Hội An cần nhân rộng mô hình trồng cói

Cói là loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, trồng cói thu hoạch gấp ba lần trồng lúa. Cói phơi khô sử dụng để sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

Đáp ứng nhu cầu thị hiếu của du khách, những năm gần đây các sản phẩm cói liên tục được cải tiến, xuất hiện ngày càng nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ đa dạng, tinh xảo và có giá trị thẩm mỹ cao như mũ, giầy dép, túi xách, làn, hộp, lãng, khay cói… là những vật dụng tiện lợi, rẻ tiền, thân thiện với môi trường.

Ở Cẩm Kim, cây cói đã được trồng từ bao đời nay nhưng chưa có một công trình nghiên cứu nào về việc chọn lọc, phục tráng giống cói. Giống cói ở đây chủ yếu được chọn lọc một cách tự phát từ những ruộng cói tốt và sạch bệnh. Đây là một trong những nguyên nhân làm năng suất và chất lượng cói suy giảm.

Ruộng Cói ở Cẩm Kim- Ảnh: Hoàng Ngân

Công nghệ sau thu hoạch cói hiện nay chủ yếu là thủ công. Phơi cói chủ yếu tận dụng bờ ruộng, đường đi lại, một phần sân phơi gia đình… và phần lớn phụ thuộc vào điều kiện khí hậu thời tiết. Sản phẩm cói sau khi phơi được sử dụng làm nguyên liệu dùng để phục vụ nghề truyền thống dệt chiếu, góp phần tăng thu nhập cho một bộ phận nông dân địa phương.

Để nông dân Cẩm Kim có điều kiện phát triển nghề trồng cói, đáp ứng nguồn nguyên liệu chất lượng, ổn định, giữ gìn nghề thủ công truyền thống, Trạm Khuyến nông xây dựng phương án phục tráng giống cói bị thoái hóa tại đây.

Sau thời gian triển khai thực hiện phục tráng 12 sào giống cói tại Cẩm Kim, kỹ sư Trần Thị Hồng Trang (Phó Trạm Khuyến nông) cho biết, cây Cói sau khi được phục tráng sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, tăng năng suất trên đơn vị diện tích và đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Sản lượng Cói thu hoạch hằng năm sẽ đáp ứng  một phần nguyên liệu phục vụ cho nghề dệt chiếu truyền thống tại xã Cẩm Kim.

Tuy nhiên qua hơn hai năm triển khai mô hình trên đến nay Hội An vẫn chưa nhân rộng thêm được ra các địa phương khác. Hội An hiện còn không ít diện tích cói bị thoái hóa và chưa được trồng mới .

Tiếp tục đầu tư kinh phí để các ngành chuyên môn cùng nông dân có điều kiện phục tráng, nhân rộng mô hình trồng cói- Ảnh: Hoàng Ngân

Hiện nay nghề làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ bằng sợi cói ở Hội An phát triển mạnh. Tuy nhiên hiện nay nguồn nguyên liệu cói quá khan hiếm. Ngoài lượng cói sản xuất tại Cẩm Kim, đáp ứng cho bà con nông dân sử dụng sản xuất hàng thủ công tại chỗ tương đối ổn định, còn lại bà con tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ sợi cói ở các vùng nội thành phải nhập nguyên liệu từ Hà Nội và các địa phương khác .

Theo các kỹ sư nông nghiệp mà cả những chuyên gia nghiên cứu về môi trường tại Hội An đều mong muốn thành phố Hội An tiếp tục đầu tư kinh phí để các ngành chuyên môn cùng nông dân có điều kiện phục tráng, nhân rộng mô hình trồng cói không những trên diện tích còn lại ở Cẩm  Kim mà tất cả các diện tích bãi bồi ven sông Hội An nhằm tạo nguồn nguyên liệu đảm bảo phục vụ nghề dệt chiếu cho Cẩm Kim nói riêng và ngành thủ công mỹ nghệ của Hội An nói chung. Và quan trọng hơn là chống xói mòn, sạt lở bảo vệ một cách bền vững các vùng ven sông Hội An, tạo công việc làm ổn định lúc nông nhàn cho nông dân Hội An một cách bền vững.

Hoàng Ngân