Cộng đồng cùng tham gia khai thác cua Đá đã góp phần quản lý, bảo tồn tài nguyên biển đảo tại Cù Lao Chàm một cách bền vững.
Để ngăn chặn tình trạng khai thác bừa bãi, có thể dẫn đến nguy cơ “tuyệt chủng”, cuối năm 2009, UBND TP. Hội An đã ban hành Chỉ thị 04, tạm dừng khai thác, vận chuyển, buôn bán cua Đá tại xã đảo Tân Hiệp – Cù Lao Chàm. Đầu tháng 3 năm 2010, một mô hình đồng quản lý cua Đá đã chính thức đưa vào thực nghiệm nhằm phục hồi tài nguyên quý giá này, đồng thời nghiên cứu, tìm kiếm một giải pháp khai thác bền vững.
Cua Đá Cù Lao Chàm là động vật biển nhưng lại ở trên rừng, chỉ xuống biển trong mùa sinh sản và sau đó lại lên rừng để sinh sống. Cua Đá được biết đến từ rất lâu và là một trong những món ẩm thực riêng có của du lịch Cù lao Chàm. Chính vì thế, nhiều năm qua, cua Đá bị khai thác quá mức và đối diện với nguy cơ “tuyệt chủng”.
Ông Võ Quảng Lâm – Cán bộ Phòng Kinh tế Hội An, cho biết: “Từ năm 2010 đến nay, với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu GEF và UBND thành phố, chính quyền địa phương và cộng đồng Cù Lao Chàm đã có nhiều nỗ lực nhằm xây dựng một mô hình đồng quản lý cua Đá Cù Lao Chàm”.
Tổ khai thác, bảo vệ cua Đá mặc đồng phục và có bảng tên của chính quyền cấp- Ảnh: Quốc Hải
Thông qua hoạt động của dự án “Cộng đồng tham gia phục hồi tự nhiên và khai thác bền vững cua Đá Cù Lao Chàm”, các sáng kiến trên đã và đang được thể hiện một cách hiệu quả và đạt được sự đồng thuận cao trong cộng đồng. Cộng đồng Cù Lao Chàm, đặc biệt là những người trực tiếp khai thác cua Đá đã tham gia nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng quản lý cua Đá đồng thời tập huấn, nâng cao nhân thức về bảo vệ tài nguyên, môi trường và thực hiện hành vi khai thác văn minh.
Các hội thảo xây dựng mô hình đồng quản lý, thi sáng tác logo cua Đá, thí nghiệm dán nhãn sinh thái cua Đá, thành lập tổ bảo vệ và khai thác hợp lý, xây dựng quy chế quản lý cua Đá Cù Lao Chàm, tham quan học tập… được tổ chức và đã xây dựng được mô hình lý thuyết đồng quản lý cua Đá Cù Lao Chàm.
Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh – Ban quản lý Khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm, chủ nhiệm dự án nói: “Mô hình này lấy tổ khai thác, bảo vệ cua Đá làm trọng tâm. Tổ sẽ là tập hợp những người khai thác cua đá thường xuyên hoặc không thường xuyên, hoặc là yêu thích cua đá tự nguyện tham gia, cam kết thực hiện các quy định của tổ. Bên cạnh đó cùng với chính quyền địa phương, chuyên gia tư vấn và các bên liên quan nghiên cứu, giám sát, quản lý, bảo vệ cua Đá Cù Lao Chàm”.
Cũng từ đây, thông điệp được ghi nhận là “Cua Đá phải được bảo tồn vì lợi ích của toàn cộng đồng và bảo tồn cua Đá phải là trách nhiệm của toàn cộng đồng”. Đến nay, từ các thông tin nghiên cứu, các chuyên gia tư vấn kỹ thuật đã đề nghị các thông số khai thác một cách khoa học cho chính quyền địa phương. Trên cơ sở đó, UBND xã Tân Hiệp quy định cụ thể cho tổ khai thác, bảo vệ cua Đá thực hiện việc khai thác phải đảm bảo số lượng, kích thước tối thiểu của cua Đá được khai thác và quy định cụ thể các vùng khai thác.
Cua đá dán Nhãn sinh thái mới được lưu thông, buôn bán- Ảnh: Quốc Hải
Ngay sau khi cua Đá được khai thác, các thành viên của tổ khai thác, bảo vệ cua Đá sẽ mang cua bắt được đến Trung tâm Du khách của Khu Bảo tồn biển để kiểm tra và dán nhãn sinh thái. Nhãn sinh thái chỉ được dán cho những con cua Đá có các thông số đúng với quy định của chính quyền về kích thước chiều ngang mai cua, không mang trứng… với số lượng nhất định, sau đó mới được lưu thông, buôn bán. Những con cua Đá không đạt tiêu chuẩn quy định sẽ bị Đội giám sát lập biên bản thu giữ để trả lại môi trường tự nhiên tại Ngân hàng sinh thái cua Đá – Hòn Tai và Hòn Mồ.
Cũng theo mô hình này, chỉ có 33 thành viên của tổ khai thác, bảo vệ cua Đá mặc đồng phục và có bảng tên của chính quyền cấp mới được bán cua Đá có dán nhãn sinh thái trên mai cua. Đội tuần tra bao gồm các thành viên từ Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Tổ Môi trường xã Tân Hiệp, Ban Bảo tồn thôn, Tổ khai thác, bảo vệ cua Đá và các cơ quan liên quan do UBND xã Tân Hiệp thành lập có trách nhiệm kiểm soát hoạt động khai thác, bảo vệ cua Đá này.
Dự án quy định, các đối tượng cua đá khai thác phải có chiều ngang 7cm (cua đá trưởng thành, đã sinh nở), không mang trứng. Về mùa khai thác, từ 1.3 đến 31.7, đây là thời điểm cua sinh nở, cấm đánh bắt. Một quy định nữa là về số lượng khai thác, trong mỗi tháng, mỗi thành viên cộng đồng chỉ được khai thác không quá 50 con.
Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh cho biết thêm: “Nếu trước, bà con bán cua đá với giá trôi nổi hay bị tư thương ép giá, thì từ khi tổ cộng đồng ra đời, giá bán tối thiểu được quy định 500.000 đồng/kg vào năm 2013, thời điểm năm 2014 được nâng lên 750.000 đồng và năm 2015 là 800.000 đồng. Việc dán nhãn sinh thái lên cua đá, quy định giá bán theo ký chứ không bán theo chục (10 con) như trước, bà con đã có ý thức đánh bắt cua lớn, cua trưởng thành, nhờ đó cua nhỏ và cua mang trứng tránh được nguy cơ bị đánh bắt. Dù số cua được khai thác ít hơn (trước đây khoảng 40.000 con/năm, nay khoảng 7.500 – 8.000 con/năm), song với giá cả như trên, thu nhập người dân vẫn đảm bảo”.
Có thể thấy, dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ và khai thác bền vững cua đá Cù Lao Chàm” đã cho thấy hiệu quả thiết thực. Từ mô hình này, công tác quản lý, bảo tồn tài nguyên biển đảo đã phát triển thêm một bước với vai trò nòng cốt của mọi hoạt động đều xuất phát từ cộng đồng cư dân địa phương./.
Quốc Hải