Thành phố Hội An hiện có 192 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó chủ yếu là nuôi tôm. Một số diện tích ở Cẩm Thanh, Cẩm Châu và Cẩm Hà, các hộ dân đã thả xen cua biển trong ao nuôi tôm, kết quả đạt được cũng khá cao do cua là đối tượng có giá trị kinh tế lớn.
Cua thương phẩm từ giống cua bột- Ảnh: Hoàng Ngân
Năm nay, được sự đầu tư của Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam, Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm Hội An triển khai thực hiện mô hình Nuôi cua thương phẩm từ giống cua bột sản xuất nhân tạo trong ao cho nhóm hộ nông dân tại phường Cẩm Châu. Có 4 hộ tham gia nuôi trong diện tích mặt ao là 13 ngàn mét vuông gồm hộ ông Võ Mãi, Trần Bông, Trần Sáu và hộ ông Lê Ngọc Lên. Trong đó 2 hộ thực hiện ương cua bột lên cua giống trong ao ương và 02 hộ ương ngay trong ao nuôi cua thịt.
Trước khi xuống giống nuôi, bà con thả chà bằng cành cây khô, lá dừa hoặc giăng lưới cước khắp ao nuôi làm nơi trú ẩn cho cua khi lột xác, tránh ăn lẫn nhau.
Cấp nước vào ao an toàn, thực hiện thả giống với mật độ ương nuôi cua bột lên cua giống là 200 con/m2. Mật độ nuôi từ cua bột lên cua thương phẩm là 2 con/m2 .
Cách thả cua- Ảnh: Hoàng Ngân
Trong ao ương cua giống bà con chú trọng tạo điều kiện cho phù du động vật phát triển làm thức ăn tự nhiên cho cua và chủ động làm thức ăn cho cua từ các loại bột, thịt cá, tôm, cua, còng, nhuyễn thể xay nhỏ và hấp trước khi cho ăn.
Lượng thức ăn từ 10-15% trọng lượng cua thả. Số lượng thức ăn tăng dần theo sinh trưởng, tăng trọng của cua. Thức ăn đem rải ven ao. Chia làm 2 lần: sáng sớm và chiều tối.
Bắt đầu từ tháng 4/2016 – 9/2016 dưới sự hỗ trợ trực tiếp của các kỹ sư của Trạm về kỹ thuật quy trình ương cua bột lên cua giống và nuôi thương phẩm; thông số môi trường nuôi v.v…được bà con áp dụng một cách chuẩn xác cùng cách cho ăn, chăm sóc cua trong suốt quá trình nuôi.
Kết quả thực tế mô hình đã đạt được tất cả 6 tiêu chí kỹ thuật đặt ra về qui mô, số hộ tham gia, thời gian thực hiện, giống, kích cỡ số lượng giống và đạt cả tỷ lệ cua nuôi sống; ước thu hoạch của 4 hộ đạt sản lượng 2.420 kg, bán giá trung bình 160 ngàn đồng/1kg. Hạch toán kinh tế cuối vụ nuôi, bà con đạt doanh thu 387 triệu đồng, trừ chi phí ước đạt lãi gần 200 triệu đồng.
Nuôi cua thương phẩm từ cua bột giúp cua thích ứng hơn với môi trường nuôi- Ảnh: Hoàng Ngân
Kỹ sư Trần Thị Tuyết – người trực tiếp tham gia cùng bà con thực hiện nuôi cua theo mô hình trên đánh giá tỷ lệ cua sống giai đoạn ương đạt 50%, tỷ lệ sống đến khi thu hoạch đạt trên 30%, trọng lượng thu hoạch bình quân 330 g/con (3 con/kg) và khẳng định tất cả các chỉ tiêu của mô hình đề ra đều đạt và mang lại đạt hiệu quả kinh tế.
Được biết thời gian nuôi cua thịt từ cua bột dài hơn so với thả cua giống tự nhiên nên hộ nuôi có thả xen một ít tôm sú, tôm thẻ chân trắng vào ao để tận dụng diện tích mặt nước, tăng thu sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Mặt khác, so với cua giống tự nhiên, kích cỡ thu hoạch của cua đực lớn hơn (500 g/con), loại này giá bán trên 250.000 đ/kg.
Việc chuyển đổi nguồn giống cua tự nhiên sang cua bột đã giúp người dân chủ động hơn trong việc thả giống với số lượng lớn. Ngoài ra, nuôi cua thương phẩm từ cua bột giúp cua thích ứng hơn với môi trường nuôi, khả năng chịu đựng với những biến đổi của môi trường tốt hơn so với cua giống tự nhiên.
Nuôi cua thương phẩm từ giống cua bột sản xuất nhân tạo đã giảm chi phí đầu tư con giống khá nhiều so với thả nuôi bằng cua giống tự nhiên, từ đó giúp tăng hiệu quả mô hình đáng kể. Vì vậy các địa phương cần quan tâm chỉ đạo, tuyên truyền, vận động để nhân rộng mô hình này đến bà con nông dân.
Hoàng Ngân