Khởi nghiệp cùng rau hữu cơ

Hiện nay, phong trào khởi nghiệp trong thanh niên đang trở thành trào lưu rộng khắp. Không ít bạn trẻ đã tìm kiếm cơ hội từ ngành nông nghiệp, trong đó có Lê Thị Hoài Thương, cô gái sinh năm 1993 ở thôn Thanh Tam Tây, xã Cẩm Thanh.

Công việc buổi sáng của chị Lê Thị Hoài Thương, nhóm sản xuất rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh) bắt đầu từ 7h. Sau khi nông dân thu hoạch và mang rau đến khu nhập rau, Thương tỉ mỉ kiểm tra số lượng, chủng loại rau, quả theo đúng đơn đặt hàng của khách rồi cùng với nông dân đóng gói sản phẩm. Sau đó, Thương lại cẩn thận chất rau lên xe để giao tận nơi cho khách hàng. Những công việc ấy đã gắn với Lê Thị Hoài Thương trong 3 năm nay.

Năm 2014, cô sinh viên Lê Thị Hoài Thương tốt nghiệp ngành Thương mại điện tử – Trường CĐ Việt – Hàn  tại TP Đà Nẵng. Trước đó vài tháng, Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị – một tổ chức phi Chính phủ đã hỗ trợ triển khai vườn rau hữu cơ tại thôn Thanh Đông (xã Cẩm Thanh) với diện tích 6.300m2. Để hỗ trợ tốt hơn cả về quy trình sản xuất cũng như khâu bán hàng cho nông dân, Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng đã tuyển dụng một số vị trí để tham gia vào nhóm sản xuất rau hữu cơ. Nghe tin, Lê Thị Hoài Thương đã đăng ký và được nhận vào làm việc. Thương cho biết: “Qua tìm hiểu mình biết là có nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công từ nông nghiệp nên mình cũng muốn thử sức. Vừa nhận đơn hàng, vừa phải giao hàng tận nơi cho khách cũng vất vả nhưng mình vẫn chưa có ý định bỏ cuộc.”  

Chia sẻ về những ngày đầu tham gia nhóm sản xuất rau hữu cơ Thanh Đông, Thương vẫn không quên được những khó khăn mà mình phải đối mặt. Chưa từng tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp nên mới đầu, một số loại rau thậm chí Thương còn không biết tên. Đó là chưa kể đến việc cầm cuốc hay hái rau. Thế rồi qua các buổi tập huấn và trải nghiệm thực tế tại vườn rau, dần dần Thương đã bắt đầu hiểu hơn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nhưng khó khăn vẫn chưa dừng lại. Thực tế là Thương vào làm việc chung với nhóm sản xuất rau hữu cơ Thanh Đông sau rất nhiều tháng Dự án được triển khai tại đây. Tuy nhiên, với những nông dân đã quen với hoạt động nông nghiệp truyền thống từ bao đời, việc chuyển đổi sang một mô hình sản xuất mới không hề đơn giản. Không ít nông dân  tham gia tập huấn rồi về sản xuất đã bỏ cuộc. Số còn ở lại cũng rất “loay hoay” với rau hữu cơ vì những yêu cầu rất khắt khe từ khâu chọn giống, sản xuất cho đến thu hoạch. Khó khăn là thế, nhưng với sự quyết tâm cùng với sự hỗ trợ tích cực của các ngành chức năng của thành phố, Thương vẫn kiên trì, vừa tự học hỏi, tích lũy kinh nghiệm vừa vận động, hỗ trợ nông dân sản xuất rau đúng quy trình, đảm bảo các yêu cầu của rau hữu cơ. Thương kể, lúc đầu, có khi trời mùa đông, 5 giờ rưỡi sáng, chị đã có mặt cùng nông dân để phụ thu hoạch rau. Dần già, sự gắn bó giữa Thương với các cô chú nông dân tham gia sản xuất rau hữu cơ ngày càng bền chặt. Hoạt động sản xuất cũng dần ổn định và có quy củ hơn. Hiện nay, ngoài 10 hộ ở thôn Thanh Đông còn có 3 hộ ở thôn Thanh Tam Tây và 1 hộ ở khối An Mỹ (phường Cẩm Châu) tham gia chuỗi sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ.

Lê Thị Hoài Thương luôn kiểm tra, đóng gói rau cẩn thận trước khi giao cho khách- Ảnh: Phan Sơn

Khâu sản xuất rau đã ổn, Thương lại tất bật với việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Lúc này những kiến thức từ thời sinh viên được Thương áp dụng vào công việc. Một mặt, Thương liên hệ với Phòng Kinh tế để hỗ trợ việc tổ chức gian hàng rau hữu cơ trong các sự kiện có liên quan của thành phố, đồng thời kết hợp trong các sự kiện do Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng tổ chức. Mặt khác, thông qua mạng xã hội, Thương tìm cách giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng kết hợp tư vấn, hỗ trợ thông tin về sản phẩm. Nhờ sự nỗ lực của bản thân, cộng với sự hỗ trợ từ nhiều phía, đến nay, thị trường tiêu thụ rau hữu cơ đã bắt đầu khởi sắc. Ngoài khách hàng lẻ, còn có các cơ quan, trường học đặt hàng rau, củ, quả. Sau khi nhận yêu cầu của khách, Thương thông báo trước đến từng hộ dân để họ thu hoạch theo đúng yêu cầu. Nhận tiền thanh toán từ khách hàng, Thương trả lại cho từng hộ dân theo số lượng rau, quả đã bán ra, số còn dư Thương để trả cho các khoản khác, còn lại là thu nhập của bản thân. Cứ như thế, hằng tháng, Thương và các hộ nông dân có thu nhập trung bình gần 3 triệu đồng. Ngoài ra, nhờ kết hợp với hoạt động du lịch, nên mỗi khi có khách đến tham quan vườn rau, Thương và nông dân cũng có thêm một khoản thu nho nhỏ.

3 năm gắn bó với rau hữu cơ, dù gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhưng Lê Thị Hoài Thương vẫn chưa có ý định từ bỏ. Thương tâm sự, niềm vui lớn nhất của chị là đã góp phần thay đổi thói quen canh tác của người nông dân sang hình thức sản xuất hữu cơ. Điều đó có vai trò quan trọng đối với việc bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo sức khỏe cho người nông dân. Tuy nhiên, Thương vẫn còn trăn trở nhiều điều như người tiêu dùng vẫn chưa hiểu đầy đủ về giá trị của rau hữu cơ nên việc tiêu thụ vẫn còn hạn chế. Điều đó đồng nghĩa với việc nguồn thu nhập của nông dân vẫn còn thấp so với công sức mà họ đã bỏ ra để sản xuất rau hữu cơ. Do đó, về lâu dài, Thương đang tìm kiếm nhiều giải pháp mới để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Nói về sự hỗ trợ nhiệt tình của chị Lê Thị Hoài Thương trong quá trình sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ, nông dân Dương Bá Hiền cho biết: “Mấy năm nay nông dân chúng tôi tham gia vào mô hình sản xuất rau hữ cơ thì bé Thương là người hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Bé Thương rất nhiệt tình, chịu khó vừa lo hỗ trợ sơ chế, đóng gói, vừa lo chạy thị trường ở Hội An, rồi Đà Nẵng. Thu nhập của chúng tôi có được nhiều ít chi cũng là nhờ bé Thương hết.”

Không phải bạn trẻ nào cũng có thể thành công khi chọn cho mình con đường khởi nghiệp, nhưng với sự đam mê, lòng nhiệt huyết, cùng với chiến lược đúng đắn, hy vọng rằng Lê Thị Hoài Thương sẽ gặt hái được nhiều thành công trong tương lai cùng nông nghiệp hữu cơ.

Phan Sơn