Vào những hoàn cảnh đặc biệt như gặp khó khăn, hoạn nạn, hỏa hoạn, thiên tai, phần lớn người Hội An đều có cách ứng xử nghĩa tình với những người gặp khó.
Giữa lúc cơn bão số 10 đổ bộ vào các tỉnh bắc miền trung, có ảnh hưởng đến Quảng Nam, chính quyền và người dân thành phố cũng lắm nỗi lo toan. Lo vì mùa mưa bão đã bắt đầu và thật khó lường hết những thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy là vậy nhưng trải qua nhiều trận bão lụt lớn, người Hội An cũng đã dần tìm cách thích nghi, phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Và cũng qua những biến cố đó, tình người lại càng thấm đẫm, gần gũi hơn.
Còn nhớ cuối năm ngoái, đã cận kề tết, vậy mà một trận bão lũ lớn đã gây ngập lụt diện rộng ở nhiều xã phường của thành phố. Cẩm Kim – vùng rốn lũ, khi ấy người dân chưa sạ được lúa do đất bị nhiễm mặn thì toàn bộ hoa màu lại bị ngập úng, hư hại hoàn toàn. Ngoài đồng, trong vườn, tất cả đều trắng trơn. Nhiều người dân lo âu trước cảnh thiếu ăn cả vụ và không có kinh phí sắm tết. Giữa lúc ấy, sự chung tay, giúp sức bằng những phần quà thiết thực của nhiều đơn vị và các mạnh thường quân trong và ngoài thành phố đã góp phần ổn định đời sống và ấm lòng người dân vùng lũ. Nhớ lại thời điểm đó, bà Nguyễn Thị Anh, thôn Đông Vĩnh, xã Cẩm Kim không khỏi xúc động: “Lúc đó, quả thực tôi và bà con ở đây lo lắm. Ruộng thì nhiễm mặn không gieo trồng được, rau cỏ làm để bán tết thì hư hết. Sợ thiếu ăn, cũng may có các các đoàn về hỗ trợ, cũng đỡ, có gạo và các nhu yếu phẩm, ăn được thời gian, cũng đỡ vất vả. Mưa lũ là ở Cẩm Kim khổ lắm”
Sự chung tay, giúp sức bằng những phần quà thiết thực của nhiều đơn vị và các mạnh thường quân đã góp phần ổn định đời sống và ấm lòng người dân vùng lũ- Ảnh: Minh Anh
Không chỉ hỗ trợ về vật chất, động viên về tinh thần, mỗi mùa mưa bão đến, với trách nhiệm và tình cảm của mình, các lực lượng của thành phố và các địa phương sẵn sàng xung kích giúp dân. Từ vùng nông thôn đến nội thị, ở đâu có thiệt hại thì ở đó đều có các cơ quan, đơn vị địa phương tổ chức khắc phục, bằng những việc làm cụ thể như di dời dân đến nơi an toàn, chèn chống nhà cửa, thu dọn cảnh quan môi trường… Và một điều khá đặc biệt là đối với nhiều người dân vùng lũ, tuy lo âu và vất vả khi lũ về nhưng với họ thì mùa lũ cũng là những ngày vui tình làng xóm. Dọn lụt, nhà này giúp nhà kia bưng bê, xếp đặt đồ đạc, hàng hóa. Rồi khi nước ngập mênh mông, từ những con hẻm nhỏ đến những tuyến phố lớn, bà con có dịp chèo ghe đi lại trò chuyện với nhau. Người có ghe sẵn sàng giúp bà con lối xóm khi cần mua đồ ăn thức uống hoặc chuyên chở vật dụng, phương tiện ra khỏi vùng lũ. Qua những việc làm đó, tình cảm cộng đồng, xóm làng càng trở nên gắn kết, gần gũi thân thương hơn.
Không chỉ giúp nhau khi mưa bão, lũ lụt, trong những hoàn cảnh đặc biệt, người Hội An vẫn nêu cao tinh thần vì cộng đồng, mình vì mọi người. Dễ thấy từ các vụ hỏa hoạn từng xảy ra trong khu phố cổ. Ngay cả khi chủ nhà đi vắng, không biết có sự cố xảy ra; khi phát hiện đám cháy, chính những người dân xung quanh đã tiên phong dập lửa. Họ khẩn trương lấy bình cứu hỏa và các vật dụng của gia đình mình, tìm cách tiếp cận chữa cháy kịp thời. Nhiều người khác thì lao vào khuân vác hàng hóa, vật dụng, hạn chế thiệt hại cho gia chủ. Việc làm này không chỉ hạn chế thiệt hại tài sản của chủ nhà mà còn khống chế, không để cháy lan ra các hộ lân cận.
Các đơn vị, mạnh thường quân trao quà cho người dân vùng lũ và các gia đình khó khăn- Ảnh: Minh Anh
Cũng với tấm lòng mình vì mọi người, nhiều người dân Hội An cũng sẵn sàng làm việc thiện, việc nghĩa. Một số trường hợp ốm đau, bệnh tật, như chị Huỳnh Thị Kim Hoa, ở khối Trường Lệ, phường Cẩm Châu mới đây bị ung thư buồng trứng giai đoạn 4, hay trường hợp cô Lê Thị Kiên, ở khối Xuyên Trung, phường Cẩm Nam mắc bệnh ung thư xương tủy giai đoạn 3, rồi trường hợp cháu Ngô Lê Ly Na, mới 9 tháng tuổi, con chị Lê Thị Phượng ở thôn Thanh Nhứt, xã Cẩm Thanh bị bệnh hiểm nghèo (hội chứng apert), khó khăn về chi phí điều trị, khi biết thông tin đã có nhiều mạnh thường quân chung tay giúp đỡ. Tuy số tiền ủng hộ bước đầu chưa là bao so với chi phí điều trị nhưng cũng đỡ phần nào cho các gia đình khó khăn này. Thời gian gần đây, nhiều cá nhân còn kêu gọi mọi người tham gia những câu lạc bộ thiện nguyện để vận động cộng đồng giúp đỡ các trường hợp gặp hoạn nạn, bệnh tật. Thông qua các trang mạng xã hội, tấm lòng thiện cũng được lan truyền, nhân lên. Đó là chưa kể những việc tốt của các mạnh thường quân như nhận đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi hoặc quyên góp, vận động trao tặng học bổng, học phẩm cho học sinh vượt khó, hoặc nấu cơm, nấu cháo từ thiện cho bệnh nhân nghèo. Tại cuộc họp triển khai công tác giảm nghèo trong các tháng cuối năm mới đây, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sơn đã khẳng định, những việc làm nghĩa tình, thiện nguyện của nhiều người dân Hội An là việc rất đáng được biểu dương, ghi nhận. Điều đó không chỉ thể hiện tinh thần chia sẻ yêu thương, trách nhiệm vì cộng đồng của người Hội An mà còn góp phần cùng thành phố chung tay thực hiện công tác xóa nghèo. Và thành phố hiện đang rất cần kết nối thêm những việc làm ý nghĩa đó. Phó Chủ tịch TT UBND nói: “Hiện nay Hội An mình có rất nhiều người làm từ thiện, nhiều khi họ còn thuê cả xe lên đến huyện Tây Giang hỗ trợ cho đồng bào miền núi. Ở đây mình nên kết nối với họ để họ ủng hộ, giúp đỡ trực tiếp cho người nghèo của mình. Điều đó rất là cần thiết và đáng quý. Các mạnh thường quân vào cuộc chia sẻ với chính quyền thì đời sống của những gia đình khó khăn, gia đình nghèo sẽ được chăm lo tốt hơn và Hội An có thêm điều kiện để thoát nghèo bền vững”.
Có thể thấy, với đức tính nhân tình, thuần hậu của mình, nhiều người dân phố Hội đang ngày ngày làm những việc thiện, có ý nghĩa với cuộc đời, với cộng đồng. Như hương thơm của các loài hoa, những việc làm đẹp ấy sẽ được lan tỏa, nhân lên để mỗi người dân của thành phố này ngày càng nhân hậu, khoan hòa, đúng với câu ca: Hội An đất chật người đông – Nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu.
Lê Hiền