Hội Nông dân xã Cẩm Thanh: Vận động nông dân xây dựng nông thôn mới

Trong những năm qua, Hội Nông dân xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) có nhiều cách làm thiết thực, mô hình cụ thể, vận động nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả.

Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi luôn được Hội Nông dân Cẩm Thanh chú trọng và ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa rộng khắp. Từ điều kiện cụ thể của từng chi, tổ hội ở địa bàn dân cư và tiềm năng, thế mạnh của từng cơ sở sản xuất, hộ gia đình, Thường trực Hội vận động cán bộ hội viên tham gia đạt kết quả cao. Hằng năm có từ 700 đến 800 hộ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu và kết quả bình xét cuối năm thường đạt trên 50% trở lên. Qua phong trào, nhiều hội viên nông dân không chỉ áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, con vật nuôi, sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao mà còn xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, thương hiệu sản phẩm đảm bảo chất lượng như: du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, rau hữu cơ Thanh Đông… Ông Lê Thanh – Chủ tịch UBND xã đánh giá: “Xác định được tiềm năng lợi thế và nguồn lợi về thu nhập từ lĩnh vực dịch vụ thương mại, người ta đã mạnh dạn đầu tư, đầu tư vốn tự có, rồi vốn tín dụng khác trong các hộ gia đình để đầu tư vi-la, homestay và một số dịch vụ khác phụ trợ cho lĩnh vực lưu trú, rồi kết hợp với nhau để tổ chức các dịch vụ tour tuyến và đặc biệt đối với Cẩm Thanh là hình thành các tổ du lịch cộng đồng để nâng cao thu nhập cho người dân”.

Vườn rau hữu cơ thôn Thanh Đông thu hút nhiều người đến tham quan, học tập kinh nghiệm- Ảnh: Đỗ Huấn

Được sự hướng dẫn và hỗ trợ của Phòng Kinh tế thành phố, Thường trực Hội Nông dân xã cũng đã sớm hoàn thành các thủ tục, trình Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận thương hiệu tre – dừa nước Cẩm Thanh, từ đó tạo điều kiện phát triển nghề truyền thống của địa phương. Chỉ trong một thời gian ngắn, các cơ sở sản xuất tre – dừa của ông Lê Công Thắng, Trần Đình Xê, Lê Cho… đã nhanh chóng tiếp cận thị trường trong và ngoài tỉnh, ký kết nhiều hợp đồng có giá trị kinh tế cao (từ 100 triệu đến 500 triệu đồng), tạo việc làm thường xuyên và ổn định thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương cũng như một số xã phường lân cận. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với các đơn vị chức năng mở được 3 lớp dạy nghề truyền thống tre – dừa nước và cấp chứng chỉ đào tạo cho 85 cán bộ hội viên tham dự.

Phát huy mô hình tổ tự quản sản xuất, Hội đã vận động được 500 thành viên tham gia vào 9 tổ cộng đồng nuôi trồng thủy sản, 3 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển, 2 tổ du lịch cộng đồng ở thôn Vạn Lăng và Thanh Tam Đông… Thông qua mô hình  tự quản sản xuất, Hội cùng với các ngành có liên quan kịp thời chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, khai thác hải sản, mở các lớp tập huấn sản xuất kinh doanh, kỹ thuật nuôi cua thương phẩm, đa dạng đối tượng thủy sản nuôi, quản lý dịch hại tổng hợp IPM…Các mô hình hoạt động này đã và đang phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích cho hội viên nông dân và ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Nông dân Cẩm Thanh kết hợp nâng cao giá trị sản xuất với cải tạo cảnh quan môi trường “xanh – sạch – đẹp”- Ảnh: Đỗ Huấn

Trong những năm qua, Hội Nông dân xã Cẩm Thanh còn trực tiếp đảm nhận thi công khoảng 3000m đường giao thông nông thôn, giao thông và kênh mương nội đồng với kinh phí đầu tư hơn 3 tỷ đồng. Hội cũng đã tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên nông dân tham gia đóng góp hàng ngàn ngày công để phát tuyến, san lấp mặt bằng thi công các công trình nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Rồi Hội còn đảm nhận thi công sửa chữa các hạng mục công trình trường học, thiết chế văn hóa thôn đạt giá trị trên 1,2 tỷ đồng; đồng thời vận động nông dân hiến hơn 4000m2 đất, các loại hoa màu trị giá khoảng 4 tỷ đồng để xây dựng các công trình… Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cán bộ hội viên nông dân xã cũng đã tích cực tham gia cải tạo, chỉnh trang nhà ở, cải tạo ao, vườn tạp, cổng ngõ, tường rào… theo hướng xanh – sạch – đẹp.      Trên lĩnh vực văn hóa, nông dân Cẩm Thanh hăng hái, chủ động tổ chức và tham gia các hoạt động VHVN – TDTT đa dạng phong phú, mang đậm bản sắc địa phương như hát dân ca, hô bài chòi, đua ghe, đập nồi, lắc thúng chai… Còn trên lĩnh vực an ninh quốc phòng, cán bộ hội viên nông dân xã là lực lượng nòng cốt xây dựng thế trận an ninh và quốc phòng toàn dân vững mạnh thông qua các mô hình “Tiếng mõ tre” của thôn Thanh Tam Đông, thôn Cồn Nhàn, giữ gìn an ninh trật tự của thôn Thanh Đông, vận động con em lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc và diễn tập bảo đảm trị an… Ông Lê Văn Sáu ở thôn Thanh Tam Tây cho biết thêm: “Tình làng nghĩa xóm có thân thiện hơn, có gần gũi hơn, rồi nhiều việc làm tốt như giúp nhau làm kinh tế xóa đói giảm nghèo, rồi một việc làm người dân đồng tình hưởng ứng cao là không rải vàng mã trước khi đưa tang, đám ma. Rõ ràng ở Cẩm Thanh, không những một thôn nào mà gần như là chắc chắn 100% không có rải vàng mã trên đường khi đưa tang, đám ma…”

Bà Nguyễn Thị Vân – Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Thanh cho rằng, những mô hình sản xuất kinh doanh, vận động nông dân của Hội Nông dân xã Cẩm Thanh đã góp phần khai thác thế mạnh, tiềm năng của địa phương, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống cho hội viên nông dân và xây dựng Cẩm Thanh trở thành nông thôn mới, phát triển theo hướng làng quê sinh thái.

Đỗ Huấn