Sau nhiều năm ngắt quãng sản xuất, thời gian gần đây, nhiều nông hộ ở phường Cẩm Nam và xã Cẩm Kim, thành phố Hội An đã trồng trở lại loài cây bông vải, đem lại hiệu quả kinh tế tương đối khá…
Mặc dù không phải là cây trồng chủ lực nhưng hiện nay, bà con nông dân canh tác ở bãi bồi Thanh Nam Đông, phường Cẩm Nam đã dành đến một nửa diện tích, (5 trên tổng 10 héc ta) trồng cây bông vải. Nhiều hộ dân có đất ở bãi bồi Thanh Nam Đông đã chuyển sang trồng luân canh loài cây này, trong đó có một số hộ trồng từ 3 đến 5 sào như gia đình ông Nguyễn Mới, Huỳnh Hỉ… Bà con cho biết, cây bông vải dễ trồng, khá hợp với thời tiết và thổ nhưỡng bãi bồi nên phát triển rất tốt, năng suất tương đối cao. Với giá bán 13 ngàn đồng/ 1 kg bông thành phẩm, trừ chi phí, thu nhập mỗi sào đạt hơn 30 chục triệu đồng. Vừa thu hoạch bông tại ruộng, bà Nguyễn Thị Mạn, nông dân khối Thanh Nam Tây, phường Cẩm Nam cho biết: “Cây bông này rất dễ làm. Sau khi nó trổ đợt đầu rồi thì sau nó trổ 2 đợt, khi mà mình gần làm vụ bắp, mình bơm cho nó khô, nó trổ ráo hết để mình thu hoạch nó đạt. Nếu không bơm để tốt mãi, mưa xuống cái trái nó hư hết.Trồng bông có cái hiệu quả là nó không tốn kém chi bao nhiêu, một sào tốn trăm ngàn bạc phân thôi. Mới tỉa, tưới nước, vô phân ít thôi, làm cỏ cũng sơ sơ rứa. Cây bông tốt lên thì cỏ ít thôi, mình cứ ra công mình hái là được. Cũng đạt, đỡ hơn cây bắp nhiều. Bắp thì tốn phân, rồi sâu bọ, đủ thứ hết.”
Thu hoạch bông vải- Ảnh: Lê Hiền
Vài năm trước, khi cây bắp nếp đang ổn định giá bán và thị trường tiêu thụ, các gia đình rất ít trồng bông vải. Thời gian gần đây, nông dân Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc sản xuất bắp đại trà, đạt sản lượng cao nên nhiều thời điểm, cây bắp của bà con Cẩm Nam bị cạnh tranh gay gắt, giảm sút giá bán, dẫn đến hiệu quả kinh tế không đạt như các năm trước đây. Từ thực trạng này, Hội Nông dân phường Cẩm Nam đã liên hệ với Công ty Bông miền Trung cung ứng nguồn giống ban đầu và hỗ trợ một phần phân bón cho bà con, sau đó đơn vị tiến hành thu mua, bao tiêu toàn bộ sản phẩm, giúp bà con yên tâm chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp, luân canh mùa vụ. Sau khi thu hoạch, các gia đình tập hợp Bông tại nhà để cân cho công ty. Ông Nguyễn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân phường Cẩm Nam nói:“Hội Nông dân chúng tôi có mời Công ty Bông Miền trung tiếp tục về địa phương, tiếp tục đầu tư cây bông này. Cơ bản thì phát triển tốt trên đất Cẩm Nam và cho năng suất hiệu quả cao. Vì thế địa phương đã đa dạng hóa cây trồng, giải quyết nhu cầu quay vòng đất và ổn định đầu ra cho cây cây bông, thay vì cây bắp đang mất giá hiện nay. Thời gian tới, hội vẫn tiếp tục đồng hành cùng bà con trồng cây bông này trong năm 2016 và những năm tiếp theo. ”
Trong khi đó, tại xã Cẩm Kim, mấy năm trở lại đây, 65 hộ dân thôn Phước Thắng cũng đã trồng hơn 7 héc ta bông vải. Tuy diện tích trồng của mỗi hộ không nhiều, chủ yếu tận dụng đất hóa hóa, khó cải tạo nhưng cây trồng này cũng giúp các gia đình có thêm thu nhập trong thời điểm luân canh gối vụ. Hợp tác xã Nông nghiệp Cẩm Kim cũng đã đứng ra làm khâu trung gian, thu mua và nhập lại toàn bộ số bông vải thành phẩm cho công ty Bông Miền Trung. Được hỗ trợ nguồn giống, phân bón và tiêu thụ sản phẩm đầu ra, những năm qua, người dân Phước Thắng khá yên tâm trồng cây bông vải.
Tuy nhiên, theo Công ty Bông Miền Trung, dự báo sắp đến, có thể giá bông trên thị trường sẽ giảm xuống còn 10 ngàn đồng/1kg. Trước thông tin này, Hợp tác xã Nông nghiệp Cẩm Kim và các hộ trồng bông vải dự tính sẽ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong năm đến. Thay vì trồng bông vải như hơn chục năm nay, các hộ dự định sẽ trồng ớt đại trà. Hướng đi này là sự bắt nhịp nhu cầu và thông tin thị trường của nông dân địa phương nhưng cũng cho thấy rất cần có sự định hướng của cơ quan, đơn vị hữu quan trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, ổn định đời sống kinh tế nhân dân.
Lê Hiền