Khuyến cáo với tôm hùm

Tôm hùm, một trong các đối tượng tài nguyên mục tiêu tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – Hội An đang bị khai thác quá mức. Ngành chức năng khuyến cáo từ 1/4 – 30/5 hằng năm, không khai thác, mua bán, vận chuyển và tiêu thụ các loài tôm hùm có nguồn gốc khai thác tự nhiên.

Cù Lao Chàm có 6/8 loài tôm hùm ghi nhận tại các vùng biển Việt Nam

Những ngày qua, Đội tuần tra của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm – Hội An phối hợp với lực lượng Biên phòng tại xã đảo Tân Hiệp tổ chức các hoạt động tuyền truyền, vận động người dân thực hiện khuyến cáo này vì đây là mùa sinh sản của tôm hùm.
Theo chị Thúy Trang – Cán bộ Ban quản lý Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm – Hội An, kể từ năm 2009 trở lại đây, các hoạt động du lịch, dịch vụ tại xã đảo phát triển, du khách tăng lên kéo theo nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao. Các giống loài thủy, hải sản trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm bị khai thác quá mức, trong đó có tôm hùm, dẫn đến hệ lụy tất yếu là nguồn lợi bị suy giảm, sinh cảnh tự nhiên bị tác động mạnh trên diện rộng, đặc biệt là tại các vùng rạn san hô.
Thời điểm này vào các năm trước, lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra số lượng tôm hùm tại các hộ kinh doanh, buôn bán hải sản để đảm bảo trong thời gian cấm khai thác, họ không được bán cho khách và sẽ kiểm đếm lại sau khi hết thời gian khuyến cáo. Khi dự trữ tôm hùm, các hộ kinh doanh phải có giấy phép nuôi trồng.

Không khai thác, mua bán, vận chuyển và tiêu thụ các loài tôm hùm có nguồn gốc khai thác tự nhiên từ 1.4-30.5 hằng năm

Chị Thúy Trang cho biết: “Năm nay có thay đổi theo quy định mới là bắt buộc các hộ buôn bán phải tiêu thụ cho hết tôm hùm chứ không được trữ lại. Tại xã đảo Tân Hiệp hiện có 22 hộ buôn bán cùng 18 phương tiện (lặn hơi, lưới) khai thác tôm hùm”.
Ở Việt Nam, tôm hùm phân bố từ Quảng Bình đến Bình Thuận, thường sống ở các vùng biển có độ sâu từ 25-30m nơi có các rạn san hô, bãi đá với nhiều hang hốc và khe rãnh. Trong số 8 loài tôm hùm được ghi nhận tại các vùng biển Việt Nam thì tại Cù Lao Chàm – Hội An có 6 loài, đó là tôm hùm đỏ, tôm hùm bông (sao, xô), tôm hùm sen (vằn, râu trắng), tôm hùm mốc (sỏi, xanh chân dài, lông), tôm hùm ma (tôm hùm đầu dứa), tôm hùm xanh (tôm hùm đá).
Thạc sĩ Lê Ngọc Thảo – Trưởng Ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An cho biết, với sự phong phú về thành phần giống loài, tôm hùm tạo nên mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn, có vai trò thiết yếu trong hệ sinh thái biển và đại dương góp phần tạo nên sự đa dạng sinh học.
Do giá trị dinh dưỡng cao, nhu cầu sử dụng tôm hùm ngày càng nhiều đã làm gia tăng áp lực khai thác và hệ lụy tất yếu là nguồn lợi bị suy giảm, sinh cảnh tự nhiên bị tác động mạnh trên diện rộng, đặc biệt là tại các vùng rạn san hô và khu bảo tồn biển như Cù Lao Chàm.
Với những đặc tính sinh thái loài cùng tình trạng khai thác tôm hùm trong tự nhiên ngày một lớn, tôm hùm là một trong những loài thủy sản nguy cấp, quy hiếm (được quy định tại phụ lục II, Nghị định số 26/2019/ NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản).
“Khuyến cáo không khai thác, mua bán, vận chuyển và tiêu thụ tôm hùm có nguồn gốc khai thác tự nhiên từ ngày 1/4 đến 30/5 hằng năm; rạn san hô được bảo vệ tốt; nghiêm cấm các phương thức khai thác mang tính hủy diệt; đánh bắt có mùa vụ, đánh bắt với kích thước phù hợp,… thì nguồn lợi tôm hùm mới có thể được bảo vệ một cách bền vững” – Thạc sĩ Lê Ngọc Thảo nói.

QUỐC HẢI