Cẩm Kim chung tay giảm nghèo bền vững

Gắn với việc triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM, xã Cẩm Kim (TP.Hội An) đã huy động nguồn lực, chung tay giảm nghèo đạt kết quả tốt và đang duy trì để đạt chuẩn giảm nghèo bền vững, tiếp tục nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Nhiều năm trước, xã Cẩm Kim là xã khó khăn của TP.Hội An, có đặc thù là điểm xuất phát thấp, giao thông đi lại khó khăn, cách sông trở đò so với trung tâm đô thị. Đa số người dân sống bằng nghề làm nông, trình độ dân trí thấp, năng lực sản xuất hạn chế. Sản xuất nông nghiệp của xã còn manh mún, phương thức sản xuất đơn điệu, bấp bênh sản phẩm, phụ thuộc thị trường…

Năm 2016, khi chính thức triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, Cẩm Kim là xã còn số hộ nghèo cao so với các địa phương khác trong thành phố với tổng cộng 25 hộ nghèo (tỷ lệ 2,38%) và 54 hộ cận nghèo (tỷ lệ 5,15%).

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong hai Chương trình quốc gia quan trọng (cùng với Chương trình xây dựng NTM) giai đoạn 2016 – 2020 và cũng là nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành để được công nhận là xã NTM nên lãnh đạo xã đã tập trung cao độ, gắn chặt với nhiệm vụ phát triển KTXH của địa phương để triển khai thực hiện. Bên cạnh việc thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đã cụ thể hóa từng nội dung chương trình hoạt động và có biện pháp, giải pháp phù hợp. Ông Nguyễn Thanh Tâm – Trưởng Ban phát triển NTM thôn Đông Hà, xã Cẩm Kim cho biết: “Về hộ nghèo, UBND xã thường xuyên theo dõi, quan tâm đời sống của nhân dân, hằng năm đều xây dựng và triển khai kế hoạch rà soát hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn. Từ đó có giải pháp hỗ trợ các hộ phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn”.

Cùng với nguổn lực của các cấp, các ngành, UBND xã đã chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội kêu gọi những nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân chung tay vì người nghèo, hỗ trợ sinh kế cho các gia đình để tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo, thoát cận nghèo với phương châm “Trao cần câu, không trao con cá”. Đối với các hộ đơn thân, thuộc diện BTXH không còn lao động, UBND xã phối hợp vận động người thân trong gia đình, tộc họ có trách nhiệm chăm lo, không để đói nghèo, túng thiếu. Ông Huỳnh Ngọc Hùng – Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim trao đổi, xác định giảm nghèo gắn chặt với nhiệm vụ phát triển KTXH là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể quan tâm nâng cao nhận thức và khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo. “Điều đó thật sự quan trọng bởi vì nếu chúngta chăm lo, hỗ trợ nhưng bản thân hộ nghèo không nỗ lực vươn lên thì sự giảm nghèo nếu có cũng không thật sự bền vững”, ông Hùng nói.

Một bộ phận nhân dân xã Cẩm Kim chuyển hướng sang làm lồng đèn để bán hàng lưu niệm.

Hằng năm, Ủy ban  MTTQ Việt Nam xã và các đoàn thể đăng ký tạo mọi điều kiện giúp đỡ ít nhất từ 2 đến 3 hộ thoát nghèo bền vững. Đồng thời, Mặt trận phối hợp với UBND xã tổ chức đối thoại với các hộ nghèo, cận nghèo để qua đó nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và hiểu rõ hơn nguyên nhân. Từ đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, đơn vị, cá nhân giúp đỡ, hỗ trợ. Trong 3 năm gần đây, từ nguồn kinh phí của Hội thiện nguyện “Bếp cơm Hội An” do chị Đinh Thị Thu chủ trì, địa phương đã hỗ trợ học bổng cho con em 15 hộ nghèo và cận nghèo với số tiền 5,5 triệu đồng/tháng.

Hội LHPN xã đã phát động mạnh mẽ phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, thông qua nhiều hình thức hỗ trợ sinh kế như: trao bàn máy may, phương tiện đi lại để sản xuất, bán buôn, hỗ trợ gà giống, bò giống, giới thiệu việc làm, nhận đỡ đầu, trao học bổng… với tổng kinh phí đã thực hiện khoảng 200 triệu đồng. Hội Nông dân tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ khó khăn có điều kiện tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế; đồng thời cũng hỗ trợ bò giống, vật nuôi cho bà con. Công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm cho lao động trong các hộ gia đình thuộc diện nghèo khó cũng được địa phương đặc biệt quan tâm nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của các đối tượng, đặc biệt là việc phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương.

Với các giải pháp đồng bộ và cụ thể, đến năm 2020 toàn xã không còn hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều (chỉ còn 15 hộ nghèo thuộc diện BTXH) và 5 hộ thuộc diện giảm cận nghèo đa chiều, còn lại là 21 hộ cận nghèo diện BTXH. Thu nhập bình quân đầu người vào thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19 đạt 45,41 triệu đồng, cao gấp 2 lần so với thời điểm phát động xây dựng NTM. Nhờ vậy, Cẩm Kim được công nhận đạt chuẩn xã NTM. Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim Huỳnh Ngọc Hùng nhấn mạnh thêm một kinh nghiệm quan trọng nữa là hậu thoát nghèo. “Hầu hết các hộ thoát nghèo là rơi vào cận nghèo, tuy thoát nghèo nhưng các hộ còn nhiều khó khăn. Lúc này cũng phải phân tích từng hộ để tiếp tục hỗ trợ, chăm lo nhằm trước hết là ổn định cuộc sống của hộ thoát nghèo để họ tiếp tục vươn lên. Điều này cực kỳ quan trọng bởi vì khi hộ vừa thoát nghèo, chúng ta tiếp tục chăm lo thì các hộ còn trong diện nghèo thấy đó làm động lực và tin tưởng để thực hiện các chương trình thoát nghèo”, ông Hùng nhấn mạnh.         

Trong giai đoạn 2021 – 2026, Cẩm Kim phấn đấu được công nhận là xã NTM nâng cao, trong đó cần tiếp tục duy trì tiêu chí giảm hộ nghèo bền vững và nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống nhân dân.

ĐỖ HUẤN