Giảm thu nhập, khó giữ tiêu chí nông thôn mới

Hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình KTXH và đời sống nhân dân ở TP.Hội An. Ngành kinh tế chủ lực là du lịch – dịch vụ và thương mại bị đình trệ kéo dài cũng tác động tiêu cực đến các ngành khác, làm giảm sút đáng kể thu nhập của nhân dân, gây trở ngại trong việc giữ vững các tiêu chí đạt chuẩn quy định quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên sản lượng hoa, quật cảnh ở Cẩm Hà giảm mạnh trong 2 năm qua.

Rà soát việc thực hiện các nhiệm vụ Chương trình MTQG xây dựng NTM những tháng đầu năm nay, cả 4 xã Cẩm Thanh, Cẩm Hà, Cẩm Kim, Tân Hiệp đều gặp khó khăn khi đảm bảo đạt chuẩn các tiêu chí về thu nhập, phát triển kinh tế nông thôn.

*Giảm thu do dịch Covid-19

Rõ nét nhất, xã Cẩm Kim là địa phương cuối trong 4 xã của thành phố được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2020 với thu nhập trung bình đạt 45,41 triệu đồng/người nhưng hiện nay đã “rớt” tiêu chí về thu nhập (tiêu chí số 10). Trong khi đó, năm nay xã Cẩm Kim còn có mục tiêu là xây dựng thôn Phước Trung đạt chuẩn “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”. Ông Huỳnh Ngọc Hùng – Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim cho biết, thu nhập của người dân xã Cẩm Kim chủ yếu từ việc sản xuất nông nghiệp và người lao động ngành dịch vụ du lịch bên phố Hội An, mà sản xuất nông nghiệp thì được lúa và ớt thôi nên thu nhập cũng không tăng. “Vì vậy nói chung là rất khó khăn! Nếu không có điều chỉnh về tiêu chí thu nhập do ảnh hưởng dịch bệnh thì cũng khó đạt khu dân cư kiểu mẫu thôn Phước Trung”, ông Hùng nói.

Không chỉ xã Cẩm Kim mà xã Cẩm Hà cũng nằm trong tình trạng lo lắng như ý kiến Chủ tịch UBND xã Mai Kim Phương trình bày. Cẩm Hà là 1 trong 2 xã điểm xây dựng NTM của thành phố và đã được công nhận đạt chuẩn vào năm 2015, đang phấn đấu xây dựng xã NTM nâng cao. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở Cẩm Hà đạt 45,39 triệu đồng nhưng năm nay chắc chắn sẽ thấp hơn. Nguyên nhân chính là tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra 2 năm qua đã tác động bất lợi cho sản xuất nông nghiệp mà chủ yếu nghề trồng quật, hoa, cây cảnh ở địa phương. Năm 2020 số lượng chậu hoa, cây, cảnh, người dân sản xuất gần 60.000 chậu, đã giảm nhiều so với trước khi có dịch nhưng năm nay còn giảm “khủng” hơn chỉ còn 39.000 chậu. Trong quá trình sản xuất, bà con còn tiếp tục “thả tay”, không cho kết trái nên thực chất còn khoảng 25.000 chậu. Đã thế mà người dân còn lo là không biết tiêu thụ như thế nào với 2 thị trường chính là TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi trong dịp Tết nguyên đán sắp tới? Ông Mai Kim Phương – Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà nói: “Năm ngoái đã tụt so với năm trước 7 tỷ rồi, năm nay chắc tụt tiếp nữa. Cho nên rất khó khăn cho ngành kinh tế mũi nhọn nông nghiệp là quật cảnh. Thứ hai là các ngành dịch vụ lao động phổ thông năm nay cũng “đứng bánh” nhiều. Rất lo về tiêu chí thu nhập, năm 2021 mà kiểm tra tiêu chí xã NTM nâng cao thì cũng khó mà an tâm được”.

Sản lượng tiêu thụ và doanh thu của HTX rau hữu cơ Thanh Đông, xã Cẩm Thanh giảm rõ rệt từ khi bùng phát dịch Covid-19

Ở xã Cẩm Thanh – điểm du lịch sinh thái hấp dẫn và ấn tượng ở vùng “cửa sông ven biển” và xã Tân Hiệp – vùng biển đảo Cù Lao Chàm của thành phố cũng không tránh khỏi khó khăn. Du lịch gần như bị “đóng băng”; các hoạt động bán vé tham quan, dịch vụ du lịch tạm dừng gần như hết thảy đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của nhân dân địa phương.

Năm 2021, xã Cẩm Thanh đã được công nhận là xã NTM nâng cao nhưng thu nhập của người dân hiện tại cũng bị sụt giảm. HTX Rau hữu cơ và Du lịch Thanh Đông – xã Cẩm Thanh mới thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2020, bước đầu mang lại hiệu quả khả quan nhưng dịch bệnh ập đến đã tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của đơn vị và người dân địa phương. Các loại rau hữu cơ Thanh Đông tiêu thụ qua 2 kênh chính là đại lý và khách lẻ ở Hội An và Đà Nẵng nhưng khi có dịch, các nhà hàng và một số đại lý ngừng nhận rau do tạm đóng cửa và người dân hạn chế ra đường nên sản lượng tiêu thụ và doanh thu của HTX giảm rõ rệt (khoảng từ 15% đến 20%). Thu nhập trung bình mỗi hộ sản xuất đạt từ 4 triệu đồng/tháng trong giai đoạn trước khi dịch Covid-19 xảy ra (trước tháng 4/2020) giảm xuống còn 2 – 3 triệu đồng/tháng trong thời gian diễn ra dịch bệnh.

Một ngành kinh tế khác là nuôi tôm nước lợ. Cẩm Thanh hiện có gần 40ha diện tích nuôi tôm với khoảng 380 hộ nuôi, trong đó hộ nuôi ít nhất cũng 1.000m2, nhiều thì lên đến 6.000 – 7.000m2. Thị trường tiêu thụ chính là TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát, Đà Nẵng siết chặt giãn cách xã hội, tôm tiêu thụ chậm, giá bán cũng thấp hơn khiến nhiều hộ gia đình nhấp nhổm lo âu, khó khăn càng thêm chất chồng. Trước đây giá bán cho thương lái khoảng 100 nghìn đồng/kg (loại tôm 100 con/kg) thì bây giờ chỉ còn 70 – 80 nghìn đồng/kg. Do số lượng tôm đọng lại quá nhiều mà UBND TP.Hội An phải gửi văn bản đến Sở Công Thương và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đề nghị hỗ trợ thông tin, kết nối tiêu thụ giúp.

*Chuyển đổi ngành nghề:

Riêng xã Tân Hiệp là địa phương từng dẫn đầu các xã ở Hội An về tiêu chí thu nhập bình quân đầu người (năm 2019 đạt tới 52,4 triệu đồng/người) và được thành phố chỉ đạo xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu nhưng 2 năm nay dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế và đời sống nhân dân xã đảo. Lượng khách du lịch đến Cù Lao Chàm trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 35.542 lượt (bằng 53,7% so với cùng kỳ năm 2020) và giảm rất sâu so với các năm trước khi có đại dịch. Bà Phạm Thị Mỹ Hương – Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp trao đổi, đối với Tân Hiệp về tiêu chí xã NTM nâng cao cuối năm 2020 thì phải tăng 10% so với thời điểm công nhận, điều này đã hết sức khó khăn. Nhưng năm 2021 này vẫn tiếp tục vướng vấn đề về thu nhập nữa. “Trong giai đoạn này, chúng tôi không lấy du lịch làm mũi nhọn nữa, cho nên đã xây dựng đề án chuyển đổi từ ngành du lịch sang khai thác, đánh bắt thủy hải sản để nâng cao thu nhập cho dân”, bà Hương nói.

Người dân xã đảo Tân Hiệp chuyển đổi nghề từ dịch vụ du lịch sang khai thác, đánh bắt hải sản

Hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế của xã đảo Tân Hiệp là giải pháp tình thế phù hợp và cần thiết trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển KTXH của thành phố và cũng là yêu cầu quyết định để đảm bảo phát triển kinh tế, ổn định thu nhập cho nhân dân ở các xã nông thôn. Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố xác định phải xem đây là nhiệm vụ hàng đầu và các cấp chính quyền phải chủ động quan tâm, hỗ trợ kịp thời cho người dân. Bên cạnh đó, trong thời gian tới thành phố sẽ lồng ghép, tổ chức triển khai các đề án phát triển KT-XH giai đoạn 2021 – 2025 ở các xã như: Cẩm Kim, Tân Hiệp, Cẩm Hà; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm Dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm và triển khai các dự án hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các HTX trên địa bàn các xã; chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn các xã Cẩm Hà, Cẩm Kim thành lập HTX hoạt động theo quy định của Luật HTX 2012 để đảm bảo đạt chuẩn tiêu chí 13 về Tổ chức sản xuất.

Mục tiêu là cả 4 xã phấn đấu giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Xã Tân Hiệp phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm nay. 9 thôn được công nhận đạt chuẩn “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” duy trì giữ vững danh hiệu, thôn Phước Trung (xã Cẩm Kim) phấn đấu được công nhận đạt chuẩn “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” trong năm 2021.

ĐỖ HUẤN