Tấm lòng của một cô giáo nghỉ hưu

Trong một con hẻm nhỏ trên đường Lý Thường Kiệt (Hội An) có một lớp học vẫn đều đặn vang lên tiếng đọc bài ê a. Một cô giáo nghỉ hưu đã tình nguyện đứng ra tổ chức lớp học với mong muốn bổ sung thêm kiến thức cho những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.  

Gần 4 năm nay, không kể ngày nắng hay mưa, em Nguyễn Trần Đình Huy, học sinh lớp 5 trường TH Sơn Phong, vẫn đều đặn đến lớp học tình thương của cô Lê Thi Tuyết Anh, một giáo viên cấp 2 đã về hưu. Gia đình thuộc diện hộ cận nghèo của địa phương nên dù sức học yếu, Huy vẫn không có điều kiện đi học thêm. Nghe tin cô giáo Anh mở lớp dạy miễn phí, người nhà Huy đã xin cô cho em theo học. Từ sự chỉ dạy tận tình của cô Anh cộng với tinh thần hiếu học của bản thân, từ một học sinh yếu Huy đã vươn lên trở thành học sinh khá trong năm học vừa qua. Những chữ viết nghệch ngoạc ban đầu cũng dần trở nên nắn nót và đẹp hơn. Em Nguyễn Trần Đình Huy tâm sự: “Học lớp miễn phí của cô Anh đã giúp con tiến bộ rất nhiều. Con rất cảm ơn cô Anh.”

Cô Lê Thị Tuyết Anh nguyên là giáo viên của trường THCS Kim Đồng. Theo lời cô Anh, khi còn dạy học, thấy nhiều trẻ em quanh khu vực mình đang sống bị khuyết tật, mồ côi hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong khi ba mẹ các em hằng ngày phải tất bật mưu sinh, không có thời gian kèm cặp, bổ trợ kiến thức nên cô đã ấp ủ dự định sau này sẽ mở một lớp học tình thương để dạy miễn phí cho các em. Sau khi về hưu, với ý định ban đầu cộng với việc nghe được những trăn trở của người dân khối phố Phong Thiện (phường Sơn Phong) về việc nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện học thêm nên sức học giảm sút, chính vì vậy cô Anh đã quyết định mở lớp dạy thêm miễn phí cho các em từ lớp 1 tới lớp 5 ngay tại nhà mình. Cô Anh kể, thời gian đầu, nhiều em có sức học rất yếu, rồi có em gia đình khó khăn nên sách vở, bút thước đều thiếu. Thế là cô Anh lại lấy tiền lương hưu của mình đồng thời vận động thêm sự đóng góp của bạn bè và các nhà hảo tâm để mua sắm đồ dùng học tập hỗ trợ cho các em.  

Tình cảm dành cho những học trò nghèo là động lực để cô Anh gắn bó với việc dạy học- Ảnh: Thanh Ba

Với sự tâm huyết, nhiệt tình, cô Anh miệt mài chỉ bảo các em cách đánh vần, cộng trừ nhân chia các con số, giảng giải từng chút một để các em hiểu rõ và nắm bắt kiến thức tốt hơn. Nhờ đó mà sau một thời gian, nhiều em đã tiến bộ rõ rệt. Nhiều phụ huynh khi biết thông tin rất đỗi vui mừng. Tiếng lành đồn xa, số phụ huynh mang con đến lớp học tình thương ngày một nhiều hơn. Để mở rộng lớp học cũng như tạo điều kiện tốt hơn cho các em học tập, cô Anh làm đơn đề nghị khối phố cho mượn nhà sinh hoạt văn hóa để cô mở lớp. Không chỉ đồng ý cho mượn địa điểm để dạy học, chính quyền còn hỗ trợ thêm những đồ dùng học tập như phấn, bảng,… và trích kinh phí mua quà động viên các cháu học tập có nhiều tiến bộ. Nhờ vậy, hơn 4 năm nay, cứ mỗi chiều thứ bảy, chủ nhật hằng tuần lớp học tình thương của cô giáo Anh ở nhà văn hóa khối phố Phong Thiện lại văng vẳng tiếng giảng bài của cô giáo và tiếng đánh vần ê a của những học trò nghèo hiếu học.

Vì cùng một lúc phải dạy cho nhiều khối lớp nên cô Anh phải chia nhóm học sinh theo từng khối để giảng dạy. Xong việc đánh vần của học sinh lớp 1, cô Anh lại chạy sang chỗ các em lớp lớn hơn để hướng dẫn giải toán. Chiếc bảng đen cũng được cô chia làm 2 phần để giảng bài theo nội dung phù hợp với các khối lớp khác nhau. Cứ thế, cô giáo Anh cần mẫn suốt năm này qua năm khác gieo con chữ và kiến thức cho các em học sinh. Không chỉ dạy học, vào cuối năm học của các em, cô Anh còn dùng số tiền lương hưu của mình mua vở, bút trao thưởng cho các em có thành tích tốt, đồng thời tổ chức liên hoan cuối năm, tạo không khí vui vẻ, giúp các em có thêm động lực phấn đấu. Những năm gần đây, lớp học của cô Anh luôn có từ 20-30 em theo học. Hầu hết các em tham gia lớp học sau một thời gian đều tiến bộ rõ rệt, có những em từ học sinh yếu kém đã trở thành học sinh khá giỏi, chăm ngoan. Riêng năm nay, nhiều em đã bước sang lớp 6 nên số học sinh có giảm đi chút ít nhưng không khí lớp học vẫn rất vui tươi. Cô và trò đều say sưa với từng cuốn sách, trang vở.

Chia sẻ về công việc của mình, cô Lê Thị Tuyết Anh nói: “Tôi rất vui vì các cháu rất ngoan và cố gắng học tập. Mặc dù gia đình khó khăn hoặc sức học yếu nhưng các cháu đều nỗ lực phấn đấu. Mong rằng sau này các cháu sẽ trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội.”

Năm nay đã bước sang tuổi 61, sức khỏe không còn được như xưa nhưng với cô Lê Thị Tuyết Anh tình yêu nghề giáo và lòng thương cảm đối với những học trò nghèo hiếu học vẫn luôn tràn đầy. Mong rằng, với những tình cảm ấy, các em học sinh sẽ luôn cố gắng học tập, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội như mong muốn của cô.

Phan Sơn