Măng tây xanh là loại cây trồng lâu năm, dạng bụi thân thảo là rau thực phẩm cao cấp, có hàm lượng dinh dưỡng khá cao, giàu dược tính, có tác dụng tốt trong phòng trị các bệnh về đường tiêu hóa, gan, tiểu đường, thận, gút, chống lão hóa và tăng cường sinh lực,… đang được thị trường tiêu thụ mạnh, giá cả tương đối cao.
Kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch măng tây xanh không quá phức tạp, chỉ cần người nông dân chuyên tâm với nghề trồng rau, màu và tuân thủ nghiêm kỹ thuật, qui trình được hướng dẫn.
Từ những kết quả qua quá trình khảo sát nêu trên, Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố nhận thấy đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của Hội An, khả năng xuất khẩu tại chỗ (phục vụ du lịch) cao và phù hợp với định hướng xây dựng ngành nông nghiệp của Thành phố phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái hiện đại, bền vững.
Trên cơ sở đó, Hội Nông dân thành phố xây dựng dự án “Xây dựng mô hình trồng măng tây xanh” tại xã Cẩm Hà và phường Thanh Hà.
Nông dân tham quan vườn măng tây tại Bầu Súng (Thanh Hà )- Ảnh: Hoàng Ngân
Hội Nông dân Thành phố đã phối hợp với các địa phương Cẩm Hà, Thanh Hà và các ngành chuyên môn của thành phố như Phòng Kinh tế, Trạm khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật khảo sát địa điểm và chọn các hộ nông dân tại hai địa phương Thanh Hà , Cẩm Hà tham gia mô hình. Qua kết quả khảo sát có 13 hộ tham gia với tổng diện tích đầu tư 6.550m2 (trong đó tại khối Bàu Súng, phường Thanh Hà 3.600m2 với 6 hộ ; thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà 2.950m2 với 7 hộ), hầu hết các hộ tham gia mô hình đều có đất sản xuất không bị ngập lụt trong mùa mưa bão, hiểu biết và tâm huyết đối với nghề trồng rau, màu tại địa phương, có khả năng đối ứng nguồn kinh phí khi thực hiện mô hình, cùng khả năng tiếp thu và ứng dụng các yêu cầu kỹ thuật .
Sau khi khảo sát chọn địa điểm, chọn hộ, Ban Thường vụ Hội Nông dân Thành phố đã kịp thời xây dựng đề án và được UBND thành phố phê duyệt với tổng kinh phí gần 300 triệu đồng.
Để giúp bà con tham gia mô hình sản xuất thành công, Hội Nông dân thành phố đã thành lập Ban quản lý gồm 7 người, trong đó tổ kỹ thuật gồm 3 kỹ sư nông nghiệp có kinh nghiệm, nhiệt tình, tâm huyết, chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn chỉ đạo kỹ thuật sản xuất xuyên suốt quá trình tổ chức thực hiện mô hình. Tổ chức cho các hộ tham gia mô hình tham quan học tập kinh nghiệm trồng măng tây xanh tại phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn) đồng thời để giúp các hộ nắm vững kỹ thuật làm đất và cách trồng trước khi nhận giống.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân thành phố chỉ đạo Hội Nông dân xã Cẩm Hà và phường Thanh Hà đứng ra vận động, hướng dẫn thành lập 02 Tổ hợp tác trồng măng tây xanh ở hai địa điểm trồng; qua đó tăng cường tính liên kết, hỗ trợ, phối hợp nhau giữa các hộ nông dân trong sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm.
Chủ tịch Hội nông dân TP phát biểu tại buổi tổng kết mô hình trồng măng tây xanh trên địa bàn xã Cẩm Hà và phường Thanh Hà- Ảnh: Hoàng Ngân
Khi măng tây bắt đầu cho sản phẩm, Hội Nông dân thành phố đã tổ chức tập huấn, hội thảo hướng dẫn nông dân phương pháp chăm sóc và thu hoạch sản phẩm. Để giúp nông dân có thị trường tiêu thụ sản phẩm bước đầu, Thành Hội đã tuyên truyền, quảng bá sản phẩm qua Bản tin Nông dân thành phố và giới thiệu một số điểm tiêu thụ cho nông dân.
Sau gần 6 tháng triển khai, đến nay măng tây đã bắt đầu cho sản phẩm, sản lượng đạt được xấp xỉ 2 kg/ngày/500 mét vuông, giá bán ổn định là 70.000đ/kg do Hội Nông dân thành phố giới thiệu. Ngoài ra, nhờ nhạy bén trong việc quảng cáo, một số hộ đã có thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm của mình ở một số nhà hàng, người dân, với giá bán dao động từ 80.000đ đến 90.000đ/kg .
Bà Sen (ở Thôn Trà Quế) cho biết lần đầu tiên trồng măng tây gia đình bà gặp nhiều khó khăn. Tuy năng suất, chất lượng măng thu hoach chưa cao nhưng nhờ biết kết hợp với bà con chung quanh, thu gom măng mỗi ngày mang bán tại các khách sạn, giá cả ổn định. Thấy vậy đã có 15 hộ trong thôn đăng ký tham gia trồng loại cây này.
Còn ông Bình (thôn Bầu Súng) là nông dân tích cực tham gia mô hình trông cây măng tây xanh thì cho rằng giá trị cây măng tây rất cao, ngoài làm quật là chính, khi tham gia mô mình này gia đình ông có thêm thu nhập từ 120 đến 150 ngàn đồng/ngày.
Theo Hội Nông dân thành phố, trong năm năm đầu sản lượng và chất lượng măng chưa ổn định (nằm giai đoạn kiến thiết cơ bản nên chưa có lãi ròng, chủ yếu là ổn định ngày công cho người lao động 150.000 đồng/công và phần hỗ trợ kiến thiết cơ bản từ Nhà nước gần 10 triệu trên 500 mét vuông). Trong 04 năm tiếp theo phần kinh phí đầu tư cơ bản không có, đầu tư phân bón thúc, công chăm sóc, điện nước; hơn nữa sản lượng và chất lượng măng ngày càng tăng, giá cả càng ổn định chắc chắn sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ngoài hiệu quả về mặt kinh tế, hiệu quả về xã hội là rất lớn, đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm rau màu, cung cấp cho thị trường nguồn thực phẩm giàu giá trị dinh dưỡng và an toàn, rất phù hợp với đồng đất tại đây (khi mà thực trạng đất bị thoái hóa cạn kiệt dần do trồng quật lâu năm). Điều này được ông Phan Văn Liêu (Chủ tịch Hội Nông dân thành phố) khẳng định tại hội nghị tổng kết mô hình mới đây.
Hoàng Ngân