Hội An Kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống ngành thủy sản Việt Nam

Sáng ngày 28/3, tại hội trường Thành ủy Hội An, Phòng kinh tế thành phố đã tổ chức gặp mặt kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (01/4/1959 – 01/4/2019) và 44 năm ngày giải phóng quê hương (28/3/1975 -28/3/2019). Tham dự hội nghị có Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc sở NN& PTNT, Ông Nguyễn Hưng – Nguyên Bí Thư Thành ủy Hội An, đại biểu lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND – UBMTTQ thành phố; các Ban, Ngành, Đoàn thể và các đ/c nguyên lãnh đạo UBND thành phố, ngành Thủy sản thành phố.

 Ảnh: Minh Anh

Tại buổi gặp mặt đồng chí Lê Đình Tường – Phó Phòng Kinh tế thông qua diễn văntruyền thống, ôn lại những chặng đường đã qua của ngành thủy sản trong cả nước nói chung và Hội An nói riêng, tri ân lớp thế hệ cha anh đi trước cùng những thành tựu toàn ngành đã đạt được trong những năm qua.

Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thành phố đã thành lập Phòng Thủy sản, nỗ lực xây dựng lại năng lực đánh bắt, củng cố thuyền nghề, đào tạo nguồn nhân lực để quản lý ngành… đưa ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Những năm 1980 – 1990, lực lượng sản xuất ngành thủy sản đã phát triển mạnh mẽ với hàng chục Tổ hợp tác nghề cá trong nhân dân ở Tân Hiệp – Cẩm An – Cẩm Thanh – Cẩm Châu –  Cẩm Nam – Cẩm Kim – Minh An – Cẩm Hà, thành lập Xưởng Cơ khí tàu thuyền Cửa Đại, Xí nghiệp Khai thác hải sản Hội An, Công ty Thủy sản Hội An, Xí nghiệp Quốc doanh đóng sửa tàu thuyền Cửa Đại…; các nghề khai thác chính gồm: lưới vây ánh sáng, mành đèn, mành điện, lưới rùng, lưới trích, lưới mực, lưới 3 lớp …; nhiều Tổ hợp tác chế biến hải sản, chế biến nước mắm ra đời … Đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của ngành thủy sản Hội An.

Cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, nghề nuôi tôm bắt đầu phát triển mạnh ở Hội An, nhiều hộ dân đã cải tạo vùng đất chua phèn ở Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Cẩm Hà thành những ao nuôi tôm để cải thiện đời sống; Công ty tôm xuất khẩu Hội An ra đời năm 1989 đánh dấu mốc cho sự chuyển đổi từ hình thức nuôi tôm quảng canh của người nuôi tôm sang hình thức nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh. Quy hoạch ngành thủy sản của thành phố được thông qua với định hướng phát triển về các ngànhnghề khai thác, nuôi trồng, chế biến, đóng sửa tàu thuyền, bến cá, cảng cá…

Ngành kinh tế dịch vụ – du lịch phát triển mạnh mẽ sau khi thị xã Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới  và được Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV xác định là ngành kinh tế hàng đầu; ngành thủy sản tuy không còn giữ vai trò chủ đạo nhưng vẫn có những đóng góp quan trọng trong cơ cấu kinh tế của thành phố hiện nay.

Ông Nguyễn Hưng- Nguyên Bí thư Thành ủy Hội An,người từng chính kiến và đưa ra nhiều quyết sách để ngành thủy sản quê hương phát triển vang bóng một thời đã ôn lại những dấu ấn sâu đậm của ngành thủy sản, mong muốn thế hệ đi sau thấu hiểu vượt qua khó khăn đưa ngành thủy sản Hội An phát triển đúng tầm.

Trải qua 44 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, ngành thủy sản thành phố luôn hoàn thành kế hoạch đề ra hàng năm, giải quyết được nhiều lao động ở nông thôn, giúp hàng ngàn hộ nông dân có thu nhập ổn định. Năm 2018, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt 12.908 tấn, giá trị sản xuất toàn ngành đạt 792,8 tỷ đồng; các chính sách hỗ trợ cho ngư dân trên các lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản được thực hiện tốt; tuyên truyền phổ biến pháp luật lĩnh vực thủy sản được thực hiện thường xuyên; nhiều mô hình sản xuất thủy sản đạt hiệu quả cao; nhiều ứng dụng khoa học kỹ thuật được triển khai thực hiện; hạ tầng phục vụ sản xuất ngành thủy sản được quan tâm đầu tư; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ ngành ngày càng được nâng cao … Tổng số tàu thuyền khai thác thủy hải sản có 704 chiếc, trong đó có 86 chiếc có công suất từ 90 CV trở lên chuyên đánh bắt vùng khơi; diện tích nuôi trồng thủy sản là 122,6 ha…

Đ/c Trần Đâu – Nguyên lãnh đạo ngành thủy sản- Ảnh: Minh Anh

Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị đã nghe đồng chí Trần Đâu – nguyên lãnh đạo ngành thủy sản nhìn nhận những tồn tại, khó khăn: Số lượng tàu thuyền công suất nhỏ, dưới 20 CV còn nhiều (chiếm hơn 60% tổng số tàu thuyền) nên nguồn lợi thủy sản ven bờ cạn kiệt. Tình trạng sử dụng xung điện, sử dụng nghề cấm để khai thác thủy sản đã gây hủy diệt nguồn lợi, ảnh hưởng môi trường sinh thái. Phong trào nuôi cá lồng tự phát, không theo quy hoạch tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, dòng chảy và tác động xấu đến môi trường.

Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN& PTNN tỉnh Quảng Nam đã ghi nhận những đóng góp của ngành thủy sản Hội An và chỉ đạo ngành tiếp tục phát triển đúng hướng theo cơ cấu kinh tế của Thành phố và quy hoạch của Tỉnh, Luật Thủy sản…

Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thế Hùng đã phát biểu ghi nhận những thành tựu của ngành thủy sản Hội An và những đóng góp to lớn của các thế hệ ngành thủy sản; nêu lên những khó khăn, bất cập trong quá trình phát triển của ngành những năm gần đây; qua đó, thể hiện sự quyết tâm chỉ đạo toàn ngành phát triển đúng hướng, hỗ trợ kinh tế dịch vụ, du lịch, góp phần Phát triển Nông nghiệp toàn diện theo hướng nông nghiệp sạch, sinh thái; xây dựng nông thôn theo hướng văn minh, giàu đẹp và gìn giữ được giá trị truyền thốngtheo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố.

                                                      Hoàng Ngân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *