 triệu đồng trở lên, có tàu thu từ 70 đến 90 triệu đồng/lao động.
Cuộc sống đang lên, người dân vùng biển và làng câu Cửa Đại thêm phấn khởi, vững tay chèo lái, tiếp tục hướng ra biển lớn.
Đỗ Huấn