Thanh Hóa – Hội An sáng ngời tình đồng chí anh em trong chiến tranh khói lửa

Với khẩu hiệu “Miền Nam gọi, miền Bắc trả lời, Hội An cần Thanh Hóa có” trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thị xã Thanh Hóa đã chi viện sức người, sức của, cả vật chất lẫn tinh thần cho chiến trường Hội An, góp phần cùng chiến thắng kẻ thù…

Vào những ngày đầu năm này, chúng tôi tìm đến gia đình anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Luyện, trước đây ở khối Thanh Nam, phường Cẩm Châu, mới chuyển về định cư tại khối Lâm Sa, phường Cẩm Phô. Trong câu chuyện hồi tưởng kể cho chúng tôi nghe về một thời oanh liệt mình đã đi qua, anh hùng Trần Văn Luyện không thể nào quên những đóng góp máu xương của đồng bào, chiến sỹ Thanh Hóa đã cùng với quân và dân Hội An đánh đuổi kẻ thù. Chiến trường Hội An hiện lên qua lời kể của ông như một cuốn phim quay chậm

Bà con Thanh Hóa (sống tại Hội An) dâng hương tại nghĩa trang Hội An, nơi có hàng trăm Liệt sỹ Thanh Hóa an nghỉ- Ảnh: Lê Hiền

Ngày ấy, chiến trường Hội An ác liệt vô cùng. Nhân dân thị xã phải đương đầu với đế quốc Mỹ và tay sai, với những trận càn đẫm máu của lính Mỹ và lính Nam Triều Tiên, làm cho nhiều gia đình rơi vào cảnh con mất cha, vợ mất chồng, anh em ly biệt, nhà cửa ruộng vườn tan hoang. Cuộc sống cơ cực, lầm than trong mưa bom bão đạn. Giữa lúc trận chiến cam go, ác liệt ấy, ngày 12/2/1961, Thị xã Thanh Hóa và Hội An kết nghĩa, nguyện kề vai sát cánh chung sức chung lòng chống Mỹ cứu nước. Từ đấy, với khẩu hiệu “Miền Nam gọi, Miền Bắc trả lời, Hội An cần, Thanh Hóa có”, Đảng bộ thị xã Thanh Hóa đã chi viện sức người, sức của cho chiến trường Hội An. Biết bao người con Thanh Hóa đã lên đường “Nam tiến”, hòa cùng nhân dân Hội An đánh giặc, bảo vệ quê hương. Dù vẫn phải đảm bảo chiến đấu tại chỗ nhưng Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã tiễn 5.413 thanh niên lên đường vào chiến trường Hội An, Quảng Nam chiến đấu. Con em Thanh Hóa lặn lội khắp chiến trường Hội An, được đồng bào, đồng chí Hội An che chở, đùm bọc, yêu thương như người thân ruột thịt. Trong cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, những chiến sỹ tiểu đoàn đặc công Lam Sơn Thanh Hóa đã góp phần vào thắng lợi ở Hội An và cũng có biết bao người vĩnh viễn ra đi nơi chiến trường ác liệt này. Anh hùng LLVTND Trần Văn Luyện hồi kể: Khi tham gia cách mạng tôi vào lực lượng vũ trang Hội An, chiến đấu trên chiến trường, biết anh em ngoài Bắc vào, đặc biệt là anh em Thanh Hóa vào chiến đấu rất anh dũng, kiên cường, sẵn sàng chiến đấu hy sinh.  Các đồng chí đó góp phần rất lớn cho cách mạng Hội An, cho cách mạng Việt Nam. Các anh em rất là xứng đáng. Cho nên cái tình nghĩa Miền Nam nói chung, Quảng Nam, Hội An nói riêng, cái tình nghĩa với Thanh Hóa lớn lắm. Với riêng tôi, người chỉ huy tiểu đoàn Đặc công thì số anh em Thanh Hóa thật đặc biệt cao cả. Sự nghiệp cách mạng nói chung, mà cụ thể ở Hội An, công lao của các chiến sỹ Thanh Hóa góp phần rất lớn cho thắng lợi của cả Quảng Nam và Hội An này vô cùng to lớn. Tôi nói là vô cùng to lớn. Đặc biệt Đại đội Đặc công Thanh Hóa vào chi viện cho Hội An, đánh trận địa pháo Cẩm Hà vô cùng dũng cảm, hy sinh mất 99%, giờ đang an nghỉ tại nghĩa trang Hội An. Cái đó đau xót lắm. Nhắc lại nghe buồn, đau xót, tổn thất lớn quá. Đặc công mà chiến đấu đến như vậy. Kiên cường đến phút cuối cùng, hy sinh hết.

Lần theo lời kể của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Luyện, chúng tôi tìm đến ông Nguyễn Lương Đình, một cán bộ tiểu đoàn Đặc công Thanh Hóa, đúng vào lúc ông cùng một số bà con đồng hương đến nghĩa trang liệt sỹ thành phố để dâng hoa, thắp hương cho các liệt sỹ đã hy sinh tại chiến trường Hội An nhân dịp kỷ niệm 55 năm Thanh Hóa – Hội An kết nghĩa. Nhìn hàng trăm ngôi mộ của Liệt sỹ vô danh, quê quán Thanh Hóa nghi ngút khói hương, mọi người đều rưng rưng nước mắt, cảm tưởng về những người đã hy sinh thân mình, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giải phóng Hội An, góp phần làm nên chiến thắng Mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Ông Đình chia sẻ: “Năm 1969, đơn vị tôi nhập ngũ, tiểu đoàn Thanh Hóa có 240 đồng chí. Trong quá trình chiến đấu, tôi và nhiều đồng chí bị thương. Một số anh em chúng tôi ở lại xây dựng cùng với quê hương Hội An cho đến ngày hôm nay. Có thể nói là cho đến giờ này, chúng tôi cảm nhận Hội An là quê hương thứ 2, mặc dù là không sinh ra nhưng mà có thể nói là cái nơi tôi sinh sống học tập, công tác, quê hương Hội An nâng đỡ rất là nhiều. Bởi vì khi mười tám tuổi lên đường làm nghĩa vụ quân sự, chỉ sau chưa đầy một năm, tôi vào đây chiến đấu cho đến ngày hôm nay, có nghĩa là gần 50 năm sống trên quê hương Hội An.”

Các Cựu chiến binh Thanh Hóa hồi ức quá khứ hào hùng- Ảnh: Lê Hiền

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ở cả hai miền Nam Bắc, cùng với việc chi viện sức người, sức của cho chiến trường Miền Nam, Hội An, tại quê nhà, người Thanh Hóa vẫn kiên cường chiến đấu. Những chiến sỹ Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực đã anh dũng bắn rơi hàng trăm máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái để bảo vệ cầu Hàm Rồng – cây cầu huyết mạch duy nhất nối liền các tỉnh phía Bắc vào chi viện cho Miền Nam liên tục bị quân địch bắn phá nhằm cắt đứt giao thông, chia cắt 2 miền Nam Bắc. Chặn đứng âm mưu của kẻ thù, cầu Hàm rồng vẫn hiên ngang nối đôi bờ sông Mã để các đoàn xe nối đuôi nhau chở vũ khí, thuốc men, lương thực, bộ đội vào chiến trường Miền Nam, trong đó có Hội An, Quảng Nam.

Giữa hoàn cảnh ác liệt, cam go, những bức thư sâu nặng nghĩa tình từ Thanh Hóa gửi vào, mỗi kỷ vật chiến tranh từ Hội An gửi ra là niềm tin, là cả tấm lòng, là nguồn động viên to lớn để Đảng bộ, quân và dân hai địa phương cùng tiếp thêm nghị lực, ra sức lao động, học tập, chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Những vùng đất rất đổi anh hùng của Thanh Hóa như Hàm Rồng, Phúc Sơn, Nam Ngạn, Đông Hương, Đông Thọ luôn sát cánh, kề vai cùng Cẩm Thanh, Cẩm An, Cẩm Hà, Cẩm Châu, Cẩm Kim, Cẩm Nam làm quân thù khiếp vía. Nơi quê nhà, đồng bào Thanh Hóa thực hiện các phong trào ‘tay búa, tay súng”, “tay cày, tay súng” “đảm bảo giao thông thông suốt” để xây dựng hậu phương vững chắc, chi viện cho tiền tuyến lớn Miền Nam. Mỗi người làm việc bằng hai vì Hội An ruột thịt. Đáp lại tình cảm của Thanh Hóa, quân và dân thị xã Hội An đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm lập nhiều chiến công xuất sắc và giải phóng quê hương.

Có thể nói, tình đồng chí anh em Thanh Hóa – Hội An đã tạo nên sức mạnh để cả hai địa phương cùng đi qua cuộc chiến tranh khói lửa, ác liệt bằng những chiến công hào hùng, thần thánh, góp cùng đồng bào cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau hơn 40 năm đất nước hòa bình, độc lập, bài học lịch sử về tình đồng chí giữa 2 thành phố Thanh Hóa và Hội An vẫn còn nguyên giá trị, ngời sáng, soi đường, tiếp bước tương lai.

Lê Hiền